Hội thảo khoa học toàn quốc '50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc'

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề '50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc'.

Hội thảo do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT; GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại 10 Hội VHNT chuyên ngành trung ương, các Hội VHNT tỉnh, thành phố trên cả nước; các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình về VHNT…

GS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Vương Duy Biên, GS.TS Lê Hồng Lý đồng chủ trì hội thảo.

GS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Vương Duy Biên, GS.TS Lê Hồng Lý đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, hội thảo nhằm đánh giá khái quát thực trạng VHNT Việt Nam 50 năm qua, nhìn nhận một cách tổng thể các hoạt động trong các lĩnh vực, từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ dân tộc thiểu số. Hội thảo cũng là dịp để các Hội VHNT chuyên ngành trung ương, các hội VHNT tỉnh, thành phố, các văn nghệ sĩ đề xuất, kiến nghị những chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi và không gian sáng tạo tự do, dân chủ, tạo cảm hứng để văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, hăng say sáng tạo ra những công trình có giá trị cao, phục vụ nhân dân, đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Vương Duy Biên đề nghị, hội thảo không chỉ nhằm tổng kết những thành tựu VHNT Việt Nam đóng góp cho đất nước trong 50 năm qua mà còn cần “định vị” vị trí của VHNT Việt Nam, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với đất nước trong bối cảnh mới. Cũng theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, mặc dù VHNT Việt Nam đã có nhiều thành tựu nhưng chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc, đỉnh cao như mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đây cũng là vấn đề cần được bàn thảo tại hội thảo để trong thời gian tới, VHNT không chỉ phản ánh hiện thực, đồng hành cùng đất nước mà còn cần phải có tính dự báo…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận Phê bình VHNT trao đổi tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận Phê bình VHNT trao đổi tại hội thảo.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tham luận tại hội thảo.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đánh giá thực trạng VHNT Việt Nam 50 năm qua, đề xuất các giải pháp phát triển VHNT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khẳng định, VHNT Việt Nam 50 năm qua đã có bước phát triển vượt bậc. Đây là một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam mới, hội nhập vào nền văn hóa, văn minh của nhân loại tiến bộ, chuộng công lý, yêu hòa bình, bình đẳng cùng phát triển. Các chuyên ngành VHNT Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: sáng tạo, nghiên cứu lý luận - phê bình, biểu diễn, quảng bá tác phẩm... Các văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ, các dân tộc ở khắp các vùng miền đã gắn bó với đời sống hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực sáng tạo những tác phẩm vươn tới những đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật, có giá trị nhân văn cao đẹp, dồi dào bản sắc dân tộc độc đáo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận Phê bình VHNT đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ, kỹ năng, phương thức, phương pháp công tác của bộ máy lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp. Tạo bước đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bắt kịp nhịp sống và hơi thở của dân tộc và thời đại…

TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đề xuất đổi mới tư duy quản lý VHNT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm quyền tự do sáng tác trong khuôn khổ pháp luật và định hướng chính trị đúng đắn. Đẩy mạnh phản biện nghệ thuật một cách lành mạnh, có trách nhiệm. Tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-50-nam-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-i766098/
Zalo