Bị giam tại châu Âu, ông Duterte vẫn nắm chắc chiến thắng bầu cử thị trưởng ở Philippines

Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đang bị giam giữ tại The Hague (Hà Lan) và đối mặt với cáo buộc tội ác chống lại loài người, vẫn giữ được sự ủng hộ mạnh mẽ ở quê nhà.

Dù bị Tòa án Hình sự Quốc tế bắt giam, ông Duterte vẫn có uy tín lớn ở thành phố Davao quê hương ông. Ảnh ghép: gmanetwork.com

Dù bị Tòa án Hình sự Quốc tế bắt giam, ông Duterte vẫn có uy tín lớn ở thành phố Davao quê hương ông. Ảnh ghép: gmanetwork.com

Theo tờ New York Times, sáu tuần trước, một chiếc xe bán tải chất đầy hoa tươi đã dừng trước trung tâm giam giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague (La Haye, Hà Lan). Hàng loạt bưu thiếp chúc mừng sinh nhật cũng được gửi đến. Tất cả đều dành cho tù nhân mới nhất của trại giam: cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người bước sang tuổi 80 vào ngày 28/3. Ông đang bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người, và có thể sẽ phải sống nốt phần đời còn lại trong tù.

“Nơi đây ngập tràn hoa, và tôi phải mang bưu phẩm ra ngoài vì họ không biết xử lý thế nào”, luật sư của ông Duterte, Nicholas Kaufman, cho biết qua điện thoại. Ông nói rằng mình đã rời trại với ba bao thư từ mà tòa không thể kiểm duyệt kịp. Tại Philippines, hàng ngàn người mặc trang phục xanh lá – màu của đảng Duterte – đã đổ ra đường phố Davao để thể hiện sự ủng hộ.

Dù từng ra lệnh thực hiện chiến dịch chống ma túy khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, ông Duterte vẫn rất được lòng dân chúng. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 12/5, ông được kỳ vọng sẽ dễ dàng tái đắc cử chức Thị trưởng Davao trong nhiệm kỳ thứ 8. Hiện tại, ông vẫn đủ điều kiện để tranh cử.

Việc ông Duterte bất ngờ bị bắt giữ và dẫn độ sang The Hague hồi tháng 3 năm nay đã làm chia rẽ sâu sắc dư luận trong nước. Ngay sau vụ bắt giữ chấn động, tỷ lệ ủng hộ ông Marcos giảm mạnh, từ 42% xuống còn 25%, theo khảo sát của Pulse Asia. Trong khi đó, con gái ông Duterte – đương kim Phó Tổng thống Sara Duterte – lại tăng điểm từ 52% lên 59%. Sara Duterte từ lâu đã được xem là ứng viên tổng thống tiềm năng. Nhưng cuộc bầu cử lần này, trong đó một nửa ghế Thượng viện sẽ được quyết định, có thể là bước ngoặt đối với bà. Bà Sara đang bị luận tội với nhiều cáo buộc, từ tham nhũng, âm mưu ám sát Tổng thống Marcos, dính líu đến các vụ giết người trong chiến dịch ma túy, đến kích động nổi loạn.

Bà Sara hiện tiếp tục đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thống cho đến khi có phán quyết cuối cùng từ Thượng viện, nơi cần đạt được đa số 2/3 (16/24 thượng nghị sĩ) để kết tội bà.

Bà Sara Duterte, con gái ông Duterte, đã bị Hạ viện Philippines luận tội vào ngày 5/2. Ảnh: gmanetwork.com

Bà Sara Duterte, con gái ông Duterte, đã bị Hạ viện Philippines luận tội vào ngày 5/2. Ảnh: gmanetwork.com

Gia tộc Duterte vẫn vững vàng ở Davao giữa sóng gió quốc tế

Tại Davao – nơi ông Duterte được người dân tôn sùng sau 22 năm làm thị trưởng – gia tộc của ông vẫn phát triển mạnh. Con trai ông, Sebastian, gần như chắc chắn sẽ thắng cử chức Phó thị trưởng và sẽ thay cha điều hành thành phố nếu ông Duterte tái đắc cử. Ít nhất bảy thành viên trong gia đình ông có thể giữ các chức vụ trong chính quyền địa phương.

Lần đầu tiên, ba gia tộc chính trị – Nograles, Garcia và Al-ag – đã liên minh để thách thức nhà Duterte, dù từng là đồng minh. Nhưng ngay cả Bernie Al-ag – hiện đang tranh cử chống lại Sebastian Duterte – cũng không giấu nổi sự cảm thông: “Tôi vẫn xem ông ấy như một người cha. Tôi luôn cầu nguyện cho ông”, ông Al-ag nói.

