Bài học đáng nhớ

Mỗi lần nhớ tới Côn Sơn, tôi lại tự nhắc mình phải biết giữ gìn, bảo vệ, trân trọng di tích và không nghịch dại. Đó là một bài học đáng nhớ.

Buổi sáng hôm ấy, trước khi thi học kỳ 2, tôi cùng các bạn trong lớp được thầy chủ nhiệm và các phụ huynh tổ chức cho đến thăm Côn Sơn. Thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu trước đây là một vùng đất linh thiêng và đầy huyền thoại, nơi có đền, có chùa, có suối trong veo và cả dấu tích của những trang sử hào hùng.

Chuyến dã ngoại ấy, ai cũng háo hức. Đứa nào cũng tranh thủ chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc của vùng đất thiêng làm kỷ niệm. Chúng tôi được thầy giáo chủ nhiệm nhắc nhở: “Đây là khu di tích, các em phải giữ trật tự, không leo trèo, không vứt rác bừa bãi. Ai thấy rác thì nhặt bỏ vào thùng, nhớ chưa?”. Cả lớp đồng thanh “dạ vâng", hứa ngoan như thường lệ.

Nhưng rồi, như bao lần khác, lời hứa ấy cũng dễ dàng trôi tuột khi có trò nghịch mới lạ.

Khi đoàn dừng chân nghỉ trưa dưới gốc cây cổ thụ, tôi, Nam và Hưng lén rủ nhau ra phía sau chùa, nơi có một bãi đất đầy lá khô và cành cây rụng. Nam hí hửng khoe chiếc bật lửa nhỏ trong túi quần, cười tinh nghịch: “Tao thử đốt lá xem khói bay lên cao không nhé”.

Ban đầu, tôi ngần ngại nhưng rồi cũng bị cuốn theo. Chỉ một đốm lửa châm xuống, lá khô bén nhanh, ban đầu chỉ là làn khói mỏng. Khi lửa bén vào lá, cả ba reo lên thích thú. Nhưng niềm vui ấy chỉ kéo dài vài giây.

Ngọn lửa lan nhanh hơn chúng tôi tưởng. Chỗ lá đang âm ỉ cháy lan ra đống lá khô gần đó. Khói bốc cao, mùi khét bắt đầu lan xa. Tôi bắt đầu thấy sợ. “Chết rồi, tắt đi không cháy mất”. Lúc đó chúng tôi hoảng hốt kêu lên, dùng chân dẫm dẫm, nhưng vô ích.

Đúng lúc ấy, tiếng quát vang lên: “Dừng lại ngay. Ai cho các con đốt lửa ở đây”.

Đó là cô Thu, hướng dẫn viên của khu di tích. Cô lao đến, vội vàng dẫm lên đám lá đang bốc cháy, vừa dập vừa lấy chai nước đổ lên. Khuôn mặt cô có vẻ hoảng hốt.

“Các con có biết đây là đâu không? Xung quanh toàn rừng thông, lá khô chất đống. Một đốm lửa nhỏ thôi cũng có thể cháy lan ra cả núi, cả chùa. Nếu cô không phát hiện kịp, hậu quả thế nào các con có tưởng tượng được không?” - giọng cô nghiêm khắc và vẫn đầy lo lắng.

Tôi, Nam và Hưng đứng im, mặt cúi gằm, không dám nhìn lên. Cả ba lắp bắp: “Chúng cháu… xin lỗi ạ! Chúng cháu không biết lại nguy hiểm thế”.

Thầy giáo chủ nhiệm nghe tiếng la hét cũng chạy ngay tới, ánh mắt vừa nghiêm khắc vừa xót xa: “Trò đùa này không nhỏ đâu. Giữ gìn di tích đâu chỉ là không vẽ bậy, không trèo lên tượng mà còn phải biết bảo vệ từng gốc cây, từng phiến đá. Một đốm lửa, có thể làm mất cả một phần lịch sử”.

Lúc đó, bác lao công quen thuộc ở khu di tích cũng ghé lại, lắc đầu: “May mà phát hiện kịp. Năm ngoái cũng có người vô ý vứt tàn thuốc, suýt nữa cháy lan cả vạt rừng. Mấy cháu phải nhớ, giữ gìn di tích không chỉ là trách nhiệm của người lớn đâu”.

Chúng tôi lặng lẽ nhặt những que củi, gom đống lá đã cháy dở bỏ vào thùng rác. Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi, nếu hôm đó cô Thu không kịp phát hiện, lửa lan nhanh thì sao? Điều gì sẽ xảy ra với khu rừng ấy, ngôi chùa ấy? Có lẽ, vết cháy ấy sẽ thành nỗi ân hận suốt đời.

Chuyến dã ngoại hôm ấy, tôi không chỉ được nghe kể về lịch sử, về Nguyễn Trãi, về suối Côn Sơn trong vắt, mà còn được bài học quý giá phải biết trân trọng và bảo vệ di tích bắt đầu từ ý thức nhỏ nhất như không vứt rác, không nghịch phá, không vô ý làm tổn thương cảnh quan. Một trò đùa tưởng chừng vô hại có thể để lại hậu quả khôn lường.

Tiếng chuông chùa hôm ấy vẫn vang vọng mãi trong tâm trí tôi. Mỗi lần nghĩ về Côn Sơn, tôi lại tự nhủ rằng mình cần kể câu chuyện đó để các bạn hiểu rõ hơn và biết cách bảo vệ di tích. Đúng là một bài học đáng nhớ.

PHAN ĐỨC ANH, lớp 7D, Trường THCS Chu văn An, TP Hải Dương

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bai-hoc-dang-nho-410948.html
Zalo