Indonesia ưu tiên đón du khách nước ngoài

Indonesia đặt mục tiêu đạt 1,08 tỷ lượt khách du lịch nội địa năm 2025, thấp hơn so với mục tiêu năm 2023 và 2024.

Indonesia đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách du lịch năm 2025. (Nguồn: Heta News)

Indonesia đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách du lịch năm 2025. (Nguồn: Heta News)

Ngày 20/12, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Widiyanti Putri cho biết, nước này đặt mục tiêu thu hút từ 14,6-16 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2025, tăng nhẹ so với mục tiêu 14,3 triệu lượt khách năm 2024.

Đối với du lịch nội địa, Bộ trên đã đặt mục tiêu đạt 1,08 tỷ lượt khách năm 2025, thấp hơn so với mục tiêu năm 2023 và 2024 được đặt ra là từ 1,2-1,4 tỷ lượt khách.

Bộ cũng đặt mục tiêu đạt được mức đóng góp 4,6% của ngành du lịch vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025, với thu nhập ngoại hối dự kiến dao động từ 19-22,1 tỷ USD.

Mục tiêu việc làm trong lĩnh vực du lịch được đặt ở mức 25,8 triệu người.

Bà Widiyanti nói rằng, số lượng khách du lịch nước ngoài dự kiến trong tháng 12/2024 ước đạt khoảng từ 1-1,325 triệu lượt, với doanh thu dự kiến là từ 22,5 nghìn tỷ Rp (1,4 tỷ USD) đến 29,2 nghìn tỷ Rp (1,85 tỷ USD).

Dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), Indonesia đã ghi nhận 11,6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào tháng 10/2024 và có nhiều cơ sở để đạt được mục tiêu vào các tháng cuối năm.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội các công ty lữ hành và du lịch Indonesia (ASITA) Budijanto Ardiansjah cho hay, trước đây đã đề nghị Bộ Du lịch nên ưu tiên thu hút khách du lịch nước ngoài để đạt được các mục tiêu du lịch.

Ông nhấn mạnh: "Cần thiết phải xem lại chính sách Lưu trú ngắn hạn miễn thị thực (BVKS) để tạo điều kiện nhập cảnh cho khách du lịch từ các thị trường nguồn trọng điểm như Trung Quốc và Australia".

Đối với các chương trình dài hạn, Bộ Du lịch cần tập trung vào các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo có mục tiêu. Bên cạnh đó, Bộ Du lịch cũng phải tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định và ưu tiên các thị trường có nhu cầu cao, đảm bảo rằng các nỗ lực quảng cáo được nhắm mục tiêu hiệu quả và mang lại kết quả tối ưu.

Ngoài ra, Bộ Du lịch cần cải thiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và giải quyết vấn đề chi phí vé máy bay để duy trì sức hấp dẫn của Indonesia như một điểm đến du lịch.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-uu-tien-don-du-khach-nuoc-ngoai-298331.html
Zalo