THEO DÒNG THỜI SỰ: Bước tiến nhỏ cho bài toán lớn

Thế giới cuối tuần qua đổ dồn sự chú ý về thành phố Geneva của Thụy Sĩ, nơi diễn ra cuộc đàm phán thương mại mang tính quyết định được chờ đợi từ lâu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Kết quả của cuộc đàm phán này không chỉ góp phần định hướng lại mối quan hệ thương mại song phương, mà còn có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo trong cuộc chiến thuế quan do Washington khơi mào. Những người lạc quan nhất cũng không kỳ vọng mọi bất đồng sẽ sớm được hóa giải triệt để, song kết quả tích cực ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên của phái đoàn cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã mang lại hy vọng tìm ra lối thoát cho căng thẳng đang đẩy trật tự thương mại thế giới tới bờ vực đổ vỡ.

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hơn 15 giờ đàm phán, hai nước nhất trí tạm thời giảm thuế đánh vào hàng hóa của nhau trong 90 ngày. Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%. Đổi lại, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ chịu thuế 10% thay vì 125% như hiện nay. Washington và Bắc Kinh cũng cam kết thành lập cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại.

Mức giảm thuế mà Mỹ và Trung Quốc đạt được sau cuộc gặp tại Geneva được đánh giá là bất ngờ, dù các nhà phân tích trước đó đã dự đoán nội dung đàm phán sẽ xoay quanh vấn đề thuế quan. Trước đó, tuyên bố trước thềm đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “mức thuế quan 80% đối với Trung Quốc có vẻ hợp lý” đã nhen nhóm hy vọng cho thị trường toàn cầu. Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí giảm thuế sâu ngay trong cuộc gặp đầu tiên sau thời gian dài vừa thể hiện thiện chí của đôi bên, vừa khẳng định rằng mức thuế 3 con số tương đương “lệnh cấm vận” và đây là tình huống “thua-thua” đối với cả Washington và Bắc Kinh.

Dù chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng kết quả cuộc đàm phán là bước ngoặt quan trọng sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Những đòn "ăn miếng trả miếng" về thuế quan đã thổi bùng căng thẳng thương mại vốn âm ỉ suốt 7 năm qua, đẩy quan hệ song phương vào thế đối đầu nguy hiểm và gây ra sự đảo lộn trong thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Eric Kuby, Giám đốc đầu tư tại North Star Investment Management, nhận định: "Đây là bước đi đúng hướng, cho thấy cả hai bên đều quan tâm đến việc đi đến kết luận mang tính xây dựng và phát triển mối quan hệ thương mại tốt đẹp". Theo ông, hướng đi này mang tính hợp tác nhiều hơn là đấu tranh và thị trường nên xem đây là tín hiệu tích cực. Cùng quan điểm, ông Andrew Mattock, Giám đốc danh mục đầu tư tại Matthews Asia, cũng cho rằng bất kỳ tiến triển nào từ cuộc đối thoại ban đầu đều đáng hoan nghênh. Sự tiến triển giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực để tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước.

Ông Nathan Sheets từ Citigroup nhận xét các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận cho thấy rằng thuế quan cao không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia Jake Werner - Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Quincy vì Trách nhiệm quốc gia- đánh giá các cuộc đàm phán để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng là rất cần thiết và đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đã có thể vượt qua những tranh cãi.

Kết quả đàm phán tích cực vượt xa kỳ vọng sẽ tạo động lực cho kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, song còn quá sớm để “ăn mừng” Mỹ - Trung giải quyết thương chiến. Trong phát biểu ngay sau khi đàm phán kết thúc, giới chức Mỹ tuyên bố đã có một “thỏa thuận” để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi các đại diện từ Bắc Kinh tỏ ra thận trọng hơn khi nói hai bên đã đạt được được “sự đồng thuận quan trọng”. Dù đều thể hiện bước tiến tích cực, song ngôn ngữ khác biệt giữa Bắc Kinh và Washington có thể là chỉ dấu cho thấy quá trình đàm phán sẽ kéo dài và hai bên vẫn còn những khác biệt căn bản.

