Đề xuất thành lập 'nhóm đặc nhiệm' về thương mại nông sản Việt Nam - Singapore
Sáng 19/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã có buổi trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam.
Tại cuộc trao đổi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản, sản phẩm chế biến thủy sản, sản phẩm động vật sang Singapore. Ở chiều ngược lại, Singapore đã xuất khẩu các chế phẩm như thức ăn gia súc, chế phẩm vi sinh vật, thủy sản sang Việt Nam. Dù vậy, Thứ trưởng nhận định, tiềm năng lợi thế hai bên còn rất lớn.
Trong đó, Việt Nam không chỉ đáp ứng vấn đề an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về hơn 62 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD. Các sản phẩm có tỷ trọng cao bao gồm cà phê, lúa gạo, cao su, sầu riêng và nhiều sản phẩm khác có kim ngạch từ một tỷ USD trở lên.
Năm 2024, Việt Nam sản xuất được 43,5 triệu tấn lúa, thịt các loại đạt 8,2 triệu tấn, trứng đạt 12,1 tỷ quả, sữa đạt 1,2 triệu tấn, thủy sản đạt 9,6 triệu tấn...
Riêng với thủy sản, sản lượng tôm của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn/năm với nhiều địa phương nổi tiếng như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Bên cạnh tôm, cá tra cũng là sản phẩm độc đáo của Việt Nam với 1,65 triệu tấn, xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài doanh nghiệp CP, Việt Nam còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm như Dabaco, Greenfeed, Mavin, Ba Huân…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (bên phải) và Đại sứ Jaya Ratnam (bên trái) trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN
Về phía Singapore, tại buổi làm việc, Đại sứ Jaya Ratnam bày tỏ cảm ơn về sự hợp tác từ phía Việt Nam và Bộ NN&PTNT để có được những kết quả trong thương mại nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua.
Đại sứ cho rằng, còn nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác sâu rộng hơn, bao gồm vấn đề an ninh thực phẩm. Hiện Việt Nam là một trong những nguồn cung thực phẩm và nông sản cho Singapore, đồng thời là quốc gia cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho quốc đảo này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nguồn nhập khẩu rau củ quả và lúa gạo quan trọng của Singapore.
Do đó, phía Singapore hy vọng có thể tăng nhập khẩu thêm các mặt hàng nông sản từ Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm sản phẩm gia cầm chế biến từ Việt Nam. Đại sứ cho biết, hiện Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA) đang tích cực làm việc để công nhận các sản phẩm gia cầm và trứng từ Việt Nam.
Cũng theo Đại sứ, trong chuyến công tác gần nhất vào cuối năm 2024 tại tỉnh Bình Phước, Cơ quan thực phẩm Singapore đã đánh giá Công ty CP trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng các tiêu chí nhập khẩu gia cầm của Singapore.
Mặt khác, Đại sứ Jaya Ratnam cho biết, các công ty tại Singapore cũng quan tâm nhiều đến việc xuất khẩu thực phẩm sang Việt Nam, bao gồm sản phẩm thịt chế biến.
Để thúc đẩy thương mại hai bên trong thời gian tới, Đại sứ Jaya Ratnam kiến nghị hình thành nhóm đặc nhiệm về thương mại nông sản giữa Singapore và Việt Nam. Đại sứ cho rằng, việc thành lập nhóm đặc nhiệm giữa hai nước sẽ không chỉ trong ngắn hạn mà đây là sự hợp tác lâu dài. Theo Đại sứ, thành lập nhóm đặc nhiệm là nền móng đầu tiên để hai bên có thể nhất trí với nhau về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Đối với vấn đề trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam rất hoan nghênh trong việc hợp tác, tuy nhiên phải trên cơ sở đáp ứng yêu cầu pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, liên quan đến việc nhập khẩu sản phẩm thịt chế biến từ Singapore, tại sự kiện, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, Việt Nam rất ủng hộ Singapore xuất khẩu sản phẩm chế biến sang Việt Nam. Dù vậy, các sản phẩm động vật để xuất khẩu sang Việt Nam trước hết phải có nguồn gốc rõ ràng từ Singapore.
Hiện nay, liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, Việt Nam chưa chấp nhận bất kỳ trường hợp nhập khẩu nào có nguồn động vật từ một quốc gia, sau đó được chế biến ở một quốc gia khác vì rất khó kiểm soát dịch bệnh. Do đó, ông Nguyễn Văn Long kiến nghị phía Singapore và Việt Nam giao cơ quan thẩm quyền hai nước trao đổi kỹ hơn trong vấn đề này.