Đột quỵ - bệnh lý hàng đầu gây tàn phế

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). (Ảnh: BTC)

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). (Ảnh: BTC)

Ngày 20/4, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”, thu hút nhiều nhà khoa học và các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định, đột quỵ không còn là bệnh của người già.

Cụ thể, năm 2019, có 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi; 16% số ca xảy ra ở những người dưới 50 tuổi.

Từ năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm (tương đương cứ 3 giây có 1 ca mắc mới, cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ).

Tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mắc mới mỗi năm, tỷ lệ người mắc đột quỵ là 415/100.000 người. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất.

 Hội thảo thu hút nhiều giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham dự. (Ảnh: BTC)

Hội thảo thu hút nhiều giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham dự. (Ảnh: BTC)

Theo BS Khoa, 10 yếu tố gây đột quỵ trên thế giới, gồm: Hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, BMI cao, tăng cholesterol, tăng huyết áp, đường huyết, rối loạn chức năng thận…

"Trước thực tế đó, để giảm yếu tố nguy cơ, cần đẩy mạnh can thiệp cộng đồng. Đồng thời, nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch”, BS Khoa lưu ý.

Đánh giá hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về nguy cơ và cách phòng tránh đột quỵ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức khẳng định, nền tảng kiến thức đột quỵ rất đa dạng và khác nhau. Việc nắm rõ kiến thức để hiểu, phòng ngừa và điều trị, tránh xuất hiện nỗi sợ đột quỵ thái quá.

 Ông Nguyễn Tri Thức –Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: BTC)

Ông Nguyễn Tri Thức –Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: BTC)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi người không nên quá lo sợ đột quỵ đến mức ăn gì hay đi đâu cũng mang nỗi lo. Ông nhấn mạnh rằng bị tăng huyết áp không đồng nghĩa với việc đột quỵ đang cận kề.

Do đó, các thông tin trong hội thảo này giúp mỗi người cân bằng nỗi sợ đột quỵ, từ nỗi sợ trở thành có kiến thức để phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

"Bên cạnh đó, qua hội thảo, người dân sẽ biết được ở đâu là những cơ sở y tế, những cơ sở phòng ngừa đột quỵ có uy tín trên cả nước. Từ đó có thể trang bị kiến thức biết và giới thiệu về nhà hoặc bản thân chúng ta đến kiểm tra sức khỏe một cách cơ bản nhất và chính xác nhất", ông cho biết.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dot-quy-benh-ly-hang-dau-gay-tan-phe-post727941.html
Zalo