Bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều trở ngại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) bởi vướng mắc trong Luật Đất đai năm 2013.
Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, TP cũng nhanh chóng ban hành quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, nhằm bảo đảm và hài hòa quyền, lợi ích của các bên liên quan.
Nhiều vướng mắc phát sinh
Bồi thường, GPMB là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương và cả nước nói chung. Trong đó cơ quan quản lý Nhà nước được phân cấp, phân quyền và giao nhiệm vụ cụ thể thông qua các biện pháp hành chính để triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất và chế độ chính sách cho người sử dụng đất bị thu hồi theo những quy định của pháp luật.
Thủ đô Hà Nội là một trong hai địa bàn kinh tế chủ lực của đất nước, cùng với TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị là một trong những nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền TP; song song với quá trình này là công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư cho người dân trong vùng quy hoạch dự án có đất bị thu hồi. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt trong thời gian qua, công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB phục vụ đầu tư công trên địa bàn TP có nhiều vướng mắc phát sinh.
Nếu nhìn vào con số trên 80.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2024, có thể thấy được một khối lượng công việc đồ sộ mà chính quyền và Nhân dân Thủ đô phải làm trong năm nay. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo từ Sở KH&ĐT Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2024 giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP mới đạt trên 21% kế hoạch mà HĐND TP và T.Ư giao, con số quá thấp so với kỳ vọng tăng trưởng của một “đầu tàu” kinh tế.
Theo lý giải của đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB của nhiều dự án. Đơn cử như dự án đường Vành đai 4 (đoạn tuyến qua các huyện Mê Linh, Đan Phượng); dự án xây dựng đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (Tuyến số 3) đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; hay dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3... đều đang trong tình trạng chậm tiến độ GPMB.
“Công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng nhất trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp lý liên quan đến mức giá bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên không nhận được sự đồng thuận từ người dân có đất bị thu hồi, dẫn đến chậm trễ trong GPMB kéo theo chậm tiến độ về giải ngân vốn đầu tư và triển khai thực hiện dự án” - đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay.
Gỡ “nút thắt” cho công tác bồi thường
Theo báo cáo từ Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác GPMB đó là khiếu kiện của người dân, liên quan đến những vấn đề như: nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục bồi thường khi thu hồi đất vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch. Nhiều trường hợp do bức xúc, người dân có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi, thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình, không nhận tiền bồi thường, di dời đến nơi ở mới...
Trước những vướng mắc nêu trên, ngày 6/9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 56/2024/QĐ-UBND quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2024, thay thế các quy định trước đó, gồm: Quyết định 10/2017/QĐ-UBND và Quyết định 27/2024/QĐ-UBND.
Quyết định áp dụng cho các đơn vị Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu về đất đai; đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và người có đất bị thu hồi cùng chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đặc biệt, UBND TP đã phân cấp cụ thể cho từng cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc TP, như: Sở Xây dựng có nhiệm vụ ban hành quyết định về giá bán, cho thuê và cho thuê mua nhà tái định cư; UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ đối với từng dự án cụ thể như: hỗ trợ diện tích thu hồi còn lại của thửa đất nông nghiệp - phi nông nghiệp, cũng như hỗ trợ ổn định đời sống.
Quyết định 56/2024/QĐ-UBND khẳng định việc bồi thường về đất trên địa bàn TP, chủ yếu được thực hiện bằng tiền trong trường hợp người dân bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc phần diện tích còn lại nhỏ hơn mức tối thiểu được phép tách thửa và không còn chỗ ở nào khác trong địa phương, họ sẽ được giao đất ở, bán nhà tái định cư hoặc nhận bồi thường bằng tiền. Nội dung này đã thay đổi hoàn toàn so với những quy định trước đó.
Đáng chú ý, Quyết định cũng quy định thay đổi mức chi phí bồi thường cho người dân có đất và tài sản gắn liền với đất khi bị thu hồi. Trên cơ sở đó, tài sản của người dân khi bồi thường sẽ được tính theo mức giá trị hiện có (khoản bồi thường này tính tỷ lệ bằng 60% giá trị hiện có của công trình). Ngoài chi phí bồi thường, chính quyền TP sẽ hỗ trợ thêm những chi phí khác, đặc biệt tại Điều 18 của quyết định này đã đề ra các mức thưởng đối với hộ gia đình hoặc cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện bồi thường về đất và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
“Tôi cho rằng đây là bước tiến quan trọng của TP Hà Nội trong công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB. Vấn đề quan trọng nhất trong quy định mới này là TP đã bảo đảm được quyền, lợi ích cho người dân có đất bị thu hồi - vấn đề gây bức xúc dư luận bấy lâu nay. Tôi tin rằng, với những quy định mới này thì công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn sự đồng thuận của người dân, giúp cho việc triển khai đầu tư trên địa bàn TP được tiến hành nhanh hơn” - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Việc TP Hà Nội ban hành quy định như vậy là rất hợp lý, vì Luật Thủ đô cũng cho phép Hà Nội được quyền quyết định cơ chế, chính sách cao hơn bình thường. Nghĩa là TP được quyền quyết định mức đền bù cao hơn so với khung thông thường, để bảo đảm thỏa đáng hơn cho người dân có đất bị thu hồi. Đặc biệt, đối với những dự án đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị quy định như vậy cũng sẽ không gây khiếu kiện từ người dân.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước