Sáng chế thiết bị 'nói chuyện' bằng rung động cho người khiếm thính, khiếm thị
Không nhìn thấy, không nghe được nhưng vẫn có thể cảm nhận thế giới bằng những rung động trên lòng bàn tay. TactiWave là đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM). Dự án đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi 'Swinburne Hackathon 2024' và được chọn trình bày tại hội nghị quốc tế CHI 2025.
Nhóm sinh viên và cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin, dưới sự hướng dẫn của TS Lê Duy Tân và TS Vi Chí Thành, đã thực hiện đề tài nghiên cứu tập trung vào trải nghiệm xúc giác qua tín hiệu rung trên lòng bàn tay. Mục tiêu của nhóm là xây dựng nền tảng giao tiếp mới cho người khiếm thính và khiếm thị – những đối tượng gần như bị “tách biệt” khỏi ngôn ngữ lời nói và hình ảnh.
Thiết bị TactiWave là một giải pháp công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), nhằm chuyển đổi ngôn ngữ nói thành tín hiệu rung dựa trên bảng chữ cái Lorm (một hệ thống giao tiếp xúc giác dành riêng cho người vừa khiếm thính vừa khiếm thị). Khi có âm thanh lời nói từ môi trường xung quanh, hệ thống sẽ nhận diện nội dung và truyền tải chúng thành các rung động đặc trưng trên từng vị trí của lòng bàn tay, giúp người dùng cảm nhận và “đọc” được thông tin qua xúc giác.
Chia sẻ với Sinh Viên Việt Nam, anh Đặng Nguyễn Nam Anh (nhóm trưởng dự án) cho biết, trong suốt quá trình thực hiện, nhóm không chỉ tập trung phát triển sản phẩm mà còn chủ động tham gia nhiều hoạt động học thuật để thử nghiệm và hoàn thiện ý tưởng. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi nhóm tham gia cuộc thi ‘Swinburne Hackathon 2024’ và giành được giải Nhì. “Những trải nghiệm này giúp chúng mình trau dồi kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo và tiếp nhận góp ý chuyên môn từ các chuyên gia. Quan trọng hơn, chúng mình có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi dự án đến cùng”, anh chia sẻ.

Nhóm trao đổi và kiểm tra sản phẩm trong quá trình phát triển. (Ảnh NVCC)
Ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu, hệ thống chỉ đạt khoảng 25% độ chính xác, khiến cả nhóm khá hoang mang. “Chúng mình nhận ra rằng, độ chính xác thấp không đồng nghĩa với việc thí nghiệm thất bại, mà ngược lại, nó cung cấp những dữ liệu thực nghiệm rất giá trị”, anh Nam Anh cho biết.
Nhờ phân tích sâu các dữ liệu thu được, nhóm phát hiện thấy các vùng trên lòng bàn tay có độ nhạy khác nhau, một số vùng đặc biệt nhạy cảm hơn các vùng còn lại. Hướng rung cũng là yếu tố quan trọng vì có những hướng rung dễ nhận biết hơn các hướng khác. Ngoài ra, sự khác biệt giữa rung có phạm vi nhỏ và lớn cũng tạo ra chênh lệch đáng kể về khả năng cảm nhận. Những phát hiện này giúp nhóm xây dựng được cơ sở lý thuyết cho khả năng cảm nhận xúc giác và từng bước điều chỉnh thiết kế hệ thống theo hướng tối ưu.
Một nhân tố giữ vai trò “giữ lửa” cho cả nhóm trong suốt quá trình là thầy Vi Chí Thành. “Có thời điểm, nhóm bị bế tắc về ý tưởng, thầy Thành luôn là người giúp định hướng lại và truyền cảm hứng cho mọi người”, anh Nam Anh nhớ lại.

Toàn diện về thiết bị TactiWave của nhóm. (Ảnh NVCC)
Ý tưởng ban đầu của dự án đến từ một trải nghiệm đặc biệt của thầy tại một hội thảo quốc tế. Ở đó, thầy chứng kiến một người vừa mù vừa điếc vẫn có thể tiếp nhận nội dung thuyết trình thông qua giao tiếp xúc giác. Cụ thể, người này đặt tay lên tay người đối diện để cảm nhận rung động truyền tải thông tin. Trải nghiệm ấy đã thôi thúc thầy Thành đề xuất hướng nghiên cứu mới.
Về định hướng tương lai, nhóm kỳ vọng có thể phát triển TactiWave thành một thiết bị thực tế không chỉ phục vụ người khuyết tật mà còn mở rộng ứng dụng trong các môi trường tương tác. Hiện tại, nhóm đang tập trung nghiên cứu sâu hơn vào tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực VR để mang lại trải nghiệm tương tác tự nhiên và trực quan. Đồng thời, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng từ AIoT Lab VN – nơi cung cấp các thiết bị IoT và nền tảng AI hiện đại để thử nghiệm, triển khai giải pháp.