TP.HCM sắp lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã
Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã ở TP.HCM sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, huyện, xã hoặc niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng...
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri về triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thời gian lấy ý kiến cử tri dự kiến thực hiện từ ngày 12-4 và được thực hiện đối với đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn.
Trong đó, đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM; đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã thì lấy ý kiến cử tri ở những ĐVHC cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.

TP.HCM sắp lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (nếu có); niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, các điểm sinh hoạt cộng đồng và được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc họp khu phố, ấp.
UBND cấp huyện, xã quyết định hình thức và trình tự, thủ tục, thời hạn lấy ý kiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tiến độ.
Các hình thức lấy ý kiến gồm phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với người dân; tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền cấp xã… Trong đó, hình thức phát phiếu lấy ý kiến được thực hiện rộng rãi đối với việc sắp xếp ĐVHC.
Việc lấy ý kiến cử tri được tổ chức theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện của địa phương.
Trước khi lấy ý kiến cử tri, UBND cấp xã phải ra quyết định thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri theo địa bàn khu phố, ấp; thành viên mỗi tổ 3-5 người.
Cơ cấu, thành phần Tổ lấy ý kiến cử tri gồm Tổ trưởng là Bí thư chi bộ hoặc Trưởng khu phố, ấp; các Tổ viên là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và người dân có uy tín ở khu phố, ấp; Thư ký là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách hoặc viên chức đang công tác trên địa bàn.
Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm nhận phiếu lấy ý kiến cử tri do UBND cấp xã cấp (nếu chọn hình thức phiếu) hoặc lấy ý kiến cử tri trên nền tảng số, công nghệ thông tin...
Tổ trưởng phân công cho các thành viên triển khai đến các hộ gia đình phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc tổ chức họp nhân dân mời đến phát phiếu. Sau đó, thực hiện kiểm phiếu và tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn khu phố, ấp.
Việc triển khai lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình bằng ứng dụng công nghệ thông tin do địa phương quyết định và triển khai nhiệm vụ, quy trình thực hiện cho Tổ lấy ý kiến cử tri.
Việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri được thực hiện một cách khoa học. Cụ thể, khi đến hộ gia đình, Tổ lấy ý kiến cử tri phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình. Cử tri ký nhận (hoặc điểm chỉ nếu cử tri không biết chữ) vào danh sách.
Sau khi nhận phiếu, cử tri nghiên cứu xem xét cho ý kiến vào ô đồng ý hoặc không đồng ý vào mỗi mục trên phiếu; hoặc có ý kiến khác vào phần “ý kiến khác…”, sau đó ký tên hoặc điểm chỉ trên phiếu.
Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, trước khi kiểm phiếu, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri mời hai cử tri có uy tín trong nhân dân để chứng kiến việc kiểm kê sử dụng phiếu và kiểm phiếu.
Tổ lấy ý kiến cử tri tiến hành kiểm kê sử dụng phiếu, gồm các nội dung sau: số phiếu phát ra, số phiếu thu về; số phiếu hỏng; số phiếu chưa sử dụng.
Phiếu hợp lệ là phiếu đúng mẫu quy định, có đóng dấu của UBND cấp xã, phải được đánh dấu vào 1 trong 2 ô “đồng ý” và “không đồng ý”. Ngoài ra, cử tri có quyền được ghi ý kiến khác vào phiếu theo quy định.
Phiếu không hợp lệ là phiếu không đúng mẫu quy định; phiếu không đóng dấu của UBND cấp xã; phiếu đánh dấu vào cả hai ô đồng ý và không đồng ý hoặc cả hai ô đều không đánh dấu.
UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, thông qua cấp ủy cùng cấp có ý kiến thống nhất (đối với cấp xã không có HĐND); hoặc trình thông qua HĐND cấp xã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (đối với xã có HĐND). Sau đó, gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ).
Ngay ngày hôm sau, UBND cấp huyện thông qua cấp ủy cùng cấp có ý kiến thống nhất (đối với huyện không tổ chức HĐND); hoặc trình thông qua HĐND cấp huyện ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (đối với huyện có tổ chức HĐND); gửi đến UBND TP.HCM (thông qua Sở Nội vụ).
Ngày kế tiếp, Sở Nội vụ tổng hợp hồ sơ báo cáo Thường trực UBND TP.HCM xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương trước khi trình HĐND TP.HCM họp thông qua chủ trương.