Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang: 'Lấy pháp quyền làm trọng'

Tiến sĩ Châu Huy Quang là luật sư điều hành Rajah & Tann LCT, đồng thời là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), thành viên Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICC) tại Việt Nam. Mới đây, ông đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức pháp lý giúp các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư thương mại quốc tế một cách hiệu quả.

Thưa Luật sư Châu Huy Quang, ông đánh giá như thế nào về thực trạng vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại hiện nay?

Luật sư Châu Huy Quang: Năm 2023 chứng kiến kéo dài câu chuyện khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) - hệ lụy sau đại dịch Covid-19 cũng như từ tình hình kinh tế- chính trị thế giới nhiều biến động. Hệ quả là sự gia tăng số lượng các vụ tranh chấp đầu tư - thương mại trong nước và quốc tế ngày càng nhiều. Theo số liệu của Tòa án Việt Nam, trong năm 2023, Tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc dân sự (tăng 24.426 vụ so với năm 2022). Số vụ kiện tranh chấp thương mại thông qua cơ chế trọng tài, hòa giải thương mại cũng có xu hướng tăng, tính riêng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã thụ lý 346 vụ kiện trọng tài tính tới hết tháng 10/2023 (tăng gần 30% so với cùng kỳ). Các vụ kiện tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, bất động sản, xây dựng, năng lượng.

Tiến sĩ Châu Huy Quang là luật sư điều hành Rajah & Tann LCT, đồng thời là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), thành viên Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICC) tại Việt Nam

Tiến sĩ Châu Huy Quang là luật sư điều hành Rajah & Tann LCT, đồng thời là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), thành viên Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICC) tại Việt Nam

Riêng lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) có đặc thù các tranh chấp thường phức tạp và có nhiều điểm nghẽn trong việc thu thập chứng cứ và tiếp cận các thông tin chi tiết về công nghệ như xâm phạm quyền SHTT trên không gian mạng hoặc các tranh chấp SHTT xuyên biên giới. Đây là lĩnh vực nhiều trở ngại trong công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT trước hiện trạng các xâm phạm quyền này tăng về số lượng và lớn về quy mô.

Nhìn chung, sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập năm 2007, DNVN cũng chủ động tự tin hơn trong việc đối diện, và xử lý các tranh chấp quốc tế thương mại, SHTT. Gần 10 năm trước, có doanh nghiệp ở Vĩnh Long cũng đã chủ động huy động nhân sự, luật sư chúng tôi sang tận Paris, Pháp để tranh tụng sòng phẳng ở các phiên xử của Tòa Trọng tài ICC với đối tác châu Âu liên quan hợp đồng xuất khẩu than hoạt tính, và kết quả chung cuộc khả quan cho DNVN.

Gần đây các vụ tranh chấp giữa nhà thầu nước ngoài chống lại chủ đầu tư Việt Nam ra trọng tài quốc tế xuất phát từ sự kiện bất khả kháng trong quá trình thực hiệp hợp đồng tổng thầu xây dựng dự án năng lượng. Đứng trước rủi ro bị “kéo” vào một vụ kiện trọng tài quốc tế có giá trị hàng tỷ USD, riêng chi phí pháp lý có thể lên hơn 100 triệu Euro, các DNVN cũng chủ động huy động luật sư Việt Nam (LSVN) và quốc tế tham gia bảo vệ, và chủ động phản tố từ đầu cũng như tham gia xuyên suốt vụ kiện kéo dài nhiều năm.

Về lĩnh vực SHTT, có thể kể đến tranh chấp kéo dài nhiều năm liên quan nhãn hiệu dầu gội nổi tiếng của một DNVN và một công ty sản xuất phim (có trụ sở tại Mỹ) nổi tiếng với việc xây dựng nhiều hình tượng dị nhân. Tuy nhiên, phần thắng đã thuộc về DNVN do đã áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” trong khi công ty nước ngoài không chứng minh được nhãn hiệu tranh chấp là “nhãn hiệu nổi tiếng” để được cơ chế bảo hộ tự động, trước thời điểm DNVN đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm dầu gội đầu và hóa mỹ phẩm của DNVN.

Các “cuộc chiến” lấy lại tên miền .vn hoặc .com.vn của DNVN trên tài nguyên internet Việt Nam cũng là xu hướng chủ động phòng vệ của doanh nghiệp Việt, chống lại việc đầu cơ, trục lợi thương mại tên miền, liên quan thương hiệu, bản quyền SHTT của mình.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị lừa đảo và vướng vào các vụ án tranh chấp thương mại quốc tế, chịu nhiều tổn thất. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Luật sư Châu Huy Quang: Xu hướng hội nhập sâu của DNVN vào nền kinh tế khu vực và thế giới tất yếu phát sinh việc tranh chấp thương mại, đầu tư. Nếu thời kỳ mới mở cửa hội nhập, các tranh chấp thương mại quy mô nhỏ từ vài trăm ngàn USD, thì nay có tới vài trăm triệu hoặc vài tỷ USD, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, dự án xây dựng, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, SHTT. Thực tế, nhiều DNVN vướng vào các vụ án thương mại - đầu tư với quy mô và tính chất ngày càng lớn và phức tạp như hiện nay, theo tôi chủ yếu ở 5 nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, tâm thế khi đối diện các tranh chấp, đa phần DNVN rơi vào thế “bị kiện”, tức bị động hơn là chủ động trong việc lấy “tấn công làm phòng vệ”. Các DNVN ít chú trọng đầu tư các biện pháp pháp lý, bị hạn chế năng lực tài chính, nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm chuyên gia để theo đuổi các vụ kiện thương mại, đầu tư thường kéo dài. Trong khi chi phí tố tụng quốc tế là rất lớn, các đối tác nước ngoài biết tận dụng nguồn lực tài chính, nổi bật là việc khai thác các nguồn tài trợ tố tụng về tài chính từ bên tài trợ thứ 3 (Third-party Funding); do vậy, họ có khả năng theo đuổi được các vụ kiện dài hơi một cách bài bản.

