Thương binh Võ Văn Hảo: Tự hào vì đã được góp sức cho non sông thống nhất
Hơn 13 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều trận đánh ác liệt từ Bắc vào Nam cùng đồng đội, ngày trở về người lính trận Võ Văn Hảo mang trên mình nhiều thương tật, nhưng với ông đó là quãng thời gian đầy đẹp đẽ, vinh quang và tự hào vì đã được góp sức mình cho non sông thống nhất.
Tháng 4 với sự tình cờ, PV được gặp và trò chuyện cùng người lính trận năm xưa – Thương binh Võ Văn Hảo (SN 1950) ở thôn Hợp Tiến, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Trong ngôi nhà nhỏ ngăn nắp, người lính năm xưa nay đã 75 tuổi, chậm rãi kể về đời lính của mình, những tháng năm gian khó nhưng đầy huy hoàng.
Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Đoàn 22, Quân khu 4. Sau khoảng thời gian huấn luyện gấp rút, cuối năm 1968, ông cùng đồng đội được bổ sung vào Trung đoàn 246 - Mặt trận B5 tham gia chiến trường Quảng Trị. Đây cũng là những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu trên các chiến trường ở Quảng Trị gắn với những địa danh: Lâm Xuân, Đại Độ, Đinh Tổ, Bắc Cửa Việt, Cam Lộ, Ngã Tư Sòng, Đường 9 - Khe Sanh…
“Đây là quãng thời gian đầy gian nan, khó khăn và vất vả, mà những người lính trẻ mới nhập ngũ như chúng tôi phải trải qua, đối mặt với bom đạn của kẻ thù, “mưa dầm, cơm vắt” trong rừng, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt... Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi, ai ai cũng vững một niềm tin, một ý chí quật cường, chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước”, thương binh Võ Văn Hảo bồi hồi nhớ lại.

Thương binh Võ Văn Hảo.
4 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đầy ác liệt, trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ, chứng kiến những người đồng đội của mình hy sinh, bản thân cũng bị vùi lấp bởi bom đạn, phải mang thương tật 41%, nhưng ý chí người lính trẻ Võ Văn Hảo không hề nao núng, quyết hi sinh tất cả để đánh đuổi kẻ thù. Năm 1972, ông được đơn vị cử đi học tại Trường Sỹ quan Công binh.
Tháng 1/1974, đeo trên vai quân hàm Thiếu úy, người lính trẻ Võ Văn Hảo được bổ sung vào Tiểu đoàn 17 – Công binh – Sư đoàn 316 tham gia chiến trường Tây Nguyên và sau đó trực tiếp chiến đấu giải phóng Buôn Ma Thuột. Giai đoạn này, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi, Chiến dịch Tây Nguyên với trận mở màn Buôn Ma Thuột được xác định là khâu then chốt để đảm bảo thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975.
Kể về trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, ánh mắt người thương binh Võ Văn Hảo chợt lóe sáng, ở đó có cả sự hào hùng, khí thế của một người lính chiến trận, có cả những nỗi đau khi chứng kiến đồng đội ngã xuống…
Chiếm đóng Buôn Ma Thuột lúc này là lực lượng lớn quân địch gồm Trung đoàn bộ binh 53, sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các đơn vị trực thuộc, 3 tiểu đoàn và một số đại đội bảo an, sở chỉ huy Liên đoàn Biệt động quân 296, cơ quan hành chính và Ban chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk, hậu cứ Thiết đoàn 8 và các trung đoàn 44, 45, một tiểu đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh cùng lực lượng cảnh sát, dân vệ…

