Tín hiệu đáng lo ngại khiến Ukraine đứng ngồi không yên sau cuộc điện đàm Trump-Putin

Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Trump, trong đó có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin và yêu cầu về quyền khai thác khoáng sản của Ukraine, là những dấu hiệu đáng lo ngại đối với Tổng thống Zelensky.

Băng tan trong quan hệ Nga – Mỹ?

Tổng thống Ukraine Zelensky đã phải đối mặt với một tuần khó khăn khi các quan chức nước ngoài tập trung tại châu Âu để đàm phán về tương lai của Ukraine

Chính quyền ông Trump muốn Ukraine hoàn trả Mỹ 500 tỷ USD tiền viện trợ bằng cách cho phép Washington quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản của Ukraine, hủy bỏ quyền miễn trừ thuế quan của Mỹ đối với thép Ukraine. Hiện, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, đã đến châu Âu để chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Hôm 12/2, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, đã đưa ra đánh giá không mấy lạc quan về triển vọng của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, một cuộc gọi mà ông Trump mô tả là mở đầu cho các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột, đáng chú ý không có vai trò rõ ràng nào cho ông Zelensky.

Cuộc điện đàm này dường như đánh dấu sự kết thúc của những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.

“Tổng thống Zelensky đang rơi vào tình thế khó khăn về mặt địa chính trị”, ông Cliff Kupchan, Chủ tịch của Eurasia Group - công ty phân tích rủi ro có trụ sở tại Washington nhận xét.

Hành động của Tổng thống Trump trong hai ngày qua, trong đó có cả việc trao đổi tù nhân với Điện Kremlin để trả tự do cho một giáo viên người Mỹ, báo hiệu mối quan hệ đang tan băng giữa Mỹ và Nga có thể có lợi cho ông Putin khi đàm phán về một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Ông Trump cũng có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine hôm 13/2 nhưng trong một bài viết trên mạng xã hội, ông không đề cập đến việc Tổng thống Zelensky sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình hay không hoặc sẽ tham gia như thế nào. Ông Trump cho biết ông Zelensky sẽ gặp Phó Tổng thống JD Vance và ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Hội nghị An ninh Munich thường niên khai mạc ngày 14/2.

Tín hiệu đáng lo ngại đối với Ukraine

Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột dữ dội nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua sẽ định hình tương lai của Ukraine. Những diễn biến gần đây cho thấy, nhiều khả năng Kiev khó có thể giành lại một số vùng lãnh thổ từ tay Nga. Và điều đó sẽ định hình tương lai chính trị của ông Zelensky. Tổng thống Ukraine không có nhiều lựa chọn ngoài việc tham gia các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu mặc dù ông rất hoài nghi về thiện chí đàm phán của Tổng thống Putin. Theo một số quan chức ở Kiev, ông Putin có thể áp đặt các điều kiện khó khăn hoặc gây thêm áp lực quân sự và kinh tế đối với Ukraine

Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko cho rằng, Tổng thống Putin rất có thể đang tận dụng các bước đi ngoại giao của chính quyền ông Trump để kéo dài thời gian. "Ông ấy có thể không thỏa hiệp về việc chấm dứt xung đột theo như những gì đội ngũ của ông Trump mong muốn".

Theo giới phân tích, vai trò của Tổng thống Ukraine Zelensky dường như đang suy yếu. Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm đáng kể thời gian gần đây. Trong khi các đối tác quan trọng nhất của Ukraine lại tỏ ra lạnh nhạt.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Zelensky đã 2 lần tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Putin nếu các đối tác phương Tây cam kết bảo đảm an ninh trong giải pháp chấm dứt xung đột. Trong bài phát biểu đêm 13/2, nhà lãnh đạo Ukraine đã thể hiện thái độ hòa giải, nói rằng ông đã có một "cuộc thảo luận tốt và chi tiết" với ông Trump.

"Chúng tôi đã thảo luận về nhiều khía cạnh - ngoại giao, quân sự, kinh tế. Tổng thống Trump đã thông báo cho tôi về những gì Tổng thống Putin đã nói với ông ấy. Chúng tôi tin rằng Mỹ có đủ sức mạnh để gây sức ép buộc Nga phải đàm phán hòa bình cùng với chúng tôi và các đối tác”, ông Zelensky nói.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cho rằng Tổng thống Zelensky cần phải đối mặt với một cuộc bầu cử ở Ukraine trước khi Nga chấp nhận chữ ký của ông trong một thỏa thuận hòa bình. Theo một số nguồn thạo tin, yêu cầu này cho thấy quan điểm của Nga về một quy trình ba bước tiềm năng để đàm phán chấm dứt xung đột.

Nguồn tin cho biết, nhiều khả năng, Nga muốn có một lệnh ngừng bắn ban đầu và một thỏa thuận sơ bộ, sau đó là các cuộc bầu cử ở Ukraine và cuối cùng là một giải pháp hòa bình mang tính ràng buộc.

Tia hy vọng với Ukraine

Tuy vậy, Ukraine vẫn có một số tia hy vọng. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga, cho rằng ông Putin đang "phá hủy" nước Nga bằng xung đột. Mặc dù Tổng thống Trump muốn Ukraine đổi viện trợ của Mỹ bằng nguồn khoáng sản của Kiev thì các quan chức Ukraine vẫn coi đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Các cuộc đàm phán về quyền tiếp cận khoáng sản, bắt đầu vào ngày 13/2, với chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, mở ra con đường để ông Trump tiếp tục viện trợ quân sự trong khi tuyên bố đã đảm bảo được lợi ích cho Washington.

“Về cơ bản, họ đã đồng ý làm như vậy, vì thế ít nhất chúng ta không cảm thấy bị bất lợi. Chúng ta phải có được thứ gì đó. Chúng ta không thể tiếp tục trả số tiền này”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Các quan chức Ukraine cho biết, họ coi yêu cầu của Nga muốn Ukraine tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ là một phần của “âm mưu gây bất ổn cho chính phủ và buộc Ukraine phải hạ súng để bỏ phiếu”. Giới chức Kiev đã thúc giục chính quyền Trump không tán thành ý tưởng này.

"Nga đang nêu chủ đề bầu cử vì họ cần người của họ ở Ukraine. Nếu chúng ta đình chỉ thiết quân luật, chúng ta có thể mất quân đội. Và Nga sẽ vui mừng vì phẩm chất tinh thần và khả năng chiến đấu của Ukraine sẽ bị mất đi", ông Zelensky nói.

Mặc dù vị thế của Tổng thống Zelensky đã giảm sút trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, nhưng "ông ấy đã chứng tỏ bản thân là một người phản đòn khá điêu luyện. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ sớm thấy màn cuối của câu chuyện”, ông Kupchan, nhà phân tích Âu Á nhận định.

Hiện cán cân sức mạnh trên mặt trận chính của cuộc chiến ở khu vực Donbass thuộc miền đông Ukraine, đã nghiêng về phía Nga trong hơn một năm qua. Không rõ Nga có thể duy trì được lợi thế này hay không. Về phần mình, Ukraine vẫn có chút ít đòn bẩy: đó là việc kiểm soát vài trăm km2 lãnh thổ ở khu vực Kursk của Nga sau khi phát động chiến dịch đột kích vào mùa hè năm 2024.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tin-hieu-dang-lo-ngai-khien-ukraine-dung-ngoi-khong-yen-sau-cuoc-dien-dam-trump-putin-post1154800.vov
Zalo