Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Cánh tay' nối dài của Đảng trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1)

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, mang đến điểm tựa vững chắc và cơ hội phát triển cho hàng triệu hộ gia đình khó khăn trên cả nước. Thông qua tín dụng chính sách xã hội, Chỉ thị này trở thành 'cánh tay nối dài' từ ý Đảng đến lòng dân, lan tỏa nguồn lực thiết yếu giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng về một đất nước thịnh vượng, gắn kết ý Đảng với lòng dân trên hành trình xây dựng nền tảng bền vững từ cơ sở.

Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân

Sau 10 năm triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW của Đảng đã chứng minh vai trò là điểm tựa quan trọng, mang đến sinh kế bền vững và cơ hội phát triển cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Hòa Bình. Bằng sự chỉ đạo sát sao từ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, nguồn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến từng thôn bản, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…

Từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đánh dấu bước khởi đầu cho chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với mục tiêu không vì lợi nhuận. Qua thời gian thực hiện, hoạt động tín dụng này đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đồng thời thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo, xây dựng sinh kế bền vững. (Ảnh: Thanh Hà)

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo, xây dựng sinh kế bền vững. (Ảnh: Thanh Hà)

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, hệ thống tín dụng chính sách xã hội vẫn gặp phải một số hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân. Để khắc phục điều này, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị này ra đời như một “luồng sinh khí mới”, giúp hệ thống tín dụng chính sách đi nhanh hơn, đúng hướng hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong cuộc sống của người dân.

Tại Hòa Bình, ngay khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ đó có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Ông Bùi Đức Hinh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, khi địa phương nhận được Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, tỉnh đã nhanh chóng triển khai, quán triệt chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cũng như văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội, các ngành, các cấp tại Hòa Bình đã nhập cuộc rất nhanh để triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Tỉnh ủy luôn coi trọng chính sách tín dụng xã hội, không ngừng quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành chính sách riêng hỗ trợ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023-2026 với nguồn vốn được bố trí từ ngân sách địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động đề xuất các cơ chế mới như mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức vay và kéo dài thời hạn vay đối với các chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, giúp nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp cũng được kiện toàn với 282 thành viên cấp tỉnh và huyện, bổ sung thêm 151 Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ NHCSXH 5,8 tỷ đồng để cải tạo, xây mới các trụ sở, phòng giao dịch, trang bị đầy đủ thiết bị an toàn. Hoạt động giao dịch xã được tổ chức vào một ngày cố định hàng tháng tại 151 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, giúp người dân tiếp cận dễ dàng thông tin, chính sách tín dụng và dịch vụ ngân hàng tại trụ sở UBND xã, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Đi sâu, đi sát đến từng thôn bản

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, Đảng bộ và chính quyền huyện Tân Lạc đã xác định rõ giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, ông Lê Chí Huyên cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu giúp chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm. Vì vậy, Huyện ủy Tân Lạc luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW”.

Người dân nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Thanh Hà)

Người dân nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Thanh Hà)

Trong quá trình triển khai, huyện Tân Lạc đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm vững các chủ trương và chính sách xã hội của Nhà nước. Huyện ủy và UBND huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai nhanh chóng, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách. Tính từ năm 2015 đến nay, số tiền từ ngân sách chuyển sang cho NHCSXH là 11.800 triệu đồng; cấp ủy và chính quyền các xã đã chủ động tạo điều kiện về địa điểm và cơ sở vật chất cho NHCSXH hoạt động thuận lợi tại 16/16 điểm giao dịch cố định đặt tại UBND các xã và thị trấn, góp phần đưa nguồn vốn đến với người dân một cách hiệu quả nhất.

Có mặt tại xã Tử Nê (huyện Tân Lạc) vào đúng ngày giao dịch cố định, ông Quách Văn Hạt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của xã. Những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và đảng viên xã Tử Nê thời gian qua đã góp phần thực hiện công tác giảm nghèo thiết thực và hiệu quả hơn”.

Trước khi Chỉ thị 40 được triển khai, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tử Nê năm 2010 là 32,6%. Đến năm 2015, sau khi thực hiện Chỉ thị, tỷ lệ này giảm còn 13,73% và đến năm 2024 chỉ còn 2,26%, đưa Tử Nê trở thành một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Tân Lạc. Các cấp lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã tích cực mở các lớp tập huấn cho bà con, nhằm hỗ trợ bà con sử dụng vốn hiệu quả và phát triển sinh kế bền vững.

Với vai trò là “cầu nối” giúp nguồn vốn ủy thác của NHCSXH đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, suốt 10 năm qua, Hội Nông dân xã Tử Nê đã tích cực hỗ trợ “đúng”, “trúng” đối tượng. Bà Bùi Thị Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tử Nê, chia sẻ: “Nhờ sự đồng hành từ NHCSXH huyện Tân Lạc, nhiều hộ dân đã tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện nhà cửa và đầu tư chăn nuôi, đem lại hiệu quả rõ rệt.”

Đáng mừng là các hộ dân vay vốn không chỉ sử dụng đúng mục đích mà còn chấp hành nghiêm các quy định của NHCSXH, luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp lãi và trả nợ đúng kỳ hạn. Nguồn vốn tín dụng đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, hạn chế rủi ro từ cho vay nặng lãi và tín dụng đen, đồng thời mang đến cơ hội phát triển cho người có hoàn cảnh khó khăn, đúng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.

Theo Chủ tịch UBND xã Tử Nê, hiện nay, tổng dư nợ cho vay tại xã đạt trên 17,4 tỷ đồng, tập trung vào các chương trình cho vay sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nước sạch và giải quyết việc làm, đảm bảo kết quả giảm nghèo bền vững và không có nợ quá hạn. Trong năm tới, xã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, tiếp tục củng cố thành quả giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.

(Còn tiếp…)

Tùng Anh - Thanh Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chi-thi-so-40-cttw-canh-tay-noi-dai-cua-dang-trong-cong-cuoc-giam-ngheo-ben-vung-bai-1-159203.html
Zalo