TP.HCM: Tiếp thu các ý kiến về xây dựng bảng giá đất

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần khảo sát, đánh giá tác động kỹ hơn để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trong việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM, việc ban hành bảng giá đất có tác động đến các tầng lớp nhân dân, do đó các chính sách của TP.HCM cần nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi của người dân.

BẢNG GIÁ ĐẤT ĐIỀU CHỈNH PHÙ HỢP THỰC TẾ

Chiều 13/8/2024, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị giới thiệu và trao đổi thông tin việc ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.

Ông Cường cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng rất tích cực phối hợp với các đơn vị để thông tin, tuyên truyền và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận đối với việc ban hành bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Ông Nguyễn Mạnh Cường,Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TB.

Ông Nguyễn Mạnh Cường,Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TB.

Giải thích lý do cần thiết ban hành Bảng giá đất điều chỉnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết giá đất trên địa bàn thành phố được áp dụng tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/ 2024, bảng giá đất hiện hành có những hạn chế, như: bị khống chế bởi quy định tại điểm 6 Phụ lục IX của Nghị định số 96/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất.

Phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 08 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài, khó cập nhật biến động thị trường. Thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP.HCM.

Theo quy định của Luật Đất đai 2024 (khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 159), Bảng giá đất sẽ tác động đến các đối tượng là người được bố trí tái định cư sẽ xác định được ngay giá đất nền tái định cư theo bảng giá đất điều chỉnh. Việc này tạo ra sự công khai, minh bạch và công bằng đối với việc thu hồi đất và bố trí tái định cư; hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Về công nhận quyền sử dụng đất, bảng giá đất điều chỉnh có ảnh hưởng đến việc công nhận của hộ gia đình, cá nhân. Mức thu và tỷ lệ thu tiền sử dụng đất sẽ căn cứ vào thời điểm sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 103/2024 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Về chuyển mục đích sử dụng đất, bảng giá đất điều chỉnh có ảnh hưởng đến việc thu tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức đất ở. Theo Luật Đất đai năm 2013 các trường hợp này được áp dụng bảng giá đất. Đối với phần diện tích ngoài hạn mức thì ảnh hưởng không đáng kể, vì theo Luật Đất đai năm 2013 các trường hợp này được xác định giá đất cụ thể (giá thị trường) nay được cập nhật vào bảng giá đất là phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP.HCM.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, bảng giá đất điều chỉnh bổ sung giá đất tái định cư để tránh ách tắc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm của thành phố, có tác động tích cực tạo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng sử dụng đất, khi thực hiện công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có quá trình sử dụng đất thì mức độ ảnh hưởng là không nhiều.

Mặt khác, việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh là phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP.HCM và tuân thủ quy định pháp luật, cụ thể là khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

XEM XÉT HÀI HÒA LỢI ÍCH

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng giá đất tăng cao theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, gây khó khăn cho người dân nông thôn, nhất là về mặt an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Luật gia quận 10, TP.HCM, trong số các nhóm ảnh hưởng bởi bảng giá đất điều chỉnh có nhóm hoan nghênh vì giá bồi thường, hỗ trợ tăng lên, nhưng cũng có nhóm băn khoăn vì tiền sử dụng đất khi hợp thức hóa, chuyển mục đích, thuế chuyển nhượng... có thể tăng cao.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát, đánh giá tác động kỹ hơn để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Trong đó đánh giá tác động kinh tế theo các mặt có lợi, có hại như thế nào”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng nhiều gia đình nông dân các huyện ngoại thành lo lắng trước dự thảo bảng giá đất tăng cao - Ảnh: TB.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng nhiều gia đình nông dân các huyện ngoại thành lo lắng trước dự thảo bảng giá đất tăng cao - Ảnh: TB.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho biết những ngày qua, nhiều gia đình nông dân các huyện ngoại thành lo lắng trước dự thảo bảng giá đất tăng cao. Phần lớn trên địa bàn huyện Củ Chi đất nông nghiệp nhiều, muốn xây dựng nhà ở phải chuyển mục đích nhưng giá chuyển mục đích theo dự thảo cao hơn nhiều so với kinh phí xây dựng nhà. Người dân rất mong lãnh đạo TP.HCM xem xét có lộ trình điều chỉnh bảng giá đất, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên nông dân.

Còn theo ông Dương Văn Duyên, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Củ Chi, Ban Thường vụ huyện ủy đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng kiến nghị tạm thời dừng, không áp dụng dự thảo bảng giá đất mới trên địa bàn huyện Củ Chi; và thực hiện việc rà soát, đánh giá tác động của bảng giá đất mới và lấy ý kiến người dân.

Từ ngày 01/8/2024 đến nay, Chi cục Thuế huyện Củ Chi đã nhận khoảng 500 hồ sơ, nhưng không dám áp dụng bảng giá đất cũ để giải quyết, trong khi bảng giá đất mới chưa ban hành chính thức.

“TP.HCM nên có hướng dẫn cụ thể, bởi trong lúc thành phố chưa có bảng giá đất mới mà cơ quan chức năng ngưng, không giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân theo bảng giá đất cũ, dẫn tới người dân chưa biết sẽ phải làm gì nếu muốn sửa chữa, xây dựng nhà cửa”, ông Duyên nói.

Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, một số ý kiến cho rằng trong khi chờ bộ trình tự, thủ tục mới, cho phép người dân áp dụng theo Luật Đất đai 2013 hoặc trình tự thủ tục quy trình nội bộ tạm thời theo Luật đất đai 2024 do UBND huyện ban hành để giải quyết hồ sơ chuyển mục đích và hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong giai đoạn hiện nay.

Đối với dự thảo bảng giá đất tại TP. Thủ Đức, nên cân nhắc xem xét chi tiết từng vùng của TP. Thủ Đức cũng như một số vùng của các quận trong TP.HCM để có bảng giá đất tương xứng.

Trả lời ý kiến các đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng nếu lấy giá bồi thường cũ chỉ mấy trăm nghìn đồng mỗi m2, người dân có chịu không, trong khi tính giá bồi thường dự án vành đai 3 cho người dân đã tính giá hợp lý để người dân bàn giao nhanh mặt bằng? Đối với những trường hợp nhận tiền rồi, di dời rồi, bây giờ dừng điều chỉnh giá, ai xử lý hết toàn bộ trường hợp này?

Theo ông Thắng, Luật Đất đai mới cho phép cập nhật toàn bộ giá được Nhà nước bồi thường, giá tái định cư và giá giao dịch thành công vào bảng giá đất với mục tiêu giải quyết cho các trường hợp thu hồi đất. Nếu giữ nguyên giá như cũ, người dân sẽ thiệt thòi.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-tiep-thu-cac-y-kien-ve-xay-dung-bang-gia-dat.htm
Zalo