Đề xuất sửa đổi quy định để VDB thu hồi khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định Thủ tướng sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trong đó cần cơ chế xử lý những khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh chưa thu hồi được.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được triển khai thực hiện qua VDB từ năm 2009 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của VDB, tính đến thời điểm 30/9/2024, VDB đã phát hành 1.536 chứng thư với tổng giá trị vốn vay cam kết bảo lãnh 10.692,4 tỷ đồng, trong đó: đã tất toán 1.421 chứng thư bảo lãnh với giá trị cam kết bảo lãnh là 8.956,775 tỷ đồng; đã thực hiện trả nợ thay 85 chứng thư bảo lãnh với giá trị cam kết bảo lãnh là 1.156,53 tỷ đồng và doanh nghiệp nhận nợ bắt buộc với VDB.
Dư nợ gốc nợ vay bắt buộc bảo lãnh (BBBL) là 817,95 tỷ đồng, đều thuộc nhóm nợ xấu (nhóm 5). Còn lại 31 chứng thư bảo lãnh chưa phát sinh trả nợ thay với giá trị cam kết bảo lãnh là 579,606 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này, để VDB tập trung nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách nên từ năm 2017, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng triển khai cơ chế bảo lãnh tín dụng qua VDB, không cấp các chứng thư bảo lãnh mới, mà chỉ tập trung triển khai thực hiện, quản lý giám sát đối với các chứng thư bảo lãnh đã ký và đôn đốc thu hồi nợ đối với các chứng thư đã trả thay từ trước đang nhận nợ với VDB.
“Mặc dù, hoạt động bảo lãnh tín dụng tại VDB đã dừng nhưng các chứng thư bảo lãnh đang còn hiệu lực, những khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh chưa thu hồi được cần phải tiếp tục có cơ sở pháp lý xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại NHTM ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg.
Về phí bảo lãnh theo báo cáo của VDB, hiện nay, trong số 27 doanh nghiệp nợ phí bảo lãnh tại VDB với số tiền là 35,63 tỷ đồng, có 26 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, còn 1 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Do đó, theo Bộ Tài chính cần bổ sung quy định để VDB có cơ sở pháp lý xử lý được số nợ phí không thu được, tương tự như đối với các khoản nợ lãi không thu hồi được hiện đang quy định tại dự thảo cơ chế xử lý rủi ro của VDB đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Về lãi suất nợ vay, thời gian trả nợ vay bắt buộc bảo lãnh, Bộ Tài chính cho hay, trong giai đoạn trước đây, lãi suất cho vay trong hạn tại các NHTM rất cao nên khi thực hiện trả nợ thay, VDB áp dụng mức lãi suất nhận nợ vay bắt buộc theo quy định tại Quyết định số 03 thì cơ bản nhiều doanh nghiệp sau khi nhận nợ vay bắt buộc bảo lãnh khó có khả năng trả nợ VDB, vì về bản chất, khi VDB phải thực hiện cam kết bảo lãnh trả nợ thay cho các doanh nghiệp là các doanh nghiệp đã gặp khó khăn nên không trả được nợ ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Hiện nay, VDB thực hiện cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP và Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó quy định về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư và các quy định liên quan đến việc miễn, giảm lãi tiền vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước.
Trên thực tế, sau khi doanh nghiệp được bảo lãnh ký hợp đồng nợ vay bắt buộc bảo lãnh với VDB thì các khoản nợ vay này được VDB theo dõi, thu nợ, xử lý rủi ro tương tự như đối với các khoản nợ vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước và được nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định của pháp luật. Do đó, để đồng bộ với cơ chế tín dụng đầu tư của nhà nước nêu trên, cần sửa đổi, bo sung quy định về lãi suất nợ vay bắt buộc bảo lãnh, về miễn giảm, lãi của khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh. Ngoài ra, tại Quyết định số 03 chưa có quy định cụ thể thời gian trả nợ vay bắt buộc bảo lãnh tối đa nên VDB chưa cơ sở để thực hiện.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi các quy định về bảo đảm cho các khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh. Bởi lẽ, theo quy định của Quyết định số 03, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn để thế chấp bảo đảm bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, sau khi VDB thực hiện trả nợ thay cho doanh nghiệp, có thể có trường hợp tài sản bảo đảm không đủ để đảm bảo cho khoản đã thực hiện cam kết bảo lãnh nên cần phải bổ sung biện pháp đảm bảo cho khoản nhận nợ bắt buộc có tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro nợ vay bắt buộc bảo lãnh, theo Bộ Tài chính, đến năm 2013, ngân sách nhà nước đã cấp cho VDB để trích lập quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh theo quy định tại Quyết định số 03 là 450 tỷ đồng; sau năm 2013 đến nay, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung do không bố trí được nguồn và vướng quy định của Luật Đầu tư công.
Năm 2021, căn cứ quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP nêu trên, VDB đã thực hiện kết chuyển toàn bộ số dư quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh quy định tại Quyết định số 03 vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, nợ vay bắt buộc bảo lãnh.
Để đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng, việc trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh thực hiện theo quy định về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của VDB, quy định về tín dụng đầu tư của nhà nước và xử lý rủi ro tín dụng tại VDB do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.