Tín dụng chính sách xã hội đồng hành cùng các mô hình kinh tế phụ nữ làm chủ
Nhờ các chương trình cho vay ưu đãi từ nguồn vốn chính sách cũng đã trở thành 'người đồng hành' giúp chị em phụ nữ vay vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã...
Trước đây khi đến với một xã vùng đặc biệt khó khăn Văn Nghĩa có lẽ được nhận diện bởi bầu không khí tươi lành, sự bình yên của nhịp sống vùng nông thôn mộc mạc không hối hả không ồn ào náo nhiệt. Xuất phát từ thực tiễn trên, với mong muốn nâng cao năng lực, phát huy vai trò trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Nghĩa đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Đồng hành với các mô hình của cấp Hội phụ nữ các cấp không thể không kể đến công tác hỗ trợ vốn ưu đãi của các nguồn tín dụng chính sách xã hội. Đây là “điểm sáng” cũng là chủ trương lớn của Đảng được hiện thực hóa qua Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện tại địa phương cho thấy các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần làm thay đổi cuộc sống cho không chỉ đối tượng hộ nghèo mà những thay đổi theo hướng tích cực ở các đối tượng chính sách khác. Nhờ các chương trình cho vay ưu đãi từ nguồn vốn chính sách cũng đã trở thành “người đồng hành” giúp chị em phụ nữ vay vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã.
Hội LHPN xã Văn Nghĩa hiện nay quản lý 6 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng số dư nợ là 10.518.100.000 đồng, số dư tiết kiệm 230.015.804 với 247 thành viên vay vốn, trong đó số thành viên nữ chiếm trên 60%. Năm 2021 Hội LHPN xã thực hiện đề án 939 Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, với mục tiêu phát triển thế mạnh của hội viên phụ nữ địa phương, nâng cao quyền năng kinh tế, tập hợp, đoàn kết chị em vượt khó vươn lên Hội đã hỗ trợ chị Bùi Thị Yến – hội viên chi hội Phụ nữ xóm Tre thành lập Hợp tác xã (HTX) làng nghề Mây tre đan xóm Tre. Hợp tác xã đi vào triển khai hoạt động với lợi thế ít ỏi từ vốn tay nghề khéo léo tự đúc kết bao năm của các thế hệ chị em phụ nữ, nguồn lao động trẻ, lành nghề phân bố tập trung trong khu dân cư gồm 217 hộ nằm gọn dưới chân núi đá khô cằn. Với nguồn vốn vốn điều lệ 500.000.000 đồng cùng hoạt động chính là sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ mây, tre, vật liệu tết bệt, cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên sau 2 năm đi vào hoạt động HTX mặc dù đã có những khởi sắc đáng kể về tăng thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ, số lao động lành nghề, nhân công ngày một tăng lên (cụ thể năm 2021 là 50 chị, năm 2022 tăng lên trên 250 nhân công lao động thường xuyên và 180 lao động ngắn hạn, thời vụ cho Hợp tác xã). Tuy nhiên khi đi vào hoạt động HTX không tránh khỏi khó khăn chung về nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị và kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân công để đáp ứng xu thế thị trường ngày một đa dạng, khắt khe về kỹ thuật.
Trước tình hình thực tế như trên, để cùng tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện duy trì phát triển HTX Hội LHPN xã đã phối hợp trao đổi nhằm tìm ra hướng mở cho hội viên thông qua hỗ trợ vốn tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lạc Sơn để đầu tư máy móc, nhà xưởng và trang thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất.
Với nguồn vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm và được giải ngân 100.000.000 đồng chị Bùi Thị Yến chia sẻ đây là nguồn động lực lớn lao, một “tấm vé” đồng hành tin cậy giúp HTX sau những cố gắng nỗ lực trong thời gian ảnh hưởng sau đại dịch Covid 19. Từ nguồn vốn nêu trên chị chia sẻ đã dùng 30% tiến hành đầu tư máy móc và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất như máy cắt mấn, máy thổi, máy chà mây…Đồng thời tại thời điểm trên (năm 2021) do ảnh hưởng của làn sóng đại dịch Covid 19 bà con nhân dân hạn chế ra cộng đồng do đó có nhiều thời gian tập trung nghiên cứu và tự nâng cao tay nghề cho ra nhiều thành phẩm có giá trị kinh tế cao, bởi vậy chị đã dùng 30% số vốn trên để giải quyết chi trả tiền giữ chân nhân công lành nghề trong HTX. Lần lượt 20% còn lại chị dùng để hoàn thiện giá kệ sản phẩm, 20% đầu tư thêm trang thiết bị máy tính phục vụ quảng bá sản phẩm gián tiếp qua các kênh online để khắc phục tạm thời giải quyết lượng hàng “ dồi dào” đang có. Từ số vốn nêu trên bước đầu đã đồng hành cùng không chỉ bản thân chị mà tạo ra một hướng đi mới bền vững cho HTX làng nghề Mây tre đan.
Không chỉ dừng lại ở việc đồng hành cùng các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, cùng với chủ trương thống nhất của các cấp ủy Đảng chính quyền, với mong muốn hỗ trợ bà con nhân dân vươn lên thoát nghèo các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai một cách rộng khắp và toàn diện.
Hiện nay toàn xã đang phối hợp quản lý 12 chương trình vay vốn tín dụng như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay HSSV, vốn cho sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn…Kết quả cho thấy sự thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng so với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Toàn xã hiện có 18 chị hội viên phụ nữ là chủ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp, bán lẻ hàng hóa… đều được hỗ trợ đồng hành từ nguồn tín dụng chính sách xã hội càng cho thấy sự thiết thực và đúng đắn từ chủ trương của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời một lần nữa khẳng định sự hài hòa giữa ý Đảng lòng dân trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.