Thương chiến leo thang: Công ty Việt đẩy mạnh bán hàng cho FDI ngay trong nước
Xuất khẩu tại chỗ giúp doanh nghiệp Việt bán hàng cho các tập đoàn FDI ngay trong nước, nhưng muốn bứt phá họ phải vượt qua rào cản công nghệ, tiêu chuẩn và chi phí sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, và nhất là thương chiến trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, xuất khẩu tại chỗ đang nổi lên như một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, rào cản về công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng và sự e ngại đầu tư vẫn là những thách thức lớn.
Cơ hội và thách thức của xuất khẩu tại chỗ
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát đã sản xuất được những cánh tay robot tinh vi, cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản. Ngoài ra, DN này còn sản xuất được những máy cơ khí chính xác CNC phức tạp “made in Vietnam” bán cho các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất linh kiện cho những tập đoàn nước ngoài lớn, nhưng các yêu cầu khắt khe và giá thành thấp khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng", tiến sĩ Bùi Thanh Luân, Giám đốc công ty Hiệp Phát chia sẻ.
Hiệp Phát là một trong số ít doanh nghiệp tận dụng được xuất khẩu tại chỗ, có những sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp FDI nhờ đầu tư vào công nghệ và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được điều đó. Hiện rất ít doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn FDI như Samsung, LG…

Một số doanh nghiệp đã tận dụng xuất khẩu tại chỗ cung ứng những sản phẩm "made in Vietnam" cho các DN FDI. Ảnh: QH
Trong khi dó, xuất khẩu tại chỗ không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics mà còn mở ra cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, cơ chế này giúp ngành dệt may tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) mà không cần xuất hàng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, xuất khẩu tại chỗ vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong số đó là sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. "Có đến 90% nguyên phụ liệu của ngành dệt may TP.HCM vẫn phải nhập từ Trung Quốc", ông Hồng chia sẻ.
Rủi ro về công nghệ và thị trường cũng khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho biết việc hợp tác với doanh nghiệp FDI đòi hỏi vốn lớn nhưng không có đảm bảo đơn hàng dài hạn, nếu chuỗi cung ứng thay đổi, doanh nghiệp nội địa có thể gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.

Việt Nam cần xây dựng một chương trình kích cầu hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: QH
Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Một số chương trình kích cầu đã triển khai nhưng do nhiều bất cập trong quy trình thực hiện, doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ.
“Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ dài hơi, giúp doanh nghiệp nội địa mạnh dạn nâng cấp sản xuất, từ đó gia tăng giá trị nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS Điền nhấn mạnh.
Cần xác định chiến lược dài hạn
Nhìn vào bức tranh tổng thể, để xuất khẩu tại chỗ thực sự trở thành động lực phát triển, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn cần được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Việc này không chỉ giúp các nhà sản xuất trong nước tăng sức cạnh tranh mà còn giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Một trong những chiến lược quan trọng khác là tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng sản phẩm nội địa. Dù theo cam kết WTO, Việt Nam không thể áp đặt tỷ lệ nội địa hóa, nhưng có thể thông qua chính sách ưu đãi gián tiếp như miễn giảm thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, nhân lực để thu hút sự hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước.

Việt Nam cần xây dựng được đội ngũ nhân sự tay nghề cao thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung ứng quốc tế. Ảnh: QH
Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ với định hướng dài hạn. Việc đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, xây dựng cụm công nghiệp chuyên biệt sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, từ đó từng bước thay thế linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, TS. Điền nhấn mạnh, cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, tránh tình trạng chính sách không thực tế hoặc thiếu hiệu quả.
TS Bùi Thanh Luân, chuyên gia ngành tự động hóa cũng đề xuất việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của các tập đoàn lớn. “Việt Nam có thể sản xuất những linh kiện chính xác nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là tiêu chuẩn và công nghệ. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng được đội ngũ nhân sự tay nghề cao thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung ứng quốc tế,” - ông Luân chia sẻ.
Xuất khẩu tại chỗ là một hướng đi chiến lược giúp doanh nghiệp Việt không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng ưu đãi thương mại... Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với đối tác FDI.

Các chuyên gia cho rằng làm tốt xuất khẩu tại chỗ sẽ không chỉ là cơ hội mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Ảnh: QH
Quan trọng hơn, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và mang tính dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp nội địa phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Việc duy trì và phát triển hình thức xuất khẩu tại chỗ trong ngành điện tử đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, cũng như nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
“Nếu làm tốt, xuất khẩu tại chỗ sẽ không chỉ là cơ hội mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”, TS Bùi Thanh Luân đánh giá.
Nên nắm bắt cơ hội từ chiến tranh thương mại ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Sơn, giảng viên Ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT Việt Nam cho biết, từ năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu phải tiến hành tái cấu trúc từ mạng lưới toàn cầu sang mạng lưới mang tính khu vực hóa hơn. Các doanh nghiệp ưu tiên quản trị rủi ro và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hơn là hiệu quả chi phí thuần túy.
Với các mức thuế quan “ăn miếng, trả miếng” được Mỹ và Trung Quốc công bố mới đây, có thể thấy xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ tiếp diễn, trong đó các biện pháp bảo hộ từ cuộc thương chiến có thể gây ra tác động tiêu cực lên toàn bộ các chuỗi cung ứng.
Điều này tác động về chi phí có thể rất lớn, với nguy cơ giá cả leo thang trong các ngành công nghiệp bị áp thuế và cả các ngành có liên quan như vật liệu, năng lượng, ô tô và điện tử.
“Mặc dù điều này tạo ra gián đoạn ngắn hạn và chi phí vận hành cao hơn nhưng cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và các trung tâm sản xuất mới ra đời. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã nổi lên như là bên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này trong nhiều chuỗi cung ứng khác nhau”- Tiến sĩ Sơn nói.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn cho rằng, Việt Nam cần theo đuổi một chiến lược cân bằng, độc lập và đa chiều để tận dụng các cơ hội từ chiến tranh thương mại mà vẫn quản lý được các rủi ro liên quan. Việt Nam nên tiếp tục đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc.
Điều này giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào và cung cấp các điểm đến xuất khẩu thay thế nếu căng thẳng thương mại leo thang.
“Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể định vị tốt hơn để hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng trong khi xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, có khả năng phục hồi tốt hơn, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị” - tiến sĩ Sơn khuyến nghị.
PHƯƠNG MINH