Ấn Độ liệu có quay lại chương trình Su-57 với Nga?
Nga đang thể hiện sự sẵn sàng bắt tay cùng Ấn Độ tiếp tục thực hiện dự án phát triển và sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57.
Mới đây, hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Mikhail Babich cho biết, Moscow có kế hoạch đàm phán với New Delhi về chương trình Su-57; đồng thời khẳng định thiện chí sản xuất chung dòng máy bay chiến đấu hiện đại này với quốc gia Nam Á. Thậm chí, Moscow còn nhất trí cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ công nghệ phát triển máy bay chiến đấu cho New Delhi. “Chúng tôi sẵn sàng cho việc đó và tin rằng Ấn Độ luôn được chào đón tham gia dự án này”, ông Babich nhấn mạnh.
![Máy bay Su-57E tại triển lãm hàng không Aero India 2025 ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51480831/3fef71e743a9aaf7f3b8.jpg)
Máy bay Su-57E tại triển lãm hàng không Aero India 2025 ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu
Tương tự, theo Bulgarian Military, trong khuôn khổ trưng bày máy bay Su-57E - phiên bản xuất khẩu của Su-57 - tại triển lãm hàng không Aero India 2025 diễn ra từ ngày 10 đến 14-2 ở Ấn Độ, Tổng giám đốc Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga Vadim Badekha xác nhận đã đưa ra lời đề nghị sản xuất máy bay này tại đất nước đông dân nhất thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc Su-57E có thể được sản xuất bởi tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ, nơi cũng đang lắp ráp tiêm kích Su-30MKI của New Delhi theo giấy phép từ Moscow.
Nga và Ấn Độ có lịch sử quan hệ quốc phòng lâu dài, trong đó New Delhi từng hợp tác với Moscow trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA) nhằm mục đích phát triển một biến thể của Su-57 phù hợp với yêu cầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, đến năm 2018, New Delhi quyết định rút khỏi dự án FGFA với nhiều lý do bao gồm tình trạng chậm trễ, chi phí đội lên quá cao và vấn đề chuyển giao công nghệ. Kể từ đó, Ấn Độ đầu tư vào một số dự án nội địa, trong đó nổi lên là máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến thế hệ thứ năm (AMCA), song gần như không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Mặt khác, tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ tư Tejas của Ấn Độ đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2001, sau Su-30 tới 11 năm, nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
Trong bối cảnh địa chính trị ở khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, không quân Ấn Độ nói riêng cũng cần được nâng cấp năng lực tác chiến. Chia sẻ với Bulgarian Military, cựu Tư lệnh không quân Ấn Độ Anil Chopra cho biết, chương trình AMCA liên tục bị lùi thời gian phát triển, đồng thời các đối thủ tiềm năng của New Delhi cũng triển khai trang bị tiêm kích thế hệ thứ năm buộc nước này phải tìm cách lấp đầy khoảng trống, tránh bị tụt hậu. Vì vậy, New Delhi hoàn toàn có thể cân nhắc đến Su-57. Theo ông, khả năng mua F-35 không được không quân Ấn Độ xem xét nghiêm túc do các yêu cầu khắt khe mà Mỹ áp đặt về cách sử dụng máy bay chiến đấu của mình. Ngược lại, không quân Ấn Độ từng bày tỏ lo ngại về việc chương trình Su-57 bị trì hoãn kéo dài, nhưng hiện mẫu máy bay này đã trải qua quá trình thử nghiệm chiến đấu khắc nghiệt nhất trong số ít tiêm kích thế hệ thứ năm trên thế giới.
Ấn Độ có quay trở lại chương trình Su-57 hay không vẫn cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, Bulgarian Military cho rằng đây là động thái đôi bên cùng có lợi. Nga sẽ nhận được nguồn tài trợ bổ sung để phát triển dự án chủ lực của mình và mở rộng thị trường cho Su-57 sau khi công bố hợp đồng xuất khẩu đầu tiên với máy bay này tại một triển lãm ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Cùng với đó, việc nội địa hóa là một yêu cầu quan trọng trong chính sách mua sắm quốc phòng của New Delhi theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”. Từ đó, nước này sẽ được tiếp cận các công nghệ tiên tiến và có cơ hội đẩy nhanh quá trình phát triển, triển khai tiêm kích AMCA nội địa đầy tham vọng của mình. Hãng thông tấn ANI cho biết, Ấn Độ lên kế hoạch sản xuất 5 nguyên mẫu máy bay AMCA trong 5 năm tới và tập đoàn HAL sẽ cung cấp hơn 200 chiếc AMCA, dự kiến đưa vào biên chế không quân nước này sau năm 2030.