Ám ảnh về bản đồ của ông Trump
Với tư duy địa ốc và khát khao mở rộng quyền lực, Donald Trump đang biến bản đồ thành vũ khí chính trị, gây ra những sóng gió ngoại giao từ Canada đến Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã sử dụng bản đồ trong thông điệp chính trị của mình. Bây giờ, nó đang có tác động địa chính trị thực sự. Ảnh: Reuters.
Tuần vừa qua, cuộc tranh luận căng thẳng giữa ông Trump và Thủ tướng Canada Mark Carney về việc biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ không chỉ khiến giới ngoại giao ngỡ ngàng mà còn phơi bày một thực tế: Tổng thống Mỹ đang sử dụng bản đồ như công cụ chính trị, vừa để khẳng định sức mạnh, vừa làm phức tạp thêm quan hệ đối ngoại, Politico nhận định.
Từ việc muốn sáp nhập Greenland, "thu hồi" kênh đào Panama, đến việc gọi Gaza là "bất động sản ven biển", ông Trump đang tái định nghĩa địa chính trị toàn cầu bằng lối tư duy địa ốc.
Trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục hôm 6/5, ông Trump nói với ông Carney: "Tôi là người phát triển bất động sản từ trong máu. Khi loại bỏ ranh giới nhân tạo... nhìn toàn cảnh hợp nhất, đó là một hình ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp".
Tư duy bản đồ từ góc nhìn địa ốc
Ông Trump từng chia sẻ năm 2022 với hai nhà báo Peter Baker và Susan Glasser rằng: "Tôi yêu bản đồ. Và tôi luôn nói: ‘Hãy nhìn Greenland mà xem. Nó khổng lồ. Lẽ ra phải thuộc về nước Mỹ'".
Với Trump, bản đồ không chỉ là công cụ định hướng mà còn là vũ khí tuyên bố chủ quyền. Ông nhiều lần đề xuất Mỹ "thu nhận" Greenland, biến Canada thành bang thứ 51, "lấy lại" kênh đào Panama và "sở hữu" Dải Gaza.
Ông từng gây tranh cãi với truyền thông khi yêu cầu gọi vịnh Mexico là “Vịnh Mỹ”, bất chấp tên gọi này đã tồn tại hàng thế kỷ trước khi nước Mỹ ra đời. Tuần tới, trong chuyến đi tới Trung Đông, ông Trump cũng đang cân nhắc đổi tên “Vịnh Ba Tư” thành “Vịnh Arab”, đúng theo cách gọi của Saudi Arabia, UAE và Qatar - các quốc gia trong lộ trình công du của ông.
Theo giáo sư Karl Offen, chuyên gia địa lý tại Đại học Syracuse, bản đồ và chính trị gắn liền với nhau từ buổi đầu. Đặt tên là tuyên bố chủ quyền. Và trong trường hợp của ông Trump, những cái tên mới không chỉ gây tranh cãi mà còn kéo theo hệ lụy địa chính trị thực sự.
Tại Canada, phát ngôn “bang thứ 51” đã trở thành đề tài trọng tâm của bầu cử. Ở Greenland, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra phản đối ý đồ của Mỹ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum dọa kiện Google vì hiển thị “Vịnh Mỹ” trên bản đồ. Ngoại trưởng Iran cảnh báo nếu ông Trump thực hiện đổi tên Vịnh Ba Tư, toàn dân Iran sẽ nổi giận”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Thủ tướng Canada kiên quyết phản đối ý kiến "sáp nhập" Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trong suốt hai nhiệm kỳ không liên tiếp, ông Trump luôn sử dụng bản đồ chính trị, đặc biệt là bản đồ bầu cử chia theo hạt, để củng cố tính chính danh. Dù thua phiếu phổ thông năm 2016, ông vẫn trình bày bản đồ đầy sắc đỏ trong Phòng Bầu dục, thậm chí từng dùng bút Sharpie vẽ lại đường đi của bão để hỗ trợ tuyên bố sai lệch.
Sau khi tái đắc cử, Trump tiếp tục đăng nhiều bản đồ chính trị lên mạng xã hội, từ bản đồ “Vịnh Mỹ” đến hình ảnh Mỹ sáp nhập Canada. Tư duy địa chính trị giờ đây được ông đóng khung trong lăng kính bất động sản: gọi Gaza là “dự án ven biển lớn” và chia sẻ video do AI tạo ra mô phỏng một khu nghỉ dưỡng mang tên “Trump Gaza”.
