Thuế quan Mỹ làm gián đoạn chuỗi cung ứng vũ khí của Ukraine thế nào?
Cuộc đối đầu thương mại do Mỹ khởi xướng không chỉ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, mà còn có thể khiến Ukraine thiếu vũ khí ngay thời điểm then chốt, đẩy NATO vào thế bị động.

Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nhà máy sản xuất vũ khí và đạn dược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phải nỗ lực hết mình để tăng cường sản lượng. Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org), nhiều quốc gia châu Âu cũng đã gần như cạn kiệt kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết từ tiền tuyến của Ukraine. Trong bối cảnh đó, sự leo thang của cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, bao gồm các biện pháp thuế quan trả đũa và lệnh cấm xuất khẩu, có nguy cơ gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng vũ khí quan trọng đối với quốc phòng Ukraine.
Các mức thuế quan trên diện rộng được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đối với nhiều quốc gia và ngành công nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả sâu rộng với Ukraine. Từ các loại vũ khí tiên tiến sử dụng khoáng sản đất hiếm có nguồn gốc từ Trung Quốc cho đến đạn dược cơ bản, việc giảm nguồn cung có thể hạn chế đáng kể các hoạt động quân sự của Ukraine vào thời điểm then chốt này. Tác động của thuế quan không chỉ làm tăng áp lực lên ngân sách quốc phòng mà còn có khả năng định hình lại động lực của ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.
Để minh họa rõ hơn, chúng ta có thể xem xét trường hợp của ngành công nghiệp quốc phòng Bosnia và Herzegovina. Quốc gia này nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, giữa tham vọng của NATO và ảnh hưởng của Nga. Bosnia và Herzegovina có năng lực sản xuất cả vũ khí và đạn dược theo tiêu chuẩn của cả NATO và Liên Xô, phục vụ nhiều khách hàng ở Trung Đông, châu Phi và các khu vực khác.
Mặc dù chưa phải là thành viên NATO, Bosnia và Herzegovina là một quốc gia đối tác và ngày càng đóng góp gián tiếp vào nỗ lực duy trì cuộc chiến của Ukraine. Mỹ hiện là nước mua nhiều đạn dược do Bosnia và Herzegovina sản xuất nhất, và dù không xuất khẩu trực tiếp sang Ukraine, các lô hàng vẫn được thực hiện thông qua các bên trung gian. Hồ sơ cho thấy Mỹ đã đầu tư đáng kể vào việc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vũ khí của Bosnia và Herzegovina, đặc biệt là vũ khí hạng nhẹ và đạn dược.
Các công ty quốc phòng như Regulus Global đánh giá Bosnia và Herzegovina là một cơ sở sản xuất hiệu quả về chi phí, với lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng quốc phòng từ thời Nam Tư. Nhà phân tích quân sự người Bosnia và Herzegovina, Antonio Prlenda, lưu ý rằng chỉ một thập kỷ trước, ít ai ngờ rằng Mỹ sẽ tham gia sâu rộng vào ngành công nghiệp quốc phòng của Bosnia và Herzegovina như vậy. Ông cho biết các nhà đầu tư Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục các nhà máy ngừng hoạt động, chủ yếu với Ukraine là bên sử dụng cuối cùng.
"Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu về thiết bị pháo binh tăng cao, và ngành công nghiệp quốc phòng Bosnia và Herzegovina luôn nổi tiếng với các loại pháo, đạn pháo, thuốc nổ và ngòi nổ chất lượng cao. Và đột nhiên nhu cầu về loại thiết bị đó tăng cao trở thành hiện thực", chuyên gia Prlenda nói.
Tuy nhiên, việc áp dụng các mức thuế mới có thể làm phức tạp các liên doanh, hợp đồng mua sắm và dòng chảy xuất khẩu giữa Mỹ và Bosnia và Herzegovina, có khả năng thúc đẩy Bosnia và Herzegovina tìm kiếm quan hệ đối tác quốc phòng với các đồng minh không thuộc Mỹ. Thuế quan cũng có thể làm tăng chi phí cho các sản phẩm quốc phòng của Bosnia và Herzegovina, khiến chúng kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu nhạy cảm về giá. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu từ người mua Mỹ và các đối tác NATO, tạo cơ hội cho các tác nhân khu vực khác.
Về mặt chính trị, thuế quan có thể được sử dụng để tách ngành quốc phòng của Bosnia và Herzegovina khỏi các ưu tiên của NATO, hướng sự tập trung sang các khách hàng ở Trung Đông, châu Phi hoặc châu Á. Với vai trò ngày càng tăng của Bosnia và Herzegovina trong việc cung cấp đạn dược và vũ khí nhỏ cho các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, đây sẽ là một bước lùi đáng kể cho ngành công nghiệp quốc phòng đang trên đà phục hồi của nước này.
Ông Prlenda giải thích rằng ngành công nghiệp quốc phòng Bosnia và Herzegovina đang chuyển hướng sang các loại vũ khí tương thích với NATO và phù hợp với xu hướng chiến trường hiện đại như thiết bị bay không người lái (UAV) và hệ thống không người lái để duy trì khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức nghiêm trọng như nền tảng công nghiệp suy thoái, nguồn tài trợ nghiên cứu và phát triển hạn chế và thiếu sự hỗ trợ của thể chế. Ông cũng cho biết do tình hình chính trị phức tạp của Bosnia và Herzegovina, các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng "không thể trông cậy quá nhiều vào sự hỗ trợ ngoại giao từ chính phủ, và điều đó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều đối với họ".
Tác động của thuế quan Mỹ không chỉ giới hạn ở Bosnia và Herzegovina. Việc áp dụng thuế quan vào chuỗi cung ứng quốc phòng phức tạp và đa quốc gia, vốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu kim loại, quang học, thiết bị điện tử và nhiên liệu, có nguy cơ gây ra sự chậm trễ và chi phí vượt mức trên toàn cầu. Bosnia và Herzegovina chỉ là một mắt xích nhỏ trong mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine. Thuế quan nhắm vào hệ thống cung ứng và xuất khẩu nhạy cảm này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng và không mong muốn.
Bản thân các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng có thể phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp toàn cầu. Thuế quan có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn vật liệu, chậm trễ sản xuất và gián đoạn thời gian giao hàng. Điều này có thể làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thị trường quốc phòng toàn cầu và khuyến khích các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào hệ thống của Mỹ, hướng tới "friendshoring" - tìm nguồn cung ứng từ các đồng minh địa chính trị đáng tin cậy.
Chuyên gia Prlenda nhận định: "Tôi hiểu rằng đối với thiết bị của Mỹ, tác động này sẽ không lớn, nhưng đối với các linh kiện được chuyển từ các nơi khác đến Mỹ thì chắc chắn sẽ làm tăng giá và sẽ gây khó khăn cho việc mua một số thiết bị sẽ được gửi đến Ukraine".
Tóm lại, thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến những nỗ lực trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine bằng cách tăng chi phí hoặc giảm khối lượng viện trợ có thể cung cấp. Nếu việc giao hàng của Mỹ bị chậm trễ hoặc giảm, các nước châu Âu có thể cần phải thu hẹp khoảng cách, có khả năng gây ra căng thẳng mới về việc chia sẻ chi phí trong NATO. Kết quả là, Ukraine và những người ủng hộ có thể bắt đầu coi Mỹ là một đối tác kém tin cậy hơn. Mặc dù viện trợ chung không có nguy cơ sụp đổ ngay lập tức, Nga có thể khai thác những rạn nứt mới nổi này giữa các đồng minh phương Tây.