THẾ GIỚI 24H: 'Làn sóng sa thải' bắt đầu ở Mỹ, 200.000 người mất việc trong đợt đầu tiên

Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu 'làn sóng sa thải', với 200.000 người thuộc nhóm đối tượng đầu tiên đang bị nhắm đến.

Người lao động chờ tìm việc tại hội chợ việc làm ở Uniondale, New York (Mỹ). Ảnh: Reuters/TTXVN

Người lao động chờ tìm việc tại hội chợ việc làm ở Uniondale, New York (Mỹ). Ảnh: Reuters/TTXVN

Đợt sa thải này đã diễn ra rộng khắp chính phủ liên bang vào ngày 13/2 sau khi bộ phận nhân sự của chính phủ khuyên các cơ quan chấm dứt hợp đồng với hầu hết trong số 200.000 nhân viên đang trong thời gian thử việc. Hoạt động sa thải này có thể đánh dấu sự gia tăng lớn về quy mô nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cắt giảm nhân viên liên bang và tái cấu trúc chính phủ. Chính quyền Mỹ đã tuyên bố khoảng 75.000 nhân viên đã chấp nhận lời đề nghị từ chức để đổi lấy việc được trả lương đến hết tháng 9.

Điện Kremlin lên tiếng việc ông Trump muốn Nga quay lại G7. Ngày 14/2, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đáp lại đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa Nga trở lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), cho rằng nhóm này đã trở nên lỗi thời vì không còn đại diện cho các động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đài RT. Ông Peskov nhấn mạnh rằng nhóm G7 đã “mất đi sự phù hợp” vì các trung tâm tăng trưởng kinh tế đã dịch chuyển sang những khu vực khác trên thế giới và không được đại diện trong cơ cấu hiện tại.

Serbia và Hungary sẽ xây dựngđường ống dẫn dầu xuyên biên giới. Bộ trưởng Bộ Khai khoáng và Năng lượng Serbia cho biết dự án đường ống dẫn dầu Serbia-Hungary có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh năng lượng và ổn định nguồn cung ở Serbia và Hungary. Theo kế hoạch, việc khởi công xây dựng được thực hiện vào cuối năm nay. Hai nhà lãnh đạo Hungary và Serbia cũng cho biết việc đa dạng hóa nguồn cung là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và đường ống dẫn dầu Serbia-Hungary sẽ góp phần vào sự ổn định nguồn cung trong dài hạn.

NATO: Châu Âu phải đưa ra kế hoạch cụ thể cho Ukraine. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte ngày 14/2 cho biết các nước châu Âu cần đưa ra những kế hoạch cụ thể cho Ukraine nếu muốn có tiếng nói trong một thỏa thuận hòa bình cho quốc gia này. Phát biểu trước thềm Hội nghị An ninh Munich tại Đức, ông Rutte nói: "Tôi thực sự tin rằng điều các đồng minh châu Âu cần làm là đưa ra những kế hoạch cụ thể... và khi đó họ sẽ là một phần của cuộc đối thoại".

Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga với một điều kiện. Theo đó, ông Zelensky khẳng định rằng việc đàm phán với phía Nga chỉ được thực hiện một khi Kiev đạt được lập trường chung với Mỹ và châu Âu về cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm. Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch về cách thức chấm dứt xung đột, hai ngày sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với cả Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ cảnh báo về "trục mới nổi" Trung-Nga-Triều. Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (USINDOPACOM), vừa đưa ra cảnh báo về sự hình thành của một "trục mới nổi" giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Tờ Thời báo Tài chính ngày 14/2 đưa tin vị Đô đốc Mỹ đã chỉ ra rằng mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia này đang phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt, Tư lệnh Paparo bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Hội nghị An ninh Munich khai mạc, thảo luận những thách thức an ninh toàn cầu. Ngày 14/2, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 đã chính thức khai mạc tại Khách sạn Bayerischer Hof ở Munich (München), thủ phủ của bang Bavaria (Bayern), miền Nam nước Đức. Tham dự MSC 2025 có Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Tổng thống Ukraine Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và khoảng 60 nhà lãnh đạo trên thế giới.

Thủ tướng Hàn Quốc làm nhân chứng tại phiên luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 14/2 cho biết sẽ mở phiên điều trần bổ sung cho phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tuần tới và Thủ tướng bị luận tội Han Duck-soo sẽ là nhân chứng. Theo Yonhap, phiên điều trần chính thức lần thứ 10 sẽ được tổ chức lúc 14h ngày 20/2 (giờ địa phương). Thủ tướng Han Duck Soo, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hong Jang Won và Tổng thanh tra của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Cho Ji Ho được chọn làm nhân chứng. Theo kế hoạch, phiên tòa thứ 9 sẽ diễn ra vào ngày 18/2.

Triều Tiên mở cửa lại đón du khách nước ngoài sau 5 năm. Hãng tin Yonhap dẫn nguồn trang web của Koryo Tours cho biết nhân viên của công ty này vừa đến Triều Tiên để khảo sát các địa điểm du lịch mới. Đây lần đầu tiên nhân viên công ty lữ hành nước ngoài này đến Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng đóng cửa với khách du lịch vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang có dấu hiệu mở cửa du lịch cho nhiều người nước ngoài hơn sau khi mở cửa đón du khách Nga vào đầu năm 2024.

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-gioi-24h-lan-song-sa-thai-bat-dau-o-my-200000-nguoi-mat-viec-trong-dot-dau-tien-post1717266.tpo
Zalo