Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm: Lo thuế chồng thuế

Tính thuế lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa được đề xuất khi sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này là bất hợp lý. Nếu phải đóng thuế tiền gửi ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất về nguồn lực phát triển kinh tế.

Một vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, trong đó đáng chú ý là phần góp ý của UBND TP. Cần Thơ.

Cụ thể, địa phương này đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao. Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế.

UBND TP Cần Thơ đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ. (Ảnh minh họa: KT)

UBND TP Cần Thơ đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ. (Ảnh minh họa: KT)

Trong dự thảo dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế được chia thành 8 loại, trong đó có cả thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng.

Tại Trung Quốc, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN, trong đó thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận.

Tương tự, ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế TNCN ngoài thu nhập từ tiền công, tiền lương lao động; thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ cổ tức…, cũng có thu nhập từ tiền lãi.

Tuy Bộ Tài chính chưa chính thức đề xuất cụ thể đưa lãi suất tiết kiệm vào khoản thu đánh thuế TNCN, nhưng việc đặt ra vấn đề này như trên cũng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Đề xuất tính thuế TNCN đối với tiền gửi tiết kiệm không phải mới. Năm 2005, ý tưởng này đã được đưa ra khi xây dựng luật Thuế TNCN với tỷ lệ 10% tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Tuy nhiên, mức tiền gửi bao nhiêu sẽ bị khấu trừ và những đối tượng nào sẽ thuộc diện đóng thuế này hiện chưa xác định. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trở lên. Nhưng sau nhiều ý kiến phản đối, đề xuất này đã không đưa vào luật Thuế TNCN.

Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm là không hợp lý

Dưới góc độ một người đang có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chị Trần Thu Thủy (ở Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị gửi tiền vào ngân hàng để có lãi nhưng mức lãi đó so với lạm phát, giá cả leo thang hàng ngày còn không đủ bù đắp, nay lại đánh thuế khoản tiền lãi tiết kiệm thì không hợp lý.

“Nếu đánh thuế tiền lãi tiết kiệm thì có lẽ tôi sẽ cân nhắc rút tiền ra để chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản…có tỷ suất sinh lời cao chứ không gửi tiết kiệm nữa. Bởi như hiện nay gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng, tiền lãi hàng tháng cũng chỉ tầm 6 triệu đồng, mức lãi này không đủ trang trải cho sinh hoạt phí hàng tháng của 1 người, giờ còn thêm khoản tiền thuế nữa thì còn lại cũng không được bao nhiêu”, chị Thủy nói.

Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm là không hợp lý

Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm là không hợp lý

Cùng ý kiến, chị Hoàng Lan (ở Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị không có khả năng đầu tư, kinh doanh thì mới chọn giải pháp gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi người ta buôn đất, buôn nhà, đẩy giá bất động sản lên thì thuế còn bỏ lọt, nếu mà tiền lãi ngân hàng cũng bị tính thuế thì tận thu của người dân quá.

“Chúng tôi đi làm, mọi thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tiền gửi tiết kiệm là số tiền còn lại sau khi đã chịu thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế lãi tiền gửi có nghĩa là đánh thuế hai lần, như vậy là bất hợp lý”, chị Hoàng Lan bày tỏ.

Đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng

Trước đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm của UBND tỉnh Cần Thơ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, từ hơn 10 năm trước đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với các khoản lãi tiết kiệm của cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ. Cá nhân ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi một lần nữa đề xuất này gần đây được xới lại.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính

“Năm 2011 cũng đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại ngân hàng. Chúng tôi cũng đã có phản hồi thực tế việc này là chưa cần thiết và cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, có nhiều lý do không nên đánh thuế TNCN từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.

Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích lũy được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.

“Tiền của dân mang đi gửi tiết kiệm là tiền họ kiếm được sau khi đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp… Sau khi gửi, thu được lợi nhuận dựa vào lãi suất. Mặc dù gửi tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, có lợi nhuận thì phải đóng thuế nhưng nếu thu phần thuế này thì người gửi tiền sẽ phải đóng thuế chồng thuế. Đây là điểm bất hợp lý”, ông Thịnh phân tích.

Cũng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, tiền gửi tiết kiệm là kênh chủ đạo giúp ngân hàng tạo ra nguồn lực tài chính, hỗ trợ phát triển nền kinh tế bằng việc cho vay tín dụng, kinh doanh. Nếu phải đóng thuế tiền gửi ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất về nguồn lực phát triển kinh tế.

Thực tế, giá cả hàng hóa liên tục lên giá. Bất chấp việc khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn sinh lời hàng tháng, hàng năm nhưng khoản tiền tăng thêm không theo kịp sự tăng giá của hàng hóa, đặc biệt là sự tăng giá của bất động sản và vàng. Do đó, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không đáng.

“Người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/danh-thue-tien-lai-tiet-kiem-lo-thue-chong-thue-post1155925.vov
Zalo