Hà Nội: Chung cư mới tiếp tục tăng giá, chung cư cũ dần chững lại
Thị trường bất động sản đã không còn cảnh khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, giá nhà ở, đặc biệt là chung cư, vẫn tăng đều theo từng quý. Hiện mức giá trung bình căn hộ tại Hà Nội đã lên tới 70,2 triệu đồng/m2.
Trong báo cáo quý I/2025, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tổng nguồn cung nhà ở đã tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024, đạt khoảng 27.000 sản phẩm.
Trong đó, 14.500 sản phẩm đến từ các dự án chào bán mới, tăng gấp 3 lần so với quý I/2024. Còn lại là hàng tồn tiếp tục được mở bán. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp, hạng sang vẫn chiếm tỷ trọng lên tới 58% trong nguồn cung chung cư, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Việc phân khúc cao cấp chiếm lĩnh nguồn cung đã khiến mặt bằng giá bán chung cư tăng lên. Riêng tại Hà Nội, giá trung bình căn hộ hiện nay đã lên tới 70,2 triệu đồng/m2, tăng 2,5% so với quý trước và tăng 77,6% so với quý III/2019. Đà tăng giá này chủ yếu đến từ việc các chủ đầu tư mở bán lại dự án với mức giá được điều chỉnh tăng nhẹ.

Giá chung cư thứ cấp Hà Nội đang dần chững lại. Ảnh: Thanh Vũ
“Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, giá của một số dự án chung cư tại Hà Nội lại ghi nhận chiều hướng đi ngang. Đây là giai đoạn thị trường điều chỉnh lại giá bán sau giai đoạn tăng nóng trong năm 2024”, các chuyên gia của VARS nhận định.
Hội cũng nhấn mạnh rằng, các giao dịch thứ cấp hiện nay hầu hết được ghi nhận tại các dự án căn hộ trong đại đô thị đã hình thành và thu hút cư dân về ở. Ngoài ra, mức giá được người mua chấp nhận chỉ dao động trong khoảng 50 triệu/m2. Nếu vượt qua mức này, đối tượng khách hàng sẽ thuộc phân khúc cao cấp và họ thường có xu hướng tìm đến các chung cư tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Trước bối cảnh giá chung cư tăng “phi mã”, ngay trong quý I/2025, Chính phủ đã liên tiếp đưa ra các chính sách, tập trung vào việc tạo dựng cơ hội an cư lạc nghiệp cho người dân, khơi thông nguồn cung nhà ở xã hộ. Đồng thời, các chính sách tín dụng cũng đã được điều chỉnh nhằm tăng cường hỗ trợ người mua tiếp cận nhà ở, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang gấp rút nghiên cứu mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia nhằm phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn. Để vận hành hiệu quả, ngoài việc huy động ngân sách Nhà nước và đóng góp từ doanh nghiệp, quỹ cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng, mục tiêu cụ thể cũng như thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quanh các dự án thuộc quỹ cũng cần được thực hiện.
“Ngoài ra, trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý nếu được triển khai một cách quy mô, đúng tầm, chắc chắn sẽ trở thành ‘quân át chủ bài’ nắn chỉnh toàn bộ thị trường hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững”, các chuyên gia của VARS bình luận.