Kinh tế số Hà Nam lọt top 10 cả nước
Năm 2024 đánh dấu một bước tiến ngoạn mục của Hà Nam trên bản đồ kinh tế số quốc gia. Với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh đã góp mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế số...

Năm 2024 đánh dấu bứt phá trong phát triển kinh tế số
Việc triển khai hiệu quả các đề án chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã tạo cú hích mạnh mẽ, giúp Hà Nam đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên đến 10,93% - một con số ấn tượng, đưa tỉnh vào nhóm có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
TOÀN TỈNH ĐƯỢC PHỦ SÓNG INTERNET
Hiện nay, Hà Nam có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, khoảng 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Hà Nam cũng đã triển khai mạnh mẽ các chính sách thuế điện tử với 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử với ngân hàng và 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
100% các xã, phường, thị trấn đã có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Các nhà mạng đang tiếp tục triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu, cụm công nghiệp của Hà Nam. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn Hà Nam, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân truy cập internet và truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Đây chính là hạ tầng số quan trọng để Hà Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế số.
Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tổ chức hội nghị tập huấn về chuyển đổi số cho khoảng 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các thôn, tổ dân phố thường xuyên tổ chức ra quân hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như: thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử; tham gia sàn thương mại điện tử...
Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt xấp xỉ 90%. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân khoảng 70.000 người.
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật đầy đủ thông tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cũng đã cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tiếp cận, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số; gần 3.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số trong công tác quản lý, điều hành, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và bán hàng.
SÔI ĐỘNG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Gần 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện nộp thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; trên 2.500 doanh nghiệp sử dụng tên miền “.vn”; trên 50% số doanh nghiệp có website và trên 60% số doanh nghiệp này đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng và có chức năng đặt mua hàng trực tuyến.
Hà Nam hiện có trên 1 triệu tài khoản giao dịch của cá nhân, tổ chức đã được mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam đã có trên 15.300 giao dịch được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử với số tài khoản hoạt động trên sàn là trên 92.800 tài khoản.
Toàn tỉnh có gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kỹ năng số là gần 90.000 hộ.
Khởi sắc trong bức tranh kinh tế số của Hà Nam trong những năm qua phải kể đến sự phát triển sôi động của hoạt động thương mại điện tử với phương thức mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội.
Các hoạt động thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, tiền nước hay thanh toán các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính… cũng đã được thực hiện phổ biến bằng phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, ví điện tử, quét mã QR.
Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống đã triển khai mô hình “Chợ 4.0” với tỷ lệ cao số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đều cho phép khách hàng thanh toán điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem truy xuất có mã QR Code và triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2024, Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nam xếp vị trí thứ 18/58 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá xếp hạng, tăng 6 bậc so với năm 2023.
KINH TẾ SỐ XẾP THỨ 9/63 TỈNH, THÀNH PHỐ
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,25%%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đạt được cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số.
Trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, Hà Nam xác định sẽ phát triển mạnh kinh tế số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt từ 10% trở lên.
Hà Nam phấn đấu đến năm 2030, 80% số doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; trên 70% giao dịch mua bán trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; trên 90% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; kinh tế số chiếm 25-30% GRDP.
Đến năm 2045, Hà Nam trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao, kinh tế số đạt 40% GDP, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.