TikTok bị phạt 600 triệu USD tại châu Âu
TikTok vừa bị phạt khoảng 600 triệu USD vì không tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng theo luật pháp của Liên minh Châu Âu (EU).

TikTok bị phạt 600 triệu USD tại châu Âu. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) vừa cho biết TikTok không chứng minh được rằng công ty đang bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng EU đúng theo tiêu chuẩn cao mà Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) yêu cầu.
Ban đầu TikTok khẳng định không lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại các máy chủ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 4/2025, công ty thừa nhận rằng một lượng nhỏ dữ liệu của người dùng EU từng được lưu tại Trung Quốc và khẳng định số dữ liệu này đã bị xóa từ tháng 2 năm nay, Reuters đưa tin ngày 3/5.
DPC là cơ quan giám sát dữ liệu chính trong khối EU, do phần lớn các tập đoàn công nghệ đặt trụ sở khu vực tại Ireland. Kể từ khi được trao quyền xử phạt vào năm 2018, DPC đã ra quyết định xử phạt đối với các công ty như Microsoft, LinkedIn, X (trước đây là Twitter) và Meta.
Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR) là bộ luật yêu cầu các tổ chức thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân phải minh bạch, có sự đồng thuận rõ ràng từ người dùng, và đảm bảo an toàn thông tin tối đa. GDPR cho phép cơ quan giám sát phạt doanh nghiệp vi phạm lên tới 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Ngoài khoản phạt, DPC còn yêu cầu TikTok ngừng chuyển dữ liệu người dùng sang Trung Quốc nếu không đảm bảo tuân thủ các quy định của EU trong vòng 6 tháng tới.
“DPC đang xem xét rất nghiêm túc những diễn biến gần đây. Chúng tôi đang cân nhắc liệu có cần thực hiện thêm các biện pháp quản lý hay không,” Ủy viên DPC Graham Doyle cho biết.
Phản hồi trước mức phạt này, TikTok cho biết công ty đã áp dụng chính khung pháp lý do EU quy định, cụ thể là các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn, để giới hạn nghiêm ngặt quyền truy cập từ xa vào dữ liệu người dùng.
Hơn nữa, phán quyết của DPC chưa phản ánh đầy đủ các biện pháp bảo mật mà TikTok triển khai từ năm 2023, bao gồm hệ thống giám sát độc lập việc truy cập từ xa và đảm bảo dữ liệu người dùng EU được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu chuyên biệt ở châu Âu và Mỹ.
Đồng thời TikTok khẳng định công ty chưa từng nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng EU từ chính quyền Trung Quốc và cũng chưa bao giờ chia sẻ thông tin người dùng cho phía Trung Quốc. Công ty tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định từ DPC.
“Phán quyết này có thể tạo ra một tiền lệ ảnh hưởng sâu rộng đến các công ty và toàn bộ ngành công nghiệp đang hoạt động trên quy mô toàn cầu tại châu Âu,” TikTok cho biết trong thông cáo ngày 2/5.
Trước đó, vào năm 2023, TikTok từng bị DPC phạt 370 triệu USD vì vi phạm quyền riêng tư liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em tại EU.
TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây vì những lo ngại rằng ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng, truyền bá thông tin sai, độc hại. Lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công đã có hiệu lực tại nhiều nước như Canada, Đan Mạch, Bỉ, Nepal và Australia. Tại khu vực EU, mạng xã hội này có hơn 175 triệu người dùng.