Khuyến cáo quan trọng xử trí, phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ

Theo các bác sĩ, hóc dị vật là tai nạn nguy hiểm, thường gặp ở trẻ, đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi do đặc điểm sinh lý và hành vi của trẻ. Nếu không được xử trí kịp thời, hóc dị vật có thể dẫn đến ngừng thở, tổn thương não hoặc tử vong.

Hóc dị vật, tai nạn nguy hiểm thường gặp

Đầu tháng 4/2025, tại TP Huế xảy ra sự việc thương tâm khi một cháu bé 3 tuổi ở nhà cùng ông bà tử vong do hóc kẹo. Nạn nhân là bé trai N.T.T.D. (trú xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc).

Theo đó, sau khi ăn kẹo dẻo, cháu D. xuất hiện tím tái. Người nhà lập tức đưa cháu bé đến Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc - cơ sở Chân Mây để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận cháu bé hôn mê, lay gọi không đáp ứng, đồng tử giãn, SpO2 0%, không có nhịp tim, huyết áp không đo được.

Qua hồi sức tích cực hơn 1 giờ nhưng không thành công, các bác sĩ giải thích tình hình cho gia đình, cháu bé được đưa về nhà. Các bác sĩ cho biết, lúc vào viện trẻ ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn do dị vật đường thở.

Dị vật bên trong phế quản bệnh nhi 5 tuổi.

Dị vật bên trong phế quản bệnh nhi 5 tuổi.

Trước đó, tháng 12/2024, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trường hợp bé trai 5 tuổi vào viện với biểu hiện ho sặc sụa, khó thở dữ dội. Theo thông tin từ gia đình, trước khi xuất hiện các dấu hiệu, trẻ có ngậm đồ chơi nhựa.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành cho trẻ thở máy chủ động, chụp X-quang phổi và CT Scan phổi để xác định dị vật. Ê-kíp bác sĩ lập tức tiến hành nội soi cấp cứu, gắp thành công dị vật là một hạt nhựa che lấp phế quản góc bên phải bệnh nhi.

ThS.BS Phạm Kiều Lộc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, mỗi năm Trung tâm Nhi tiếp nhận nhiều cháu bé bị hóc dị vật vào cấp cứu và được nội soi, gắp thành công.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế gắp dị vật cho một bệnh nhi. Ảnh Đ.V.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế gắp dị vật cho một bệnh nhi. Ảnh Đ.V.

Phần lớn các ca bệnh phát hiện và can thiệp kịp thời bằng phương pháp nội soi. Dị vật chủ yếu là các loại hạt như đậu phộng, hạt hướng dương, hạt dưa và nhiều nhất là các đồ chơi nhựa có kích thước nhỏ.

Theo ThS.BS Phạm Kiều Lộc, ca tử vong do hóc dị vật ở trẻ thường do trẻ được đưa đến cơ sở y tế quá muộn hoặc dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn khiến ngưng tim, ngưng thở trước khi đến bệnh viện. Vụ việc cháu bé tử vong do hóc kẹo ở huyện Phú Lộc mới đây là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng này.

Phòng và xử trí khi trẻ bị hóc dị vật ra sao?

ThS.BS Phạm Kiều Lộc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi cho biết, hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi do đặc điểm sinh lý và hành vi của trẻ. Trẻ có thói quen đưa đồ vật vào miệng, chưa có kỹ năng nhai nuốt tốt, và phản xạ ho còn yếu nên rất dễ bị hóc dị vật đường thở.

Hóc dị vật hoàn toàn có thể phòng tránh và xử trí hiệu quả nếu người chăm sóc trẻ nhận biết đúng dấu hiệu, thực hiện sơ cứu cũng như đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Hóc dị vật hoàn toàn có thể phòng tránh và xử trí hiệu quả nếu người chăm sóc trẻ nhận biết đúng dấu hiệu, thực hiện sơ cứu cũng như đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết sớm là khi trẻ đột ngột ho dữ dội, tím tái, khó thở (sau khi ăn hoặc chơi đồ vật nhỏ), thở rít, thở khò khè, không thể khóc, nói, mất ý thức (nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở).

Theo ThS.BS Phạm Kiều Lộc, để phòng hóc dị vật, không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc như kẹo cứng, hạt, thạch viên, bỏng ngô, đậu phộng. Luôn giám sát trẻ khi ăn hoặc chơi, không để trẻ chạy nhảy, cười đùa trong lúc ăn.

Tránh cho trẻ chơi đồ vật nhỏ, dễ tháo rời như pin cúc áo, mảnh lego, đồng xu, nút áo. Dạy trẻ thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không nói chuyện khi đang ăn. Trang bị kiến thức sơ cứu dị vật cho người chăm sóc trẻ.

Trẻ hóc dị vật nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến ngừng thở, tổn thương não hoặc tử vong do đó, khi trẻ có dấu hiệu hóc dị vật nên xử trí như sau:

Nếu trẻ còn tỉnh và ho được, khuyến khích trẻ ho mạnh để đưa dị vật ra ngoài.

Với trẻ dưới 1 tuổi nếu khó thở, tím tái, không nói hoặc khóc được, sử dụng kỹ thuật vỗ lưng và ấn ngực để giúp loại bỏ dị vật đường thở.

Với trẻ trên 1 tuổi, thực hiện thủ thuật Heimlich (sử dụng áp lực tay tạo áp lực mạnh trong đường dẫn khí) đẩy dị vật ra.

Tuy nhiên, theo bác sĩ khi phát hiện trẻ hóc dị vật gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu, ổn định đường thở cũng như chẩn đoán xác định và nội soi gắp dị vật.

"Hóc dị vật là tai nạn nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh, xử trí hiệu quả nếu người chăm sóc trẻ nhận biết đúng dấu hiệu, sơ cứu kịp thời và đưa trẻ đến cơ sở y tế. Mong rằng các bậc phụ huynh lưu tâm và chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng cho trẻ nhỏ", ThS.BS Phạm Kiều Lộc chia sẻ.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khuyen-cao-quan-trong-xu-tri-phong-ngua-hoc-di-vat-o-tre-169250510203855959.htm
Zalo