"Đừng bao giờ nói không bao giờ"
Khi ông Trump mời tân Thủ tướng Canada đến Phòng Bầu dục, ông Carney đã khẳng định lập trường cứng rắn của mình về việc sáp nhập "bang thứ 51": “Trong bất động sản, có những nơi không bao giờ được rao bán”. Ông Trump đã mỉm cười đáp lại: “Đừng bao giờ nói không bao giờ”.
Ông Trump nhiều lần chỉ trích Canada "ăn chặn" Mỹ về kinh tế và khẳng định hai nước sẽ tốt hơn nếu hợp nhất. Ông cùng Phó Tổng thống JD Vance còn cho rằng Mỹ có lợi ích an ninh ở Greenland - nơi được xem là mắt xích chiến lược giữa Nga và Trung Quốc - và tầm quan trọng của Bắc Cực giàu tài nguyên ngày càng tăng khi băng tan mở ra tuyến hàng hải mới.
Tuy nhiên, một phần đam mê với Canada và Greenland có thể đến từ... kích thước trên bản đồ. Canada là quốc gia lớn thứ hai thế giới, còn Greenland là hòn đảo lớn nhất. Cả hai đều nằm ở vĩ độ cao, khiến chúng trông lớn hơn thực tế trên bản đồ kiểu Mercator - một dạng chiếu phổ biến nhất hiện nay.
“Nếu muốn giành thứ gì, hãy khiến nó trông thật to”, Ryan Weichelt, chủ nhiệm khoa Địa lý và Nhân học tại Đại học Wisconsin - Eau Claire, giải thích. “Đây là thủ pháp lâu đời trong bản đồ chính trị: Chọn kiểu bản đồ phù hợp để nhấn mạnh thông điệp”.
Từ phòng họp đến trường đua chó
Steven Cheung, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng, khẳng định với Politico: “Tổng thống Trump rất trân trọng địa lý và lịch sử. Chính quyền này đặt nước Mỹ lên hàng đầu".
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được phản ứng dữ dội. Chuyến thăm thủ đô Greenland hồi tháng 3 của Đệ nhị phu nhân Usha Vance, dự định tham dự giải đua chó kéo xe, đã bị hủy sau khi giới chức Greenland và Đan Mạch lên án đây là bước leo thang trong “tham vọng thôn tính” của ông Trump.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ trở thành một mảnh đất để bất kỳ ai mua đứt”, Thủ tướng Greenland Jens-Frederik Nielsen tuyên bố, báo hiệu phản ứng mà Thủ tướng Carney sau đó cũng lặp lại.

Giải đua chó kéo xe hồi tháng 3 tại Greenland mà Đệ nhị phu nhân Usha Vance dự kiến tham dự đã bị hủy bỏ sau khi giới chức Greenland lên án hành động của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, việc đặt tên “Vịnh Mỹ” đã làm dậy sóng đội ngũ báo chí Nhà Trắng. Các phóng viên và nhiếp ảnh của AP bị cấm tác nghiệp một số sự kiện sau khi hãng tin này từ chối sử dụng cách gọi mới trong sổ tay biên tập của mình. Một thẩm phán sau đó đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục quyền tác nghiệp của AP tại Nhà Trắng.
Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Iran đang diễn ra, ông Trump cho biết sẽ “quyết định” việc đổi tên Vịnh Ba Tư thành “Vịnh Arab” trong chuyến công du tới Trung Đông tuần tới. Ba quốc gia ông sẽ ghé thăm là Saudi Arabia, Qatar và UAE đều sử dụng cách gọi này, dù vùng biển trên cách xa nước Mỹ hơn 11.000 km.
“Tôi không muốn làm tổn thương ai”, ông Trump nói với phóng viên. “Nhưng tôi cũng không rõ liệu có ai cảm thấy bị xúc phạm không”.
Iran lập tức phản pháo, Ngoại trưởng Seyed Abbas Araghchi tuyên bố: “Đó sẽ là một bước đi thiển cận, và chỉ chuốc lấy cơn giận dữ của toàn dân Iran”.