Trải nghiệm trực đêm tại khoa cấp cứu
Mỗi ca trực là một cuộc chạy đua của y bác sĩ, điều dưỡng vì sinh mệnh của bệnh nhân. Họ căng mình xử trí những tình huống khẩn cấp trong áp lực. Sự sống được giữ lại bằng chuyên môn và sự hy sinh thầm lặng.
Cuộc đua vì sinh mệnh nơi tuyến đầu sinh tử
Bước vào ca trực đêm, bác sĩ Đoàn Trường Sinh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cùng 5 điều dưỡng tiếp nhận hơn 15 ca bệnh được bàn giao từ ca trước. Đúng "giờ cao điểm", liên tục những bệnh nhân cấp cứu khác được đưa tới.


Trong ca trực đêm, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca cấp cứu với tình trạng nghiêm trọng.
Trong hỗn loạn tiếng khóc, la hét, thúc giục, tiếng máy móc, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1993, trú xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang nhìn chồng nằm trên băng ca với đôi mắt đỏ hoe. Chị kể, trong cơn dông, chồng chị không may bị mái tôn, cành cây rơi trúng đầu rồi nằm bất tỉnh.
Khi bệnh nhân được đưa đến cấp cứu, khai thác nhanh thông tin, bác sĩ thực hiện thăm khám và chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm cần thiết. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được kết nối với thiết bị y tế để theo dõi tình trạng sinh tồn.

Chồng chị Loan không may bị mái tôn, cành cây rơi trúng đầu trong cơn dông.
Vừa vội vàng viết vào tờ bệnh án, tiếng kêu lớn "bác sĩ ơi" của một người phụ nữ khiến bác sĩ Sinh chú ý. Người này ôm con nhỏ vào khoa với sự lo lắng tột độ. Chị vội diễn tả lại cảnh con nhỏ bị ngã đập đầu xuống sàn nhà và tình trạng của cháu sau đó. Vừa trấn an cháu nhỏ để thăm khám bác sĩ còn giải thích để phụ huynh ổn định tâm lý. Sau khi được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ cũng dặn dò phụ huynh tránh để trẻ cử động mạnh.

Người mẹ lo lắng diễn tả lại cảnh con bị ngã.
Rồi giọng nữ điều dưỡng bên cạnh hỏi lớn: "Bác bác sĩ Sinh ơi, cụ bà này có nhiều bệnh nên xuất hiện triệu chứng khó thở xử trí sao đây ạ". Bước chân của bác sĩ lại vội hơn để đến bên người bệnh.
Bỗng một người vỗ nhẹ vào vai bác sĩ và hỏi "tại sao người nhà tôi vào khoa lâu rồi nhưng chưa có kết quả khám vậy bác sĩ". Bác sĩ Sinh giải thích kết quả xét nghiệm đang được các chuyên khoa thực hiện khi nào có sẽ được thông báo và không nên quá lo lắng. Bác sĩ lại tiếp tục với việc thăm khám cho bệnh nhân khác.


Khi có kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhân cho người nhà và hướng dẫn phương án điều trị.
Ngồi xuống bàn, thở một hơi dài rồi cặm cụi viết bệnh án, bác sĩ Sinh chia sẻ, làm công tác cấp cứu ngoài chuyên môn cần phải rèn cho bản thân một tâm lý vững, bình tĩnh trong mọi tình huống.
"Nhiều khi đang cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch, tôi vẫn nghe thân nhân của họ trách móc sao làm chậm thế, sao không làm cái này, cái kia. Rồi người nhà bệnh nhân khác trách móc, thậm chí la hét vì chờ quá lâu. Lúc đó phải thực hiện cấp cứu đã rồi giải thích mọi việc đều có quy trình, bác sĩ sẽ biết ai cần cứu trước. Tôi không giận bởi ai có người thân đang trong tình trạng nguy hiểm cũng sẽ bất an, hoảng loạn", bác sĩ Sinh kể.

Với những trường hợp thắc mắc về thủ tục hay thời gian đợi lâu bác sĩ sẵn sàng giải thích.
Nữ điều dưỡng với "thần kinh thép"
Trong ca trực cấp cứu đêm, không chỉ có bác sĩ, những điều dưỡng cũng không ngơi tay. Họ tiếp nhận, khai thác thông tin, hoàn tất thủ tục nhập viện cho bệnh nhân rồi đo sinh hiệu, hỗ trợ bác sĩ trong từng thao tác cấp cứu. Bên cạnh chuyên môn, điều dưỡng còn là người giải thích, san sẻ lo lắng cho bệnh nhân cùng người nhà.