Những Huy hiệu cao quý trong đời binh nghiệp của thương binh Võ Văn Hảo.
Ðể thực hiện quyết tâm giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên xác định trong thời gian Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đánh Đức Lập, Thuần Mần, Cấm Ga. Sư đoàn 316 sẽ được tăng cường mạnh về binh khí kỹ thuật phối hợp Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325), Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) tiến hành tiến công tiêu diệt địch ở Buôn Ma Thuột.
“2 giờ sáng 10/3, ông Hảo cùng đồng đội nhận lệnh đồng loạt tiến công Buôn Ma Thuột. Đêm tối nhưng khí thế ngợp trời, pháo, đặc công, các đoàn xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, cao xạ, và bộ binh đồng loạt tấn công vào trận địa. Đến 7 giờ sáng 10/3, quân ta bắt đầu mở cuộc tiến công vào thị xã bằng bốn mũi và một mũi thọc sâu với xe tăng, xe thiết giáp và được pháo binh chi viện. Trải qua hơn 30 giờ đồng hồ chiến đấu, từ 2 giờ sáng 10/3 đến 11 giờ sáng 11/3/1975, ta đã giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột”, ông Võ Văn Hảo kể lại.
"Dành được chiến thắng mừng lắm nhưng cũng khổ tâm lắm, đồng đội người nằm lại, người thương tật… Dẫu bước vào mỗi trận đánh chẳng ai biết được và cũng không ai màng đến chuyện sống – chết nữa. Anh em hay khuyên nhau “Khi vào mặt trận là không nghĩ gì hết”, bản thân tôi cũng không nghĩ mình còn may mắn sống đến ngày hôm nay…”, thương binh Võ Văn Hảo xúc động nói.
Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ông cùng đơn vị tiếp tục nhận nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến những giây phút cuối cùng sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và niềm vui chiến thắng của quân dân Việt Nam. Ngay sau khi Tây Nguyên được giải phóng, đơn vị ông được hợp thành Quân đoàn 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Thương binh Võ Văn Hảo và vợ là bà Đào Thị Tân.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu nhất của chiến dịch từ Tây Bắc vào Sài Gòn, đơn vị ông gấp rút được điều động về Tây Bắc Sài Gòn tham gia chiến dịch. Từ Tây Ninh, Củ Chi đánh vào Sài Gòn, Quân đoàn 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, lần lượt đánh chiếm và làm chủ Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Đồng Dù, Hóc Môn, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Ngày 30/4/1975, khi cùng đơn vị đang chiến đấu tại phía Tây Bắc Sài Gòn, chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, khát vọng Hòa bình và Thống nhất mà cả dân tộc đằng đẵng chờ đợi đã trở thành hiện thực”, thương binh Võ Văn Hảo nói.
Sau khi thống nhất hai miền Nam – Bắc, ông Hảo chuyển về Trung Đoàn 174 – Sư đoàn 316, rồi tháng 6/1975, đơn vị ông chuyển quân ra Bắc. Năm 1979, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ tại cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc. Đến năm 1981, do sức khỏe yếu từ vết thương nên ông xin về theo diện mất sức lao động Quân đội với cấp bậc Trung úy, lúc đó giữ chức vụ Chủ nhiệm Công binh Trung đoàn 174 –Sư đoàn 316, Quân đoàn 29 – Quân khu 2.
Quá trình chiến đấu và bảo vệ tổ quốc, ông đã được Đảng và nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen, huân, huy chương cao quý như: Huân chương kháng chiến hạng Ba vì đã có công lao to lớn trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước; Ba huân chương chiến sĩ vẻ vang (Nhất, nhì, ba); Huy chương Chiến sĩ giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ; Huy hiệu 1973, Xuân 1975 và Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh; Trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng ba… Hiện là bệnh binh 1/3, thương binh 3/4 và đã có 49 năm tuổi Đảng.

Trở về địa phương, ở cương vị nào ông cũng được cấp trên tín nhiệm, bà con nhân dân yêu quý.
Trở về địa phương, ông lập gia đình cùng bà Đào Thị Tân và có 5 người con, tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương, trải qua nhiều công việc như làm công tác chính sách của xã, Chi hội trưởng Cựu chiến binh rồi Người cao tuổi… Ở cương vị nào ông cũng được cấp trên tín nhiệm, bà con yêu quý.
Nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của thương binh Võ Văn Hảo, niềm tự hào luôn dâng trào mỗi khi nhắc đến thời binh nghiệp của mình, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời, cũng xen lẫn trong ông những nỗi niềm xúc động, mỗi khi nhớ đến sự hy sinh to lớn của đồng đội, trong đó nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh ngay trước thời khắc giành chiến thắng.
Tháng 4 lịch sử với những cảm xúc hân hoan khó tả, được người lính trận năm xưa kể lại hào hùng như một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.