'Từ khu bảo tồn... đến Vườn quốc gia Xuân Liên' (Bài 3): Nâng tầm giá trị

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt chuyển hạng từ khu bảo tồn thành vườn quốc gia (VQG) đã xác lập dấu mốc, tạo ra 'cú huých' lớn cho sự phát triển của VQG Xuân Liên. Đồng thời, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học (ĐDSH).

Một vùng Vườn Quốc gia Xuân Liên giàu tiềm năng và giá trị.

Một vùng Vườn Quốc gia Xuân Liên giàu tiềm năng và giá trị.

Thực tế hiện nay, công tác quản lý rừng đặc dụng tại Việt Nam đã và đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống rừng đặc dụng được phân loại, quản lý gồm: VQG; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan và khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Diện tích rừng đặc dụng này không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn ĐDSH, tài nguyên thiên nhiên mà còn rất nhiều các giá trị khác về điều hòa khí hậu, thủy văn, phòng, chống thiên tai, cung cấp sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh rừng, an ninh quốc gia...

VQG là phân hạng cao nhất trong hệ thống rừng đặc dụng, trong số các VQG tại Việt Nam có xuất phát từ các khu bảo tồn. Những nơi đáp ứng đủ các tiêu chí để chuyển hạng lên VQG nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển tốt hơn các giá trị ĐDSH, điển hình như: VQG Ba Bể, VQG Vũ Quang, VQG Bến En, VQG Sông Thanh, VQG Phia Đen-Phia Hoắc,... Các VQG này được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ các khu bảo tồn: Rừng cấm Ba Bể (thành VQG Ba Bể), Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Vũ Quang (thành VQG Vũ Quang), Ban Quản lý rừng đặc dụng Bến En (thành VQG Bến En), Khu BTTN Sông Thanh (thành VQG Sông Thanh), Khu BTTN Phia Đen-Phia Hoắc (thành VQG Phia Đen-Phia Hoắc)... Thực tế cho thấy, khi nâng hạng lên mức cao nhất trong hệ thống quản lý rừng đặc dụng, các VQG này đã thực hiện tốt hơn rất nhiều trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, ĐDSH. Trở thành VQG cũng góp phần nâng cao hình ảnh, thu hút được nhiều nguồn vốn, kinh phí cho công tác bảo tồn, có giá trị trong nước và quốc tế. Ví dụ như VQG Vũ Quang là một trong những vườn di sản ASEAN, VQG Ba Bể vừa là vườn di sản ASEAN, vừa là khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới.

Gần đây nhất, Khu BTTN Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam cũng được chuyển hạng thành VQG Sông Thanh, Khu BTTN Phia Đen-Phia Hoắc của tỉnh Cao Bằng cũng chuyển thành VQG Phia Đen-Phia Hoắc. Việc chuyển hạng này có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật rừng quý hiếm tại khu vực Trung Trường Sơn và Đông Bắc Việt Nam, phát huy việc khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên như đường Hồ Chí Minh lịch sử, di tích văn hóa Sa Huỳnh; Khu Di tích lịch sử hang Pắc Pó, thác Bản Giốc, nhằm cải thiện sinh kế người dân địa phương qua các hoạt động sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên.

Từ những căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; kết quả đáng ghi nhận trong suốt hành trình hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 400/QĐ-UBND ngày 5/2/2025 về việc phê duyệt chuyển hạng Khu BTTN Xuân Liên thành VQG Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ths. Phạm Anh Tám, Giám đốc VQG Xuân Liên nhấn mạnh: “Với những tiềm năng, giá trị đã và đang bảo tồn, phát huy hiệu quả, Xuân Liên có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, thậm chí là vượt trội về hệ sinh thái, loài đặc hữu, loài quý hiếm và diện tích để trở thành VQG. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Việc chuyển hạng khu BTTN Xuân Liên thành VQG tạo bước chuyển lớn trong vấn đề bảo vệ tốt các hệ sinh thái rừng, bảo tồn hiệu quả các giá trị ĐDSH. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý; khai thác các thế mạnh về thiên nhiên cho du lịch sinh thái; đem lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đệm; đảm bảo các giá trị phòng hộ đầu nguồn, an ninh biên giới. Với sự quan tâm, nâng tầm hệ thống rừng đặc dụng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ tài nguyên rừng và ĐDSH, như sinh thời Bác Hồ từng sâu sắc nhận định - “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

VQG Xuân Liên nằm trên địa phận hành chính thuộc 5 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân gồm: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân với tổng diện tích được giao quản lý là 25.601,98ha, trong đó: đất rừng đặc dụng là 23.816,23ha; đất rừng sản xuất là 912,37ha và các loại đất khác 873,38ha. VQG Xuân Liên có chức năng bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn ĐDSH, nguồn gen sinh vật, giáo dục môi trường và bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đệm. Duy trì, đảm bảo ổn định nguồn nước cho hồ Cửa Đạt; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan; cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các giá trị ĐDSH của rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Du khách trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Liên.

Du khách trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Liên.

“VQG là phân hạng cao nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, mức độ ưu tiên nhiều nhất trong tất cả các hoạt động quản lý, phân bổ nguồn lực cũng như các cơ hội đón nhận đầu tư từ nước ngoài”. Sau khi được nâng hạng, chúng tôi sẽ nhanh chóng trình thành lập ban quản lý VQG trên cơ sở tổ chức lại bộ máy của Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên. Với tầm vóc, vị thế mới, VQG Xuân Liên sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chiến lược phát triển trong thời gian tới, đó là: Xây dựng hệ thống, mạng lưới bảo vệ rừng vững chắc cho VQG, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra an ninh rừng và giám sát ĐDSH như: GPS Photolinks, GIS, Smart mobile, GPS... Tập trung hoàn thành nghiên cứu cơ bản các loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; nghiên cứu khai thác, phát triển các loài có giá trị kinh tế cao theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các mô hình tạo sinh kế cho người dân. Xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG, trên cơ sở đó tổ chức quy hoạch định hướng các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch đặc trưng của VQG. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái; tổ chức khai thác các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch trecking, khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng....” - ông Phạm Anh Tám – Giám đốc VQG Xuân Liên chia sẻ.

Thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng quy mô và yêu cầu nhiệm vụ của VQG trong giai đoạn mới. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, việc nâng hạng từ khu bảo tồn lên VQG cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những điều “tiên quyết” đó là nguồn lực, bao gồm cả yếu tố tài chính và con người. Do đó, để VQG hoạt động hiệu quả, thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, Giám đốc VQG Xuân Liên ông Phạm Anh Tám đề xuất: “tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững VQG Xuân Liên sau khi được thành lập. Đề nghị tỉnh quan tâm bổ sung biên chế cho các trạm kiểm lâm đủ lực lượng để bảo vệ rừng tại gốc, quan tâm đầu tư dự án phát triển vùng đệm nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân gắn bó và bảo vệ rừng đặc dụng, quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái".

Công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ ĐDSH không phải nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà là của cả cộng đồng, xã hội. Chúng ta cùng hành động, cùng chung tay vun trồng và bảo vệ “lá phổi xanh” cho cuộc sống của mỗi người và tương lai con em chúng ta, vì sự phát triển của quê hương Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Nguyên Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tu-khu-bao-ton-den-vuon-quoc-gia-xuan-lien-bai-3-nbsp-nang-tam-gia-nbsp-tri-36561.htm
Zalo