Mags Maglana, một nhà hoạt động xã hội đang tranh cử ghế Quốc hội chống lại Paolo Duterte – một người con trai khác của ông Duterte – cho biết trước vụ bắt giữ, người dân Davao có thể phân biệt giữa ông Duterte và những người thân cận. Nhưng giờ, bà cho rằng “làn sóng cảm thông dành cho người cha sẽ lan sang cả gia đình.”

Phe ông Duterte đã tận dụng vụ kiện tại The Hague như một công cụ vận động tranh cử. Trong một cuộc mít tinh tại Manila hôm 8/5, video về vụ bắt giữ ông Duterte được chiếu công khai. Người ủng hộ mặc áo và giơ biểu ngữ ghi: “HÃY ĐƯA ÔNG ẤY TRỞ VỀ”. Bà Sara Duterte thì phát biểu rằng đất nước đang “trả giá vì đã chọn sai người lãnh đạo.”

“Điều đau lòng nhất là họ đã bắt cóc cựu tổng thống và vội vàng đẩy ông sang một đất nước khác để xét xử bởi người ngoại quốc”, bà Sara nói.

Cuộc sống trong trại giam quốc tế

Hà Lan – nơi đặt trụ sở ICC – khác xa cuộc sống quen thuộc của ông Duterte. Vấn đề đầu tiên là... đồ ăn. Không rõ khẩu phần cụ thể ra sao, nhưng trước đây cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor từng than phiền về đồ ăn “đặc châu Âu”.

Người phát ngôn ICC từ chối bình luận về đời tư của bị can. Tuy nhiên, theo luật sư Kaufman, ông Duterte than không quen đồ ăn và đã yêu cầu được cung cấp “thức ăn phù hợp văn hóa” – nghĩa là cơm. Bà Sara Duterte xác nhận rằng cha bà hiện được phục vụ cơm “nấu đúng chuẩn khẩu vị người Philippines.”

Gia đình ông cũng được phép gửi thực phẩm, bao gồm cả thứ đồ uống không thể thiếu: Coke Zero. Ông Duterte đã phàn nàn rằng chỉ được uống một lon mỗi ngày, trong khi nhu cầu thực tế là... hai.

Cuộc sống tại trại giam được quản lý nghiêm ngặt. Mỗi sáng, ông họp với luật sư Kaufman trong một phòng hội thảo. Buổi chiều, ông gặp gỡ người thân. Ông được tập thể dục tại phòng có sân chơi bóng rổ, tennis và cầu lông. Ngoài ra, còn có một khu vực sinh hoạt chung có bàn bi lắc. Theo hồ sơ, hiện có 6 người bị giam giữ tại đây.

Theo lời bà Sara, ông Duterte – một bệnh nhân tiểu đường – được các y tá theo dõi sức khỏe. Ông có thể đọc sách thư viện, sử dụng máy tính (không kết nối internet) để xem hồ sơ bào chữa, và gọi điện thoại đến các số đã được kiểm duyệt. Ông cũng có tivi để xem tin tức.

“Có người đùa rằng đó là Hilton 5 sao”, luật sư Kaufman nói, “Nhưng vẫn là nhà tù".

Trại giam nhỏ này nằm trong một nhà tù ở The Hague. Một cựu “cư dân” nổi tiếng là Laurent Gbagbo, cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà – người đầu tiên bị đưa ra xét xử tại ICC, nhưng sau đó được tuyên trắng án.

Trong hồ sơ gửi lên tòa đầu tháng này, luật sư Kaufman lập luận rằng vụ kiện ông Duterte không có cơ sở pháp lý vì Philippines đã rút khỏi Quy chế Rome – văn kiện thành lập ICC – trước khi cuộc điều tra được phê duyệt vào tháng 9/2021. Ông yêu cầu tòa trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Duterte.

Phiên điều trần xác nhận cáo trạng dự kiến diễn ra vào ngày 23/9.

Trong khi đó, tại Davao, hàng chục tình nguyện viên đã cắm trại trước nhà ông Duterte kể từ khi ông bị bắt. Janice Mahipus, 45 tuổi, một người bán hàng online, cho biết bà đã ngủ ở đó, ban đầu trên các tấm bìa, sau đó kê cả giường. “Chúng tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi vì chờ đợi ông ấy”, bà nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bi-giam-tai-chau-au-ong-duterte-van-nam-chac-chien-thang-bau-cu-thi-truong-o-philippines-20250512172330112.htm
Zalo