Hai là, sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đi kèm với sự gia tăng các vụ gian lận và lừa đảo thương mại điện tử trên phạm vi quốc tế với mức độ tinh vi và nghiêm trọng hơn.

Thứ ba, xung đột kinh tế - chính trị trên bình diện quốc tế, thương mại, dịch bệnh… dẫn đến sự xáo trộn nền kinh tế - xã hội toàn cầu, làm phát sinh các tình huống bất khả kháng, hoàn cảnh thực hiện giao dịch thương mại bình thường cơ bản bị thay đổi, các cam kết hợp đồng thương mại, đầu tư quốc tế dễ bị phá vỡ cả do khách quan và chủ quan cũng là điều khó tránh khỏi…

Thứ tư, là thành viên WTO từ lâu (năm 2007), Việt Nam hiện là thành viên của hơn 64 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định thương mại tự do với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc tham gia này cung cấp cho DNVN và cả nhà đầu tư nước ngoài các công cụ pháp lý rõ ràng, hữu hiệu để các bên có thể sử dụng khi có phát sinh bất đồng, tranh chấp trong hoạt động đầu tư, thương mại. Thông thường, các nhà đầu tư, bên đối tác nước ngoài có thói quen và kỹ năng vận dụng tối đa các cơ chế pháp lý này để bảo vệ quyền, lợi ích của mình hơn là DNVN.

Thứ năm, liên quan đến lĩnh vực SHTT, các DNVN chưa đầu tư hợp lý vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ, pháp lý, cũng như chưa có chiến lược bảo vệ quyền SHTT ở nước ngoài. Các bài học cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng cho đến nay, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định song phương hay đa phương quan trọng như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với mức độ cam kết nghĩa vụ thực thi rất sâu, rộng, dù đã tham gia các sân chơi lớn hơn nhưng DNVN vẫn thường chịu phần thua thiệt do một mặt gánh nghĩa vụ thực thi, nhưng chưa tận dụng được các lợi ích pháp lý đem lại từ các định chế này.

Là một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại của khu vực châu Á, ông có thể đưa ra một số khuyến cáo giúp doanh nhân, doanh nghiệp Việt tránh xảy ra tranh chấp khi hợp tác với đối tác nước ngoài. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, theo ông, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Luật sư Châu Huy Quang: Đây là một bài toán nan giải cần có sự tham gia và phối hợp của nhiều thành phần: Nhà nước, doanh nghiệp và các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Với doanh nghiệp, điều đầu tiên là cần thông hiểu đối tác, tận dụng sự tư vấn chuyên nghiệp về cả thị trường lẫn pháp lý. Tôi tin rằng đã đến lúc, nếu không nói là khá trễ, DNVN nên thích nghi với tâm thế hành xử lấy “Pháp quyền” làm trọng (Rules of Law), mà một trong nguyên tắc cốt lõi là có sự bình đẳng trước pháp luật và trước cơ quan tài phán, không ai đứng trên pháp luật; không ai bị trừng phạt lợi ích trừ khi có vi phạm pháp luật và bị phán xét bởi quyết định tài phán có hiệu lực.

Thực tiễn cũng cho thấy, các mối quan hệ thương mại giữa các đối tác và lợi ích thương mại chỉ có thể đạt được lâu dài và bền vững khi được thực hiện, xác lập dựa trên nền tảng, cam kết ràng buộc pháp lý với nhau rõ ràng ngay từ đầu và xuyên suốt. DNVN cần biết tận dụng đội ngũ pháp lý, chuyên gia tham gia hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu trong các khâu soạn thảo, đàm phán, tư vấn từ khi ký kết cho đến khi thực hiện hợp đồng, giao dịch.

Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, đội ngũ LSVN cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng hỗ trợ pháp lý DNVN hội nhập. Các vụ tranh chấp quốc tế có DNVN tham gia cũng phần lớn phải huy động luật sư, các hãng luật quốc tế thay vì LSVN, kể cả các vụ tranh chấp đầu tư, mà một bên là Chính phủ Việt Nam tham gia. Chi phí pháp lý, rào cản ngôn ngữ, tập quán pháp luật quốc tế là rào cản lớn khi không thể trưng dụng LSVN.

