Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phạm Phước: 'Không thể ôm mãi cảm xúc địa phương'

Từng trải qua các thời kỳ sáp nhập và tái lập tỉnh, ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính hiện nay là một bước đi tất yếu, đưa đất nước vững bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Từng kinh qua nhiều vị trí trong hệ thống chính quyền, từ Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (1994–1999), ông Phạm Phước, nay đã bước sang tuổi 80 nhưng vẫn giữ được trí tuệ sắc sảo và cái nhìn sâu rộng về những đổi thay của đất nước.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông chia sẻ nhiều quan điểm đáng chú ý về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, trong đó có việc bỏ cấp huyện và sáp nhập xã.

 Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: B.T

Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: B.T

Người của hai quê hương

Giữa gian nhà nhỏ yên tĩnh (ở phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình), ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, bắt đầu câu chuyện bằng những ký ức về thời kỳ sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên.

“Thời điểm ấy, tôi đang là Trưởng phòng Khảo sát thiết kế của Ty Thủy lợi Quảng Bình, sau đó được điều động vào Ban Thiết kế các công trình thủy lợi của tỉnh mới. Dù cuộc sống khó khăn, vợ con ở xa, nửa năm mới về thăm nhà một lần nhưng tôi vẫn xung phong đi để học hỏi và thực hiện sứ mệnh người cán bộ sau sáp nhập” - ông Phước nhớ lại.

Với ông, những năm tháng sống và làm việc tại Huế, góp sức xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), một “công trình thế kỷ” phục vụ sản xuất lúa nước cho hàng vạn hộ dân là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của sự hợp nhất.

“Nếu không có sức mạnh tổng hợp của Bình Trị Thiên, sẽ khó lòng làm được công trình quy mô như vậy" - ông Phước khẳng định.

Sau khi hoàn thành công trình, ông được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh. Giữa năm 1989, khi Bình Trị Thiên chia tách, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1994–1999.

“Tôi gần như là người của hai quê hương Quảng Bình và Quảng Trị. Hai tỉnh có đặc điểm tự nhiên tương đồng, là vùng giao thoa giữa hai miền Bắc-Nam, từng gắn bó, chia sẻ và phát triển chung trong nhiều thời kỳ lịch sử. Vì thế, nếu tới đây có sáp nhập hai tỉnh, tôi tin rằng cả hai địa phương sẽ bổ sung và phát huy thế mạnh của nhau để đi lên mạnh mẽ” - ông Phước nói.

 Thành cổ Đồng Hới nhìn từ trên cao. Ảnh: B.T

Thành cổ Đồng Hới nhìn từ trên cao. Ảnh: B.T

Cần thiết phải bỏ cấp trung gian

Theo ông Phạm Phước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh là cuộc cách mạng cần thiết để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. "Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp trung gian vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý” - ông Phước nhìn nhận.

Theo ông Phước, từ trước tới nay, cấp huyện giữ vai trò rất quan trọng do cấp xã còn yếu về trình độ, thiếu cán bộ có năng lực.

Tuy nhiên, sau hơn 35 năm đổi mới, diện mạo đất nước đã thay đổi sâu sắc. Hạ tầng giao thông phát triển, đời sống người dân nâng cao, giao thương thuận tiện, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đã rút ngắn khoảng cách giữa các cấp… Tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi để tinh giản đầu mối hành chính.

 Cánh đồng điện gió tại Quảng Bình là một trong những dự án có quy mô lớn nhất nhì miền Trung với 60 tuabin. Ảnh: B.T

Cánh đồng điện gió tại Quảng Bình là một trong những dự án có quy mô lớn nhất nhì miền Trung với 60 tuabin. Ảnh: B.T

Với kinh nghiệm nhiều năm điều hành chính quyền, ông Phước cho rằng việc chuyển sang mô hình ba cấp chính quyền gồm Trung ương, tỉnh và xã là rất cần thiết. “Cấp xã cần được cơ cấu lại và tăng cường về nhân lực, tài lực, kỹ thuật. Còn mô hình ba cấp chính quyền sẽ giúp gần dân, sát dân hơn"- ông Phước nói.

Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc sáp nhập không chỉ tinh giản bộ máy mà còn để tạo ra không gian phát triển lớn hơn, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ. Những cán bộ ở lại làm việc phải có đủ trình độ, năng lực để điều hành, phát triển bộ máy. Đây là yêu cầu quan trọng của việc phát triển, vận hành bộ máy trong tương lai.

Ông cho rằng trong trường hợp Quảng Bình sáp nhập với Quảng Trị sẽ tạo nên một thể thống nhất với rất nhiều lợi thế tương đồng, từ nông nghiệp đến công nghiệp, du lịch.

Ví dụ, trong nông nghiệp, có thể phát triển toàn diện hơn nhờ sự điều phối tập trung và mang tính bổ trợ lẫn nhau. Hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cửa khẩu như Hòn La, Mỹ Thủy, Lao Bảo, Cha Lo sẽ kết nối tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ có cơ hội mở rộng quy mô phát triển. Du lịch, dịch vụ sẽ phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh và kéo dài thời gian lưu trú của du khách nhờ liên kết tour tuyến hợp lý.

 Ở tuổi 80, ông Phạm Phước rất minh mẫn, nắm bắt sát sao mọi thông tin thời sự. Ảnh: B.T

Ở tuổi 80, ông Phạm Phước rất minh mẫn, nắm bắt sát sao mọi thông tin thời sự. Ảnh: B.T

Không thể ôm mãi vì cảm xúc cá nhân hay địa phương

Ông Phạm Phước cho biết bản thân ông đánh giá cao sự bài bản trong cách triển khai của Trung ương. “Đây là cuộc cách mạng hành chính có lộ trình, có tiêu chí rõ ràng, được các cơ quan, trong đó có Bộ Nội vụ, tham mưu rất tích cực, chuẩn xác. Việc sáp nhập dựa trên tiêu chí dân số, diện tích... phù hợp với từng vùng”- ông nói.

Nhìn lại quá trình công tác, ông chia sẻ: “Tôi đã từng gắn bó với cấp huyện nhưng theo dòng chảy của phát triển, thấy không còn phù hợp thì cần bỏ. Đó là quy luật. Cái gì không phù hợp thì phải thay đổi, không thể ôm mãi vì cảm xúc cá nhân hay địa phương”.

Theo ông, mỗi cuộc cải cách đều có khó khăn nhưng nếu đồng thuận và đặt lợi ích phát triển chung lên trên, chúng ta sẽ đi đúng hướng. "Giờ đây, mọi điều kiện đều thuận lợi, đất nước ta đủ sức bước vào kỷ nguyên vươn mình nên đòi hỏi tư tưởng của mỗi cán bộ phải chấp nhận phần nào sự hi sinh, nêu cao trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung của cả dân tộc”- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

 Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và tác giả. Ảnh: T.T

Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và tác giả. Ảnh: T.T

Đặc biệt, ông Phước nhấn mạnh rằng trong các đề án sáp nhập hay điều chỉnh địa giới, rất cần việc lấy ý kiến người dân và cần lấy đúng thời điểm, không quá sớm hoặc quá muộn.

Theo ông, nếu việc lấy ý kiến được làm nghiêm túc, cởi mở thì không chỉ tăng tính đồng thuận mà còn tìm ra được nhiều vấn đề thực tế mà cơ quan soạn thảo có thể chưa lường hết.

Ở tuổi 80, ông Phạm Phước vẫn theo dõi thời cuộc, vẫn cẩn trọng với từng con chữ khi nói về những quyết sách ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp đến đời sống, hoạt động của Nhân dân.

Những ý kiến, chia sẻ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phạm Phước đã cho thấy tầm quan trọng của việc tinh gọn bộ máy, bảo đảm sự vận hành hiệu quả, đồng thuận xã hội và đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.

BẢO THIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nguyen-chu-tich-ubnd-tinh-quang-binh-pham-phuoc-khong-the-om-mai-cam-xuc-dia-phuong-post843535.html
Zalo