Việt Nam đề nghị Nhật Bản hỗ trợ làm điện hạt nhân
Trong chuyến thăm, làm việc mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong việc lựa chọn công nghệ và phát triển nhân lực điện hạt nhân.
Tại chuyến thăm và làm việc gần đây tại Nhật Bản, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp và trường đại học của Nhật Bản về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa hai nước.
Sớm khởi động dự án điện hạt nhân
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn.
Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là thấp. Hơn nữa, công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.
Tại Việt Nam, sau 8 năm (kể từ 2016) tạm dừng các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cao.
Hiện nay tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam vào khoảng 85.000 MW, tổng công suất cần đạt năm 2030 là khoảng 150.000 MW, và năm 2050 cần đạt 400.000-500.000 MW.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Đây còn là cơ hội để Việt Nam phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Bộ trưởng Diên thông báo tới các đối tác là Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Chính phủ đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi luật về năng lượng nguyên tử.
Với hành lang pháp lý như vậy, cơ bản đã đầy đủ các cơ sở để triển khai điện hạt nhân. Việt Nam có các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... Tất cả tạo ra nền tảng để sớm khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản
Trong thời gian tới để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ trưởng Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì các bộ ngành tham mưu xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát, xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ sẽ báo cáo trước cấp có thẩm quyền tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận theo cam kết cũ, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Phía chủ đầu tư EVN khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin điều chỉnh dự án để trình phê duyệt. Sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.
Đồng thời, EVN cũng sẽ rà soát lại số nhân lực đã được đào tạo tại Nhật Bản, nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới. Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ nỗ lực đảm bảo các công việc này được thực hiện đúng lộ trình đề ra.
EVN cũng sẽ khẩn trương rà soát và tiếp tục triển khai hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia của dự án.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân do vậy Bộ trưởng Diên nhấn mạnh hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư.
Việt Nam hiện quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng đánh giá Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Các công ty Nhật Bản cũng là đại diện nổi bật trong số các công ty chuyên về năng lượng. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ.
Việt Nam hiện quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố. Các công nghệ trước khi được lựa chọn cần đảm bảo tiêu chuẩn chung về an toàn, đáp ứng được những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, đánh giá, lựa chọn ứng dụng cho cả quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới các đơn vị liên quan của 2 nước sẽ cùng rà soát lại nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.