Những điều dưỡng là cánh tay đắc lực hỗ trợ bác sĩ khi cấp cứu người bệnh.
Nam điều dưỡng Hoàng Quốc Việt cho biết, anh chuyển về khoa cấp cứu hơn 1 năm nay. Làm việc ở đây anh cùng đồng nghiệp phải chịu áp lực rất lớn. Có những thời điểm bệnh nhân vào liên tục, tình trạng đa dạng từ nhẹ đến nguy kịch, trong khi nhân lực có hạn. Họ cùng phối hợp để có thể mang lại điều tốt nhất cho bệnh nhân. Đồng hành lâu, anh lại thêm cảm phục những nữ đồng nghiệp của mình.
Trong nhịp độ gấp gáp tại khoa cấp cứu, những nữ điều dưỡng tất bật với nhiệm vụ của mình. Mỗi ngày họ đối mặt với máu, với sự la hét, hoang mang, lo lắng đôi khi là sự trách móc. Có những lúc họ cùng bác sĩ đau buồn khi nhìn thấy bệnh nhân rơi vào "cửa tử".
Để đối mặt với những áp lực đó, họ phải giấu đi sự yếu mềm. Những đôi chân không dài nhưng bước vội, những đôi tay thoăn thoắt, những đôi mắt trĩu nặng, thâm quầng.

Trong nhịp độ gấp gáp tại khoa cấp cứu, những nữ điều dưỡng tất bật với nhiệm vụ của mình.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà là người có hơn 20 năm gắn bó cùng khoa cấp cứu. Chị không còn nhớ mình đã qua bao nhiêu đêm trắng, chạy đua cùng những ca bệnh khẩn. Tiếng còi cấp cứu, tiếng máy monitor và tiếng khóc, la hét của bệnh nhân gần như là âm thanh chị được nghe nhiều nhất.
Chị Hà chia sẻ, có những lần, sau ca trực đêm về đến nhà thì con đã đi học, chồng đã đi làm, bữa cơm gia đình cứ thế trở thành điều xa xỉ. Chị từng rất buồn khi con ốm sốt mà mình đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh khác. Cũng có những sự kiện quan trọng của gia đình chị phải lỡ hẹn vì công việc.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà là người có hơn 20 năm gắn bó cùng khoa cấp cứu.
Dù được cấp trên tạo điều kiện chuyển sang khoa khác nhưng chị vẫn xin ở lại. Với chị, công việc này vừa căng thẳng, đầy sự hy sinh, nhưng cũng là sứ mệnh. Được giúp ai đó vượt qua lằn ranh sinh tử làm cho công việc và cuộc sống chị thêm ý nghĩa.
Ở khoa còn có nữ điều dưỡng Huyền, Nghĩa, Thảo... cũng tất bật với ca trực của mình. Đêm càng về khuya, khuôn mặt lộ rõ lên sự mệt mỏi nhưng đôi mắt vẫn sáng để thực hiện chuẩn các thao tác y khoa.
Khi tiếng gọi cấp cứu vang lên, họ nhanh chóng đẩy băng ca, chuẩn bị thiết bị, phối hợp nhịp nhàng với bác sĩ để xử trí từng ca bệnh. Vừa đặt đường truyền cho bệnh nhân đã vội chạy đến hỗ trợ ca bệnh khác. Có người tranh thủ viết hồ sơ bệnh án trong vài phút ngắn ngủi rồi lại vội hướng dẫn bệnh nhân đến khoa điều trị được chỉ định.

Dù công việc có căng thẳng, mệt nhọc nhưng những nữ điều dưỡng vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đôi tay họ quen với tốc độ, đôi chân họ quên cảm giác mỏi. Họ đặt sinh mạng của bệnh nhân lên trên hết. Đằng sau chiếc khẩu trang là những giọt mồ hôi lặng lẽ. Khoác trên mình chiếc áo blouse mỏng nhẹ nhưng họ cảm nhận nó nặng vì chiếc áo mang theo cả trách nhiệm, hy sinh và bản lĩnh.