Có nên nhịn ăn sáng để giảm cân?

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên bỏ bữa ăn sáng để giảm cân theo xu hướng 'nhịn ăn gián đoạn' đang được nhiều người trẻ áp dụng

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc bỏ bữa sáng không đơn giản là cắt giảm một phần ăn, mà có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyển hóa đường huyết, sức khỏe đường ruột và nhiều chức năng sống khác của cơ thể.

Tăng nguy cơ ung thư

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Lý, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết bỏ bữa sáng không đơn thuần là "bỏ qua một bữa ăn", mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều chức năng chuyển hóa quan trọng trong cơ thể.

Theo BS Lý, việc nhịn ăn sáng thường xuyên có thể làm tăng nồng độ axít béo tự do trong máu, ảnh hưởng đến hoạt động của insulin - từ đó làm tăng nguy cơ đề kháng insulin, tiền đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên bỏ bữa sáng, đặc biệt là người béo phì hoặc trẻ em, có nguy cơ tiền đái tháo đường cao hơn. Cơ thể béo phì vốn đã đề kháng insulin, khi không ăn sáng dễ rơi vào tình trạng rối loạn đường huyết nặng hơn.

Một nghiên cứu tại Nhật Bản từng ghi nhận học sinh trung học bỏ bữa sáng có nguy cơ tiền đái tháo đường cao gấp 1,85 lần so với nhóm ăn sáng đầy đủ.

Ngoài ra, người bỏ bữa sáng thường có xu hướng ăn bù vào bữa trưa hoặc chiều, dẫn đến tổng năng lượng nạp vào không giảm, thậm chí tăng - từ đó phản tác dụng giảm cân. Không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết, việc nhịn ăn sáng kéo dài còn gây hại cho dạ dày.

BS Lý phân tích khi dạ dày trống nhưng vẫn tiết dịch vị, lâu ngày có thể gây kích ứng niêm mạc, dẫn đến viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc trào ngược thực quản.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đau dạ dày mạn tính mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen bỏ bữa sáng. Như trường hợp anh T.V.D (38 tuổi, kỹ sư xây dựng) - người có thói quen chỉ uống cà phê sáng và ăn vào buổi trưa, tối. Sau vài năm, anh bắt đầu xuất hiện các cơn đau rát vùng thượng vị, đặc biệt khi bụng đói. Kết quả nội soi cho thấy anh bị viêm dạ dày mạn tính kèm trào ngược thực quản.

"Bỏ bữa sáng khiến dạ dày rỗng kéo dài, axít vẫn tiết ra mà không có thức ăn trung hòa sẽ gây tổn thương niêm mạc. Về lâu dài, nguy cơ viêm mạn tính và thậm chí là ung thư đường tiêu hóa sẽ gia tăng" - BS Lý lưu ý.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy người thường xuyên không ăn sáng có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, thực quản, đại tràng, gan…) cao gấp 2-5 lần so với người duy trì bữa sáng đầy đủ.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Lý, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), thăm khám cho bệnh nhân bị đau dạ dày

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Lý, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), thăm khám cho bệnh nhân bị đau dạ dày

Cân bằng năng lượng

ThS-BS Bùi Thị Duyên, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết một số trường hợp cho rằng nhịn ăn sáng một thời gian dài cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, song điều này không dành cho số đông. Đặc biệt, với người có bệnh nền như rối loạn chuyển hóa, hạ huyết áp, mất ngủ, mắc các bệnh đường tiêu hóa, càng không nên nhịn ăn sáng.

Đối với một số trường hợp áp dụng phương pháp ăn gián đoạn có thể phù hợp trong một số phác đồ giảm cân nhưng việc giảm cân bền vững và lành mạnh phải dựa trên cân bằng năng lượng, điều chỉnh hormone, tạo thói quen ăn uống điều độ chứ không đơn thuần là bỏ bữa. Mỗi người có thể trạng và lối sống khác nhau, do đó cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phác đồ riêng phù hợp. Bên cạnh đó, giảm cân bền vững cần dựa trên nguyên tắc cân bằng năng lượng, điều chỉnh hormone, thay đổi hành vi ăn uống và sinh hoạt - chứ không phải đơn giản là "nhịn ăn".

Theo các chuyên gia, bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong việc "khởi động" đồng hồ sinh học của cơ thể. Việc ăn đúng giờ sẽ giúp hệ tiêu hóa tiết enzyme đúng chu kỳ, ổn định chuyển hóa và giảm các yếu tố viêm.

BS Lý cho biết hệ vi sinh đường ruột gồm hàng ngàn tỉ vi khuẩn có lợi cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ thói quen ăn uống. Người duy trì bữa sáng đều đặn có hệ vi sinh vật phong phú, cân bằng, từ đó giúp tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ viêm mạn tính.

"Bỏ bữa ăn sáng có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh, dẫn đến tăng chủng vi khuẩn gây viêm, ảnh hưởng đến tiêu hóa, miễn dịch và thậm chí là quá trình trao đổi chất" - BS Lý cảnh báo.

Ăn sáng đúng cách

Theo ThS-BS Bùi Thị Duyên, việc ăn sáng đúng cách không chỉ giúp cơ thể tỉnh táo, cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung, mà còn kiểm soát cảm giác đói vào bữa trưa, giảm xu hướng ăn quá mức. Các bác sĩ khuyến nghị một bữa sáng lành mạnh nên đủ 4 nhóm chất gồm bột đường phức hợp (yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt giúp no lâu, ổn định đường huyết); chất đạm (trứng, sữa, cá...); chất béo lành mạnh (từ các loại hạt, dầu ô liu, bơ...); vitamin và kháng chất từ rau xanh và trái cây tươi hỗ trợ tiêu hóa và tăng đề kháng.

Với những người không thấy đói vào buổi sáng, có thể bắt đầu bằng những món nhẹ như cháo loãng, xúp, sữa chua không đường hoặc trái cây. Việc ăn sáng cần duy trì đều đặn để thiết lập lại nhịp sinh học cho cơ thể.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-nen-nhin-an-sang-de-giam-can-196250510203933219.htm
Zalo