Giới quan sát vẫn bày tỏ thận trọng do chưa có cam kết cụ thể nào về việc giảm hay dỡ bỏ thuế. Điều này cho thấy sự hoài nghi về mức độ thực chất của việc giảm thuế và tác động lâu dài của động thái này. Chuyên gia Tianchen Xu, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu EIU, cho rằng nỗ lực đạt thỏa thuận toàn diện sẽ cần rất nhiều thời gian và có thể không mang lại kết quả như ý. Nguyên nhân là cả hai bên đều tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ các vấn đề liên quan đến ưu tiên chiến lược.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết căng thẳng thương mại là cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt giữa hai nước. Phía Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn về việc yêu cầu Trung Quốc thay đổi các chính sách công nghiệp, đặc biệt liên quan đến trợ cấp nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh. Washington cũng muốn Bắc Kinh có các cam kết rõ ràng và có thể kiểm chứng đối với cáo buộc về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng như kiểm soát việc xuất khẩu fentanyl – một vấn đề đang gây khủng hoảng nghiện ngập tại Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại xem các yêu cầu này là can thiệp vào chính sách nội bộ và vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong đàm phán.

Khác biệt tư duy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến các cuộc đàm phán không chỉ đơn thuần về vấn đề thương mại mà còn mang tính chất chiến lược, thậm chí là thể hiện quyền lực và tầm ảnh hưởng. Điều này càng khiến tiến trình đàm phán trở nên phức tạp, bởi mỗi nhượng bộ đều có thể bị xem là dấu hiệu “mềm yếu” về chính trị xét trong mắt công chúng.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Một yếu tố khác tác động tới đàm phán là bối cảnh chính trị nội bộ ở cả hai nước. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt với áp lực từ giới cử tri công nghiệp và các tổ chức công đoàn vốn ủng hộ mạnh mẽ chính sách bảo hộ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không dễ dàng lùi bước khi phải củng cố niềm tin, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi nước này ngày càng rõ rệt.

Khi Mỹ và Trung Quốc từng chỉ trích lẫn nhau gay gắt, việc quay trở lại bàn đàm phán là một tín hiệu cho thấy hai bên không muốn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả Washington và Bắc Kinh đều ý thức được rằng với sự phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ không bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Hơn nữa, vai trò dẫn dắt của hai nền kinh tế đầu tàu buộc cả hai phải kiềm chế những hành động có thể khiến hệ thống thương mại tự do toàn cầu sụp đổ. Việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn mới cũng là một bước đi mang ý nghĩa chiến lược, cho phép duy trì kênh đối thoại bất kể những biến động chính trị, qua đó giảm nguy cơ bất đồng leo thang thành xung đột lớn. Trong bối cảnh các cơ chế thương mại đa phương đang suy yếu, việc duy trì liên lạc cấp cao song phương là giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn các kịch bản xấu nhất.

Chưa thể khẳng định căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào thời kỳ hạ nhiệt. Mặc dù vậy, cuộc đàm phán thương mại tại Geneva đã đánh dấu bước tiến nhỏ nhưng mang tính biểu tượng để thu hẹp những bất đồng về mặt chiến lược giữa hai bên. Lịch sử thương mại giữa hai nước đã ghi nhận vai trò của những bước tiến nhỏ như vậy. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump từng bị đánh giá là mong manh và thiếu tính ràng buộc, nhưng trên thực tế đã góp phần làm dịu căng thẳng trong hơn một năm. Tương tự với thỏa thuận vừa đạt được tại Geneva, thế giới kỳ vọng sẽ có thêm thời gian để các bên đưa ra những chính sách phù hợp và chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra trong tương lai.

Rất khó để kỳ vọng một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi sự cạnh tranh chiến lược đã ăn sâu vào cấu trúc của quan hệ song phương. Tuy nhiên, các cơ chế kiểm soát rủi ro, các cuộc tiếp xúc thường kỳ và sự minh bạch trong chính sách là những công cụ hữu hiệu để ngăn chặn cuộc chiến tranh thương mại kéo dài và lan rộng.

Cuộc đàm phán tại Geneva đã đặt nền móng quan trọng, xác lập đường ray cho một tiến trình đối thoại dài hơi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong thế giới ngày càng bất định hiện nay, việc duy trì các nhịp cầu đối thoại chính là điều kiện tiên quyết để tránh rơi vào vòng xoáy đối đầu không lối thoát. Kết quả tích cực của cuộc đàm phán gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng dù đối đầu, Mỹ và Trung Quốc vẫn có lợi ích chung trong việc duy trì một trật tự thương mại ổn định và có thể dự đoán.

Trà Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/theo-dong-thoi-su-buoc-tien-nho-cho-bai-toan-lon-20250512191713844.htm
Zalo