Chuyên gia đồng tình điều chỉnh thuế thuốc lá nhưng cần lộ trình phù hợp

Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có áp dụng với mặt hàng thuốc lá đang trong quá trình hoàn thiện trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Đồng tình với việc tăng thuế đối với thuốc lá, các chuyên gia cho rằng cần bảo đảm có lộ trình tăng hợp lý để hài hòa các mục tiêu của Chính phủ và hỗ trợ các doanh nghiệp có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất.

Điều chỉnh thuế là cần thiết

Trước những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chính sách đề ra, cơ quan quản lý cần xem xét nghiên cứu, có lộ trình tăng thuế hợp lý, bảo đảm cân bằng giữa việc hạn chế tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, nếu chính sách thuế không phù hợp sẽ gây ra sự lãng phí, giảm sút hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước khi thuốc lá là một ngành kinh doanh có điều kiện đang được quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước.

Theo bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành thuốc lá có một đặc điểm khác với các ngành khác là các đầu mối sản xuất lớn trong ngành đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do đó tác động đến các doanh nghiệp trong ngành cũng tác động đến hiệu quả đầu tư vốn nhà nước và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - VCCI phát biểu tại Tọa đàm về thuốc lá. Ảnh: Hà Anh

Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - VCCI phát biểu tại Tọa đàm về thuốc lá. Ảnh: Hà Anh

Bên cạnh việc giảm hiệu quả và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế như những phân tích kể trên, việc điều chỉnh thuế cũng sẽ làm tăng chi phí để xử lý các hệ quả, dẫn đến lãng phí.

Một ví dụ tại Malaysia - một quốc gia khá tương đồng với Việt Nam về các hoạt động kinh tế, sau khi Chính phủ nước này tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được cho là khá sốc đối với thuốc lá vào giai đoạn 2014 - 2015, thuốc lá lậu tại quốc gia này đã gia tăng đến mức gần 2/3 tổng số thuốc lá bán ở Malaysia vào năm 2020. Điều này cũng có thể xảy ra đối với Việt Nam. Vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến thất thu ngân sách và những tác hại nặng nề đến sức khỏe cũng như chi phí của người bệnh liên quan đến thuốc lá do thuốc lá lậu không được kiểm soát về chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành thuốc lá cũng có nguy cơ thiệt hại, đặc biệt là những lao động và nông dân (khoảng 1,1 triệu người) trong chuỗi cung ứng.

Ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó”, ông Vi Nông Trường chia sẻ.

Mức tăng thuế và lộ trình hợp

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Thế nhưng cần có những giải pháp bổ trợ đi kèm, tính toán hợp lý về mức tăng, lộ trình thực hiện phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để hỗ trợ tính ổn định và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, cần cân nhắc yếu tố về nguồn lực, tài sản Nhà nước đã đầu tư cho ngành thuốc lá để tránh lãng phí, và các đối tượng khác như sinh kế của nông dân vùng trồng nguyên liệu, các doanh nghiệp phụ trợ ...

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng gợi ý tăng theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 năm, trong khoảng thời gian giữa hai lần tăng thuế thì tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vấn đề cần tuyên truyền.

Khoảng cách thời gian như vậy sẽ tạo thuận lợi để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của mặt hàng này cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường gợi ý tăng thuế theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau 5 năm và kết hợp với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá. Ảnh: Hà Anh

Đại biểu Hoàng Văn Cường gợi ý tăng thuế theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau 5 năm và kết hợp với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá. Ảnh: Hà Anh

Còn ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, tăng thuế là cần thiết song cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện.

Theo ông Nghĩa, việc tăng thuế có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.

“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.” - ông Hồ Lê Nghĩa đề xuất.

Theo các chuyên gia, đối với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong giai đoạn này, cần đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; đưa ra mức tăng thuế phù hợp và giãn tiến độ tăng thuế - cân nhắc tới phương án đề xuất của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhằm cân bằng lợi ích các bên liên quan.

Hà Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-dong-tinh-dieu-chinh-thue-thuoc-la-nhung-can-lo-trinh-phu-hop-374638.html
Zalo