Đối với các tranh chấp doanh nghiệp như vấn đề về định giá của công ty và giá mua cuối cùng; thẩm định năng lực công ty; tranh chấp về các điều kiện tiên quyết không được đáp ứng, tranh chấp về quyền biểu quyết, quản trị và kiểm soát công ty; vấn đề về cổ tức và phân phối lợi nhuận… doanh nghiệp cần có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị xác lập giao dịch. Vai trò luật sư tham gia đề xuất, điều phối chuyên gia tư vấn để xác định giá trị công ty và đưa ra các số liệu đối chiếu chính xác; soạn thảo các điều khoản trong hợp đồng, thực hiện thẩm định pháp lý, tài chính kỹ lưỡng (due diligence) minh bạch; xác định rõ ràng các điều kiện tiên quyết, chuẩn bị các giải pháp pháp lý dự phòng nếu một số điều kiện không thể được đáp ứng. Cụ thể hóa về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan đến quyền biểu quyết, quản trị và kiểm soát tại các điều khoản của hợp đồng, thỏa thuận…

Trong hoạt động xây dựng, một số tranh chấp phổ biến thường liên quan đến vấn đề về tiến độ xây dựng, thay đổi phạm vi công việc hoặc thiết kế (dẫn đến phát sinh chi phí và thời gian hoàn thành); các vấn đề chất lượng công trình, thanh toán và chi phí; bảo trì và bảo hành. Doanh nghiệp cần phải có luật sư tư vấn xuyên suốt từ quá trình đàm phán ký kết hợp đồng, đặc biệt theo các biểu mẫu hợp đồng đầu tư xây dựng quốc tế (FIDIC), đặt trong bối cảnh tương thích pháp luật xây dựng, điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam, quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm luôn có luật sư tư vấn, hỗ trợ các công tác soạn thảo, xét soát phúc đáp các thư từ, khiếu nại từ công trường với nhà thầu/chủ đầu tư bảo đảm sự trao đổi được rõ ràng, thống nhất, phù hợp thỏa thuận giữa các bên. Kịp hỗ trợ giải quyết được ngay các vấn đề phát sinh, các thư khiếu nại theo quy định của hợp đồng, các thủ tục tiến hành giải quyết tranh chấp bởi ban giải quyết tranh chấp (DB) (nếu có thỏa thuận), cũng như các thủ tục tiền tố tụng để có thể tiến hành khởi kiện ra cơ quan tài phán khi cần thiết.

Các tranh chấp về SHTT chủ yếu do doanh nghiệp không đầu tư thích đáng cho việc bảo hộ quyền SHTT (bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…). Việt Nam cũng như đa số các nước trên thế giới đều áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (First-to-File) đối với quyền sở hữu công nghiệp, nên DNVN cần thực hiện việc nộp đơn đăng ký trước khi tung sản phẩm ra thị trường ít nhất một năm vì cần thời gian để thẩm định. Cũng cần lưu ý tới “tính lãnh thổ” của các quyền SHTT để khi mở rộng thị trường hoặc có các giao dịch xuyên biên giới cần mở rộng việc đăng ký bảo hộ.

Trường hợp đã phát sinh tranh chấp, việc hợp tác, tham gia tích cực và toàn diện từ đầu thủ tục tố tụng là việc nên làm. Vai trò của luật sư, chuyên gia hỗ trợ DNVN vào các vụ tranh chấp là điều tất yếu trong các quy trình tố tụng quốc tế. DNVN cũng nên tận dụng các cơ chế tài trợ vốn tố tụng, để có thể tham gia nhất quán xuyên suốt vụ tố tụng đến chung cuộc. Luật sư có thể xem xét, tư vấn cho doanh nghiệp những chiến lược pháp lý theo đuổi vụ kiện, hoặc những phương án thương lượng, đàm phán để hài hòa lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp ở vị thế yếu hơn trong vụ kiện.

Trong mọi tình huống, việc DNVN bỏ qua hay chậm trễ trong phản ứng lại các vụ kiện chống lại mình dẫn đến hệ lụy khó lường. Bài học là những thủ tục tố tụng diễn ra chống lại doanh nghiệp sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy mà khi luật sư được chỉ định sau đó để tham gia vụ kiện sẽ khó có thể sửa chữa, khắc phục những thiệt hại mà đáng lẽ ra đã có thể khắc phục được nếu luật sư, chuyên gia được chỉ định tham gia ngay từ đầu thủ tục tố tụng. Kinh nghiệm cho thấy DNVN tham gia tự bảo vệ, hay phản tố lại các vụ kiện quốc tế ngay từ ban đầu có thể không luôn thắng thế, nhưng nếu từ bỏ quyền và nghĩa vụ tham gia từ đầu và toàn diện thì việc thua toàn cục là điều vẫn xảy ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang được Thomson Reuters/Asia Legal Business (ALB) bình chọn là Luật sư Việt Nam đầu tiên thuộc “Top 50 Luật sư châu Á” trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp năm 2021, “Luật sư Điều hành Xuất sắc của năm” trong khu vực ASEAN năm 2018.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tien-si-luat-su-chau-huy-quang-lay-phap-quyen-lam-trong-417747.html
Zalo