Để Đà Lạt là đô thị thông minh

Triển khai từ năm 2018 đến nay, Đà Lạt đã đạt được những bước tiến lớn trong xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh theo các hạng mục đề án đã đưa ra.

Hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính qua điện thoại thông minh tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt

Hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính qua điện thoại thông minh tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt

HOÀN TẤT NHIỀU HẠNG MỤC

Có 3 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho UBND TP Đà Lạt thực hiện trong giai đoạn 2018 đến nay trong Đề án Xây dựng thành phố thông minh gồm xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh; nâng cấp, triển khai bổ sung hoàn thiện các ứng dụng nội bộ trong khối các cơ quan nhà nước phục vụ công tác quản lý trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, Đà Lạt cũng triển khai các dự án chuyển giao từ các sở, ngành của tỉnh như: Dự án Cổng thông tin công bố thông tin quy hoạch, phát triển đô thị; Dự án Quản lý hạ tầng đô thị thống nhất; Dự án Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động.

Theo Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin Đà Lạt, Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt (Trung tâm IOC - Intelligent Operation Center) đã được đưa vào sử dụng và đang vận hành rất tốt, cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố như: chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội; giám sát trực quan trên bản đồ số; tình hình chất lượng dịch vụ y tế; việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị; camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp; quản lý thủ tục cấp phép xây dựng; việc thực hiện văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công.

Với hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, dự án này nhằm thay thế đèn chiếu sáng công cộng đang có tại Đà Lạt bằng đèn Led công nghệ cao, kết hợp với hệ thống điều khiển thông minh, tiết kiệm năng lượng, dễ dàng hơn trong vận hành và duy tu bảo dưỡng. Dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), được khởi công từ tháng 7/2023, đến nay đã thay thế toàn bộ hệ thống đèn trên các tuyến đường Đà Lạt.

Với các ứng dụng nội bộ phục vụ công tác quản lý trên địa bàn, đến nay Đà Lạt đã đưa vào sử dụng các ứng dụng gồm: Đà Lạt trực tuyến; Quản lý, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố; Quản lý cấp phép xây dựng; Cổng thông tin công bố quy hoạch; Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quản lý đô thị; Trung tâm Điều hành và giám sát giao thông; Văn phòng điện tử - iOffice; Phần mềm tuyển quân. Hiện có 1 số phần mềm đang được vận hành thử nghiệm và đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sử dụng gồm lĩnh vực y tế; quản lý nhà; quản lý biển số nhà.

Với Dự án “Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động”, đến nay ngành chức năng Đà Lạt đang phối hợp với đơn vị cung cấp nhằm duy trì cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; xây dựng kho dữ liệu tập trung và hệ thống báo cáo ngành Du lịch; hệ thống phân tích du lịch thông minh.

Riêng với Dự án “Quản lý hạ tầng đô thị thống nhất”, đây là một dự án lớn nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như giúp giải quyết nhiều vấn đề trong quản lý đô thị. Đến nay, thành phố đang tiếp tục nghiên cứu để có bước triển khai thích hợp.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH

Về cơ bản, Đà Lạt đến nay đã hoàn thành các dự án được tỉnh giao và một số dự án nhận chuyển giao từ sở, ngành; đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Các hệ thống, ứng dụng, phần mềm đang được vận hành hiện nay được sử dụng khá ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan chuyên môn được giao quản lý phần mềm thường xuyên tương tác với đơn vị cung cấp dịch vụ để kịp thời khắc phục, xử lý các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng đồng thời tiếp tục nâng cấp, cải thiện các tính năng để đem lại hiệu quả cao nhất.

Thành phố cũng đã tích hợp với các hệ thống thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, trong đó nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực như hệ thống chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực của y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; cung cấp các công cụ, phương thức điều hành, phương án, cách thức xử lý tối ưu các vấn đề phát sinh trên các lĩnh lực thuộc quyền giải quyết của các cấp thành phố; góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân, mang lại các tiện ích, nâng cao vai trò giám sát và phát huy quyền làm chủ của người dân.

