Những hiểm họa từ 'tiên dược' tăng bản lĩnh đàn ông
Việc sử dụng các loại rượu pha huyết động vật như rắn, hươu, dê, bồ câu, ba ba... để tăng bản lĩnh đàn ông đang tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc và nhiễm ký sinh trùng.

Rượu pha với huyết động vật là món ăn chứa nhiều giun sán. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Thời gian gần đây, một bộ phận nam giới, từ thành thị đến nông thôn, rỉ tai nhau về công dụng "thần kỳ" của rượu huyết động vật. Quan niệm "huyết lạ, độc càng mạnh, hiệu quả càng cao" đã đẩy nhiều người vào cuộc thử nghiệm mạo hiểm.
Rượu huyết rắn dần trở nên lỗi thời, thay vào đó là vô số biến tấu từ dê, bồ câu, nai, thậm chí cả huyết mèo cũng được trưng dụng trên bàn nhậu. Bên cạnh sự tò mò, lời quảng cáo có cánh về khả năng tăng cường bản lĩnh đàn ông từ các chủ quán đã trở thành "liều thuốc" hấp dẫn, lôi kéo nhiều quý ông tìm đến loại đồ uống rủi ro này.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), chưa có bất kỳ cơ sở khoa học hay công trình nghiên cứu nào chứng minh rượu huyết có khả năng tăng cường "sức mạnh" phái mạnh. Thực tế, lượng huyết pha vào rượu thường rất nhỏ, khó có thể mang lại tác dụng như lời đồn.
Điều đáng lo ngại hơn, loại đồ uống này thường được pha chế từ rượu nấu thủ công, tiềm ẩn nồng độ độc tố cao. Bản thân huyết động vật lại là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, virus, sán và các loại ký sinh trùng phát triển. Bác sĩ Vũ cảnh báo về nguy cơ ngộ độc và nhiễm bệnh nghiêm trọng từ việc sử dụng rượu huyết.
Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc rượu pha huyết động vật, thậm chí cả những trường hợp không qua khỏi hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề do nhập viện quá muộn. Các triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm hôn mê sâu, suy hô hấp, tụt huyết áp, khó thở, phù não.
Bác sĩ Vũ phân tích ký sinh trùng và vi trùng tồn tại rất nhiều bên trong và bên ngoài cơ thể động vật. Quá trình lấy máu thường diễn ra qua da, nơi chứa đựng vô số mầm bệnh nguy hiểm mà mắt thường không thể nhìn thấy như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng.
Tại các quán nhậu, việc pha chế và bảo quản rượu huyết thường không đảm bảo vệ sinh, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và lây lan bệnh tật. Nhiều trường hợp tiêu chảy, nhiễm giun sán, ký sinh trùng, thậm chí không qua khỏi đã xảy ra do thói quen uống rượu nguy hiểm này.
Huyết tươi là môi trường dễ bị nhiễm trùng và phân hủy. Khi sử dụng huyết sống, các vi trùng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Y học cổ truyền hiện đại cũng rất hạn chế sử dụng huyết sống để điều trị bệnh. Hơn nữa, việc uống rượu huyết còn có thể dẫn đến dị ứng, phá hủy tế bào gan, gây xơ gan, trụy tim mạch.
Theo ghi nhận, ngay cả y học cổ truyền xưa cũng rất ít sử dụng huyết sống để bổ thận tráng dương. Các loại huyết "độc lạ" như chim, thỏ, ngựa, dơi... càng không được cổ nhân tin dùng cho mục đích này.