Văn chương: Câu chuyện của tổng phổ cộng đồng hay lược phổ cá nhân?

Trong tập tiểu luận 'Những màu khác', nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) viết, rằng văn chương không cho phép một nhà văn vờ là mình đang cứu vãn thế giới, mà đúng hơn, nó đơn giản là cho anh ta cơ hội cứu vãn một ngày khó ở; rằng để vui sống, mỗi ngày ông phải dùng một liều văn chương...'

1. Nhà thơ người Chile Pablo Neruda (Nobel văn chương 1971) từng phát biểu: “Tôi không có lời khuyên nào dành cho các nhà thơ trẻ cả. Họ cần phải tự đi con đường của họ; họ phải đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân”.

Tôi đặc biệt lưu ý đến cụm từ “tìm cách diễn đạt bản thân”. Cụm từ này lại gọi về trong tôi một câu của nhà văn người Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, nơi diễn từ ông trình bày tại lễ nhận giải Nobel văn chương năm 2000: “Văn chương giúp con người bảo trì ý thức làm người”.

Tác giả cuốn sách này cho rằng, để vui sống mỗi ngày ông phải dùng một “liều” văn chương.

Tác giả cuốn sách này cho rằng, để vui sống mỗi ngày ông phải dùng một “liều” văn chương.

Thảng hoặc đâu đó ở ta lại cất lên lời ta thán, rằng “đám trẻ” bàng quan, đứng ngoài những vấn đề nóng bỏng của xã hội; rằng văn trẻ cứ quanh quẩn trong phạm vi cái tôi cá nhân bé tí, với câu chuyện tủn mủn vụn vặt… Cảm giác các phạm trù nghệ thuật và thông tấn, cuộc sống và cuộc văn... cứ bị lẫn lộn đánh đồng.

Trong tập tiểu luận “Những màu khác”, nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) viết, rằng văn chương không cho phép một nhà văn vờ là mình đang cứu vãn thế giới, mà đúng hơn, nó đơn giản là cho anh ta cơ hội cứu vãn một ngày khó ở; rằng để vui sống, mỗi ngày ông phải dùng một liều văn chương. Nhà văn người Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov, trong tác phẩm “Hành khách”, cũng đã đưa ra chất vấn giàu sức phản tỉnh: “Chẳng lẽ không phải mỗi nhà văn đều chính là kẻ vẫn bận tâm với những thứ vặt vãnh đó sao?”…

Có nghĩa là, nhà văn chọn viết về đề tài gì thì không mấy quan trọng; quan trọng hơn là anh ta tiếp cận và xử lí đề tài đó - tức văn chương hóa đề tài đó - như thế nào. Mà xem ra đề tài càng “nhỏ” thì văn chương càng tiến sát con người, càng đứng về phe con người.

Trong truyện dài “Về cô gái này”, Nguyễn Ngọc Thuần viết: “Người ta nói tâm hồn con người có xu hướng tìm đến những điều nhỏ hơn những điều lớn. Vì sự thật là chúng ta chỉ có thể chứa những điều nhỏ. Một đôi lần chúng ta chứa điều lớn, điều vĩ đại, nhưng nó không phải là cách mà tâm trí chúng ta vận hành”.

Phải chăng bởi quan niệm như vậy nên tác giả đã “giải đại tự sự” bằng cách chọn cho tác phẩm của mình câu chuyện “mang tính cá nhân” của Z, một cô gái sống đời vô danh, bị cái bệnh béo phì hành hạ cả thể trạng lẫn não trạng. Câu chuyện tưởng như “nhỏ” gói trong cuốn sách mỏng 169 trang ấy lại có sức thuyết phục lớn bởi hàm lượng tính tư tưởng, hàm lượng vấn đề xã hội trong đó. Và mãnh lực từ cách kể của tác giả đã hấp dụ người đọc, càng đọc họ càng bị hút chặt vào, củng cố trong họ xác tín, rằng câu chuyện được kể đôi khi xem ra không quan trọng bằng cách kể.

Nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần truy vấn: “Cuộc sống của mình có thực sự là cuộc sống không?”; “Cuộc đời này là không sao đâu nhưng sao nước mắt cứ muốn trào ra?”… Đọc “Về cô gái này”, người đọc có dịp ngụp sâu vào nỗi buồn, nỗi cô đơn ngơ ngác của tha nhân, của bản thân, được thanh lọc tẩy rửa để rồi đứng dậy tìm cách tự hóa giải bi kịch, tự làm mới, tự khỏa lấp khối trống rỗng, tự nới giãn đường viền… cuộc sống của mình.

Trong tập tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ”, nhà văn, nhà phê bình Milan Kundera phát biểu, đại ý, không phải là bi quan cũng chẳng phải tuyệt vọng, đấy đơn giản là một sự hiển nhiên, nhưng là một điều hiển nhiên thông thường bị che đậy bởi chúng ta thuộc về một tập thể làm cho chúng ta đui mù vì những giấc mơ, những kích thích, những dự án, những ảo tưởng…, rồi đến một hôm, tấm màn che rơi xuống và để ta lại cô đơn với cơ thể, phó mặc cho cơ thể; sự đối mặt dữ dằn sau cuối của con người là với tính vật chất sinh lý của họ; đằng sau những khuôn mặt, kể cả khuôn mặt oa trữ của kho báu hay mẩu vàng hay viên kim cương, là “cái tôi” cực kì mong manh run rẩy trong một cơ thể.

Phải, văn chương nên thường xuyên biết phản tư, biết giải đại tự sự, lẩy hú họa “những ví dụ xoàng”, bớt tham vọng đúc kết khái quát… để trả con người từ tổng phổ cộng đồng về lược phổ cá nhân, từ trạng thái trời về trạng thái người, để giúp con người biết len sâu vào những tiểu ngạch của thế giới và bên trong chính mình nhằm bảo trì ý thức làm người. Văn chương chân chính là văn chương truy vấn về nhân tình nhân tính. Tình người tính người có khi được biểu hiện sinh động bằng những cảm xúc cảm giác tưởng chừng như riêng tư vặt vãnh chớp nhoáng.

2. Cảm xúc cảm giác - đặc biệt là cảm xúc cảm giác yêu - là chỉ dấu của tính người tình người. Thơ là thể loại tương thích nhất để ghi lại thứ cảm xúc cảm giác vừa mơ hồ vừa vững chãi này. Chẳng hạn như bài thơ “Chuyến phà không duyên” của Đoàn Tú Anh dưới đây:

Chuyến phà không duyên
Chúng mình chung một chuyến phà trưa
Không bảo rằng duyên vẫn âm thầm đợi
Sông mênh mông bơi hoài chẳng tới
Hơn một lần em mong gặp chuyến sau
Chắc không duyên nên mình cứ lạc nhau
Sông nông nổi nên hai bờ bồi, lở
Biết nhớ, biết thương nghiêng về em nhiều lắm
Không hẹn trăm năm vẫn đợi. Và chờ…
Em giờ đã là khách quen phà cũ
Bao người dưng gặp gỡ thoáng môi cười
Chúng mình xưa quen nhau cũng thế thôi
Em khờ khạo để rơi vào miền nhớ
Rằng không duyên thôi đừng ngóng ngẩn ngơ
Con gái lớn rồi sẽ về bến khác
Chuyến phà quen buồn vắng người khách lạc
Lên phà không phải để sang sông…

Cuộc đời ơi, sao lắm lạ kỳ/ Có những năm tháng đi qua mà chẳng thành nỗi nhớ/ Nhưng nhiều khi chỉ một lần gặp gỡ/ Một thoáng nhìn thôi cũng trăn trở mãi trong nhau” (Thuận Hữu). Vâng! “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” (Xuân Diệu). Có nghĩa gì đâu khi “chúng mình chung một chuyến phà trưa”, rồi nhìn nhau “thoảng môi cười”. Vậy mà, “em khờ khạo để rơi vào miền nhớ”. Để rồi, sau chuyến phà định mệnh ấy, ngày ngày “em” lại… “lên phà”. “Lên phà không phải để sang sông”, mà là để tìm về cảm giác, để mong được gặp lại “anh”, được nhìn thấy “anh”, dẫu chỉ một lần nữa trong đời…

Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không” (Nguyễn Du). “Chắc không duyên nên mình cứ lạc nhau”, “anh” nhỉ? Bởi người ta nói “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà! “Sông mênh mông bơi hoài chẳng tới”. Đến bao giờ “chúng mình” mới nhận ra nhau? Đến bao giờ tình “em” mới chạm được tình “anh” rồi hòa chung làm một? Có lẽ “chúng mình” chỉ có duyên gặp gỡ chứ không có duyên quần tụ, “anh” à!... Ôi chao, hai tiếng “chúng mình” nó mới ngọt ngào làm sao, mới đáng yêu làm sao! Từ “chúng mình” thể hiện khao khát thiết lập mối quan hệ kết dính, bện quyện. Nhưng… khao khát chỉ để mà… khát khao!

Đi suốt bài thơ, người đọc không hề bắt gặp đại từ nào được “em” - tác giả - dùng để gọi người con trai. Cũng phải thôi, bởi nếu đại từ “anh” xuất hiện chẳng hạn thì sẽ trở nên thừa thãi khi trước mắt tác giả (và cả trước mắt người đọc), không gian đã đầy ắp bóng hình “anh” rồi! Ba lần tác giả dùng đại từ ở ngôi thứ nhất số nhiều là “chúng mình”, “mình” và “chúng mình” cho thấy toàn bộ bài thơ là lời đối thoại giữa “em” và nhân vật “anh” vắng mặt. Một khi đối tượng hướng đến vắng mặt thì đối thoại chỉ là độc thoại. Nói với “anh” nhưng thực ra là nói với chính mình…

Hạnh phúc với con người ta là mỗi ngày được lấp đầy khoảng trống mênh mông nơi ngăn hồn bằng những cảm xúc cảm giác. Tác giả bài thơ mỗi lần “lên phà” là để tìm đến thứ hạnh phúc đó, được “đợi”, được “chờ”, được hy vọng, thất vọng, được hoài tưởng, mơ tưởng, khát khao… Người con gái (“em”) và chàng trai (vắng mặt) trong bài thơ đã có một chuyến đi qua nhau trong đời. “Như hút gió giữa ngàn lau trắng ấy/ Thổi qua rồi bông lá vẫn còn rung” (Thúy Bắc). Liệu chàng trai có biết, mình là ngọn gió đã thổi qua đời cô gái, làm xáo trộn đời sống tình cảm của cô ta đến mức nào không?

Thơ là thư ký chân thành của trái tim, là sự ngân rung của tình cảm sung mãn mãnh liệt. Bài thơ “Chuyến phà không duyên” tràn ra trên đầu ngọn bút của Đoàn Tú Anh bởi người thơ này đã đi đến tận cùng cảm giác, đã sống đến tột cùng cảm xúc. Cảm giác cảm xúc đạt đến độ bốc cháy thăng hoa nên lời thơ nghe đến là tự nhiên, tự nhiên như thể trang nhật kí ngày thường. Bài thơ cứ vọng ngân trong tôi, nói với tôi, rằng hãy biết mê biết say giữa cuộc đời quá tỉnh, và hãy biết cất giữ mỗi ngày vào ngăn kỷ niệm.

Ở trên, tôi cố ý trích dẫn cổ nhân, Nguyễn Du, Xuân Diệu, Thuận Hữu, Thúy Bắc với hàm ý nhấn mạnh, rằng tiếng thơ của Đoàn Tú Anh, cũng như của một nhà thơ bất kì, không hề nhỏ vụn lạc lõng. Mọi văn bản đều là liên văn bản, xuyên thông gặp gỡ nhau bởi tính người tình người.

Hoàng Đăng Khoa

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/van-chuong-cau-chuyen-cua-tong-pho-cong-dong-hay-luoc-pho-ca-nhan--i767701/
Zalo