TP.HCM triển khai hệ thống thông tin phục vụ việc hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
Sở KH&CN TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã có kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin.
Mới đây, Sở KH&CN TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã ban hành kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi hợp nhất.
Kế hoạch được ban hành nhằm đảm vảo công tác vận hành các hệ thống thông tin (HTTT) của ba địa phương sau khi hợp nhất được thông suốt, không ảnh hưởng đến việc xử lý công việc của cán bộ công chức trên địa bàn ba địa phương.
Đồng thời, đảm bảo người dân, doanh nghiệp, các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các HTTT và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm hai giai đoạn. Ảnh: THUẬN VĂN
Nội dung thực hiện kế hoạch liên tịch gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, ưu tiên triển khai các HTTT thiết yếu.
Cụ thể, với các HTTT của cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Văn phòng Thành ủy TP.HCM đề xuất Văn phòng Trung ương Đảng được triển khai chung lộ trình triển khai cho Văn phòng Thành ủy TP.HCM các hệ thống văn bản điều hành, hệ thống báo cáo Nghị quyết số 57; hệ thống báo cáo đại hội; hệ thống phần mềm tác nghiệp.
Với các hội nghị trực tuyến, cổng thông tin điện tử Đảng bộ, đề xuất cho hai Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất giải pháp, lộ trình triển khai với Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Thời gian hoàn thành vào tháng 5-2025.
Đối với các HTTT của cơ quan Nhà nước, về các hệ thống thông tin như hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến, đề xuất khảo sát hiện trạng ở các địa phương và có phương án kết nối với hệ thống tại TP.HCM. Thời gian hoàn thành trước ngày 15-5.
Về hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành, sẽ khảo sát hiện trạng hệ thống hội nghị trực tuyến tại các địa phương, để xuất giải pháp và phương án kết nối với hệ thống tại TP.HCM. Sau đó triển khai thử nghiệm tại một số đơn vị trước ngày 15-6 và triển khai cho tất cả phường, xã và đặc khu mới thành lập, các sở, ban, ngành sau hợp nhất trước ngày 15-8. Vận hành chính thức vào 1-9.
Về hệ thống thư điện tử, Sở KH&CN tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp danh sách cán bộ công chức cho Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM tạo danh sách thư điện tử công vụ trước 10-5.
Sau đó, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM thực hiện tạo tài khoản thư điện tử, tập huấn sử dụng cho cán bộ, công chức hai tỉnh trước ngày 10-6. Lưu ý, đối với cán bộ tỉnh Bình Dương sẽ sử dụng song song hai tài khoản điện tử trong 3 tháng trước khi kết thúc tài khoản cũ.
Hệ thống 1022, sẽ khảo sát đề xuất phương án triển khai vào tháng 6-2025, vận hành chính thức từ ngày 1-9.
Ngoài ra, kế hoạch còn nêu rõ lộ trình tiếp nhận, phối hợp tổ chức triển khai về chữ ký số; mã định danh điện tử; cổng thông tin điện tử TP, các trang thông tin điện tử thành phần; các hệ thống khác và hạ tầng công nghệ thông tin như mạng truyền số liệu chuyên dùng, trung tâm dữ liệu. Thời gian hoàn thành từ tháng 5 đến tháng 8-2025.
Giai đoạn 2 là quản trị và vận hành trên nền tảng số sau hợp nhất. Trong đó, xây dựng phương án tổ chức triển khai các HTTT từ các sở xuống phường, xã đảm bảo tuân thủ theo Chiến lược dữ liệu quản trị TP.
Cụ thể, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã; xây dựng phương án tổ chức triển khai các HTTT từ các sở xuống phường, xã và đặc khu; tham mưu UBND TP.HCM các HTTT có thể triển khai cho các phường, xã và đặc khu. Thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2025.