Có thể kể đến một số hạng mục đang phát huy hiệu quả. Như trong y tế thông minh, đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh; liên thông thông tin giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Hay trong giáo dục thông minh, đó là việc triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM) trong toàn ngành giáo dục; các trường học xây dựng kế hoạch triển khai dạy học và học từ xa, thử nghiệm chương trình đào tạo học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình, sử dụng công nghệ số giao bài tập về nhà, kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp; toàn bộ các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn triển khai có hiệu quả các nền tảng dạy và học trực tuyến theo quy định; triển khai việc thanh toán, tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả các đơn vị trường học.

Trong du lịch thông minh, thành phố đã đưa vào sử dụng cổng thông tin (https://dalat.vn) và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động (Dalat Flower City), giao diện được lựa chọn thể hiện bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu về các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; các sự kiện du lịch, văn hóa, giải trí,… nhằm hình thành nền tảng dữ liệu, tài nguyên du lịch của TP Đà Lạt và cập nhật nhanh chóng các thông tin cho khách du lịch; có thể tích hợp trợ lý ảo du lịch để tư vấn các chuyến du lịch tại Đà Lạt theo yêu cầu cụ thể của du khách.

Hay như trong giao thông thông minh, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành và giám sát giao thông thành phố, triển khai 25 camera thông minh tại 7 nút giao thông. Các camera có chức năng phân tích hình ảnh hành vi vi phạm giao thông đường bộ đối với xe mô tô và ô tô; giám sát giao thông trên địa bàn thành phố, tích hợp hệ thống vào Trung tâm Điều hành thông minh; lưu trữ, phân tích các hành vi vi phạm thông báo đến chủ phương tiện vi phạm; hệ thống giám sát, phạt nguội được tích hợp tại các nút giao, có lắp đặt đèn điều khiển giao thông.

Tuy nhiên, như Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin Đà Lạt cho biết, vẫn còn những điểm hạn chế trong xây dựng Đà Lạt thành một đô thị thông minh hiện nay.

Trước nhất, có những nhiệm vụ chưa đảm bảo tiến độ hoàn thành theo yêu cầu (như phần mềm quản lý về lĩnh vực y tế, quản lý biển số nhà, quản lý hạ tầng đô thị thống nhất); một số dự án do sở, ngành chủ trì còn chậm triển khai, ảnh hướng đến tiến độ hoàn thành các mục tiêu của Đề án 1365 (giao thông thông minh, môi trường thông minh…).

Cùng đó, cơ sở dữ liệu còn bị hạn chế khi thực hiện liên thông, liên vùng, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp một cách thông suốt; cơ sở dữ liệu theo từng ngành còn rời rạc, chưa được chia sẻ, cập nhật kịp thời. Việc xây dựng thành phố thông minh cần nguồn kinh phí khá lớn nên nguồn ngân sách thành phố khó có thể đáp ứng để thực hiện các dự án; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin của thành phố còn mỏng so với yêu cầu đề ra; việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, internet ứng dụng công nghệ số phục vụ các lĩnh vực kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Một hạn chế nữa chính là cơ chế nguồn lực cho phát triển thành phố thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển thành phố thông minh nên việc phát huy nguồn lực xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa; tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố đang tiến hành xây dựng thành phố thông minh còn chưa cao; chưa có cơ chế để thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: du lịch thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh.

Trong thời gian đến, Đà Lạt cho biết tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi các mô hình xây dựng thành phố thông minh, vận dụng một cách linh hoạt để áp dụng phù hợp với đặc thù của địa phương; đẩy nhanh việc đầu tư các phần mềm nghiệp vụ còn chưa hoàn tất lâu nay để đưa vào vận hành, đặc biệt là phần mềm quản lý về lĩnh vực y tế; phần mềm quản lý nhà và phần mềm quản lý biển số nhà.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/de-da-lat-la-do-thi-thong-minh-f271cd5/
Zalo