Thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn mới
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt chưa từng có, với sự thống trị của những 'ông lớn' như Shopee, Lazada, TikTok Shop... Những nền tảng này không chỉ tạo ra sức ép lớn lên các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn làm thay đổi hoàn toàn bức tranh thị trường.
Theo thống kê, trong năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 3.421 triệu sản phẩm. Con số này tăng trưởng ấn tượng 50,76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng có đơn hàng phát sinh lại giảm đến 20,25% (tương đương 165.000 cửa hàng rời bỏ sàn). Điều này cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các doanh nghiệp. Một số ít tận dụng được cơ hội để bứt phá, trong khi phần lớn còn lại đang chật vật duy trì hoạt động, thậm chí buộc phải rời bỏ thị trường.
Bà Nguyễn Kiều Trang, chuyên viên phân tích tại Metric đã đưa ra nhận định về sự thay đổi đáng kể này. Theo bà Trang, đây không chỉ là một dấu hiệu của sự đào thải tự nhiên mà còn phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành bán lẻ trực tuyến sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Năm 2025 sẽ chứng kiến sự kết hợp mạnh mẽ giữa mạng xã hội và thương mại điện tử
Thương mại điện tử không còn là “miền đất hứa” dễ dàng để gia nhập và thành công như trước đây, nơi mà bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ nào cũng có thể tham gia với chi phí ban đầu thấp và cơ hội tiếp cận khách hàng rộng lớn. Bối cảnh hiện tại đã thay đổi hoàn toàn. Sự bùng nổ của công nghệ, sự gia tăng của các nền tảng bán hàng đa kênh và sự xuất hiện của những “ông lớn” trong ngành đã khiến môi trường cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những nhà bán hàng thiếu chiến lược kinh doanh rõ ràng, không đủ nguồn lực tài chính, hoặc không thể thích ứng nhanh với xu hướng thị trường đã dần bị loại bỏ.
Bà Trang nhấn mạnh rằng, để tồn tại và phát triển trong thị trường này, các doanh nghiệp cần phải tối ưu hóa quy trình vận hành, từ khâu quản lý kho bãi, logistics, đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu trở thành yếu tố then chốt giúp tạo dấu ấn riêng giữa một “rừng” đối thủ cạnh tranh. Những doanh nghiệp thành công hiện nay đều là những đơn vị biết cách tận dụng hiệu quả các công cụ quảng cáo trực tuyến, chạy chiến dịch khuyến mãi thông minh và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà bán hàng. Việc phân tích dữ liệu khách hàng, dự đoán xu hướng tiêu dùng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm đang trở thành những yếu tố không thể thiếu. Những doanh nghiệp không đầu tư vào công nghệ hoặc không có chiến lược dài hạn sẽ khó lòng cạnh tranh được trong một thị trường ngày càng khắt khe.
“Thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn chín muồi, nơi mà chỉ những ai thực sự chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược và khả năng thích ứng nhanh mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình trong một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần khốc liệt”, bà Trang chia sẻ.
Cuộc chiến trên thị trường thương mại điện tử đang mở rộng sang nhiều “mặt trận” khác như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng và các chương trình khuyến mãi. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp buộc phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm cách thu hút và giữ chân khách hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng khắc nghiệt. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nhằm đạt mục tiêu doanh thu, bà Cao Mỹ Hạnh - Quản lý Thương hiệu và Quan hệ công chúng (Công ty cổ phần Công nghệ Sapo) khuyến nghị, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng phù hợp với ngân sách, đảm bảo lợi nhuận mà không để chi phí đội cao. Các nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng livestream, video ngắn, hoặc tiếp thị liên kết trên Facebook, TikTok để tương tác trực tiếp, xây dựng uy tín và tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí. Thay vì chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, có thể triển khai khuyến mãi nhỏ như giảm giá combo hoặc tặng quà kèm chi phí thấp, đồng thời tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng và xây dựng chương trình khách hàng thân thiết để giữ chân khách.
Theo bà Nguyễn Kiều Trang, năm 2025 sẽ chứng kiến sự kết hợp mạnh mẽ giữa mạng xã hội và thương mại điện tử, với xu hướng ưa chuộng mua sắm giá rẻ. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tiêu dùng xanh, bền vững và lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Để thích ứng, các nhà bán lẻ cần đổi mới sản phẩm, ứng dụng công nghệ, cá nhân hóa trải nghiệm và tập trung vào chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để xây dựng lòng tin. Đồng thời, việc chuyển dịch sang mô hình bán đa kênh và đầu tư vào sản phẩm xanh sẽ là chìa khóa thành công.