Alpha Seven (DL1): Doanh thu tăng vọt nhưng lỗ sau thuế hơn 52 tỷ đồng, vấn đề nằm ở đâu?
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của CTCP Tập đoàn Alpha Seven (mã DL1) cho thấy sự tăng trưởng đột phá về doanh thu nhưng đồng thời bộc lộ những áp lực tài chính đáng quan ngại. Việc doanh thu tăng vọt nhưng lợi nhuận lại lao dốc cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với những bài toán về chi phí tài chính, hiệu quả vận hành và rủi ro thanh khoản.
Doanh thu tăng vọt nhưng lỗ sau thuế hơn 52 tỷ đồng
Doanh thu thuần quý IV/2024 đạt 305,8 tỷ đồng, tăng 346,5% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lợi nhuận gộp cũng tăng 146% lên mức 65,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại sụt giảm mạnh từ lãi 3,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống lỗ 47,3 tỷ đồng trong quý này. Lợi nhuận sau thuế âm 52,2 tỷ đồng, phản ánh những áp lực tài chính nghiêm trọng.
Lũy kế cả năm, dù doanh thu tăng 94,8% lên 548 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại giảm 53%, chỉ còn hơn 33 tỷ đồng so với mức 70,6 tỷ đồng của năm trước. Nguyên nhân chính đến từ chi phí tài chính gia tăng mạnh, chủ yếu do lãi vay, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp đáng kể.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Alpha Seven
Tính tới 31/12/2024, tổng tài sản của Alpha Seven đạt 2.602 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu kỳ. Trữ tiền ở mức hơn 300 tỷ đồng, tăng trưởng 220% so với đầu năm; Khoản phải thu ngắn hạn của Alpha Seven đạt 365,2 tỷ đồng, tăng 37% so với cuối năm trước. Đáng chú ý, trong này có khoản phải thu với cá nhân ông Nguyễn Đức Toàn lên tới 210 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có nhiều khoản cho cá nhân vay với giá trị lớn như: Bà Hồ Thị Thu: 38,7 tỷ đồng; Bà Trần Thị Quỳnh: 18,7 tỷ đồng; Ông Mai Xuân Bình: 91 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là các khoản cho vay theo hợp đồng có thời hạn 12 tháng. Ngoài ra, Alpha Seven còn có khoản phải thu dài hạn với Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long trị giá 112,9 tỷ đồng và khoản phải thu lãi vay 5,8 tỷ đồng.
Việc doanh nghiệp có số dư phải thu lớn, đặc biệt là các khoản cho cá nhân vay, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ. Nếu các khoản vay này không được hoàn trả đúng hạn, Alpha Seven sẽ gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khả năng thanh toán nợ vay.
Hàng tồn kho của Alpha Seven tăng mạnh lên 118,2 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với đầu năm, trong đó có dự phòng giảm giá 29,8 tỷ đồng. Việc tồn kho tăng đột biến có thể xuất phát từ kế hoạch mở rộng kinh doanh hoặc gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không quản lý tốt việc giải phóng hàng tồn kho, nguy cơ giảm giá trị hàng hóa, tăng chi phí bảo quản và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền là rất lớn.
Alpha Seven gánh nợ vay lớn
Nợ phải trả ở mức 1.214 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Chi phí tài chính tăng vọt 86,2% so với cùng kỳ, phản ánh áp lực nợ vay ngày càng lớn. Tổng nợ vay của Alpha Seven đạt 878 tỷ đồng, chiếm khoảng 63% vốn chủ sở hữu – một tỷ lệ khá cao, tiềm ẩn rủi ro tài chính nếu doanh nghiệp không kiểm soát tốt dòng tiền và lãi suất vay.
Ngoài ra, doanh nghiệp có các khoản phải nộp thuế gấp 21 lần lên 60 tỷ đồng, phải trả người lao động cũng tăng gần 9 lần lên 30,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp đang gia tăng đáng kể. Nếu không có chiến lược quản lý nợ hợp lý, Alpha Seven có thể đối mặt với tình trạng mất cân đối tài chính trong tương lai.
Năm 2024, một sự kiện đáng chú ý với Alpha Seven đó là việc chi 255 tỷ để thâu tóm Mass Noble từ CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG). Cụ thể, ngày 31/7/2024, Đức Long Gia Lai đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp số 06/2024/HĐCNPVG/DLG-DL1 CỦA Mass Noble cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven trị giá 255 tỷ đồng. Dữ liệu cho biết, đến cuối tháng 12/2024, Đức Long Gia Lai đã hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng.