Thực hiện ngay những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trong kỷ nguyên vươn mình
Trong năm 2025, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ xác định phải chuyển đổi trạng thái, làm tiền đề xây dựng phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia góp phần phục vụ cuộc cách mạng chuyển đổi về bản chất dữ liệu, khai phá, phát huy tiềm năng của dữ liệu để dữ liệu thật sự trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đột phá “điểm nghẽn” về thể chế, dữ liệu
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Năm 2025, Bộ Chính trị đã xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trên cũng như căn cứ lộ trình Đề án 06, lộ trình triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025. Trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát, xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể.
![Lực lượng Công an đã tạo lập, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả VNeID thực hiện những dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh chóng, an toàn, mọi nơi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_5_51407736/dd66dc6fe3210a7f5330.jpg)
Lực lượng Công an đã tạo lập, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả VNeID thực hiện những dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh chóng, an toàn, mọi nơi.
Nhiệm vụ đầu tiên đặc biệt quan trọng được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ xác định cần phải tập trung giải quyết, đó chính là triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật đã được Quốc hội thông qua, trọng tâm là Luật Dữ liệu. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Dữ liệu thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Dữ liệu và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.
Cùng với đó, triển khai Luật Giao dịch điện tử. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy định của Luật Giao dịch điện tử; thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt sáng tạo, hiệu quả cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC); sớm có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa. Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông, trong đó nghiên cứu, bổ sung nội dung sử dụng tài khoản định danh điện từ mức độ 2 của công dân để đăng ký thuê bao. Các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung hoàn thiện các vấn đề pháp lý phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với việc nhanh chóng hoàn thiện, triển khai hiệu quả các luật, nghị định có liên quan, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng cho biết các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển dữ liệu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Đối với các bộ, ngành tập trung hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ (đơn vị chủ quản các Cơ sở dữ liệu quốc gia: Dân cư, Xuất nhập cảnh, Đăng ký doanh nghiệp, Cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước, TTHC) đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, phối hợp Bộ Công an đồng bộ dữ liệu về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Các dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, tài chính, đất đai, xây dựng… cũng phải được các bộ, ngành quản lý khẩn trương hoàn thành việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo đồng bộ dữ liệu về cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với 87 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã triển khai yêu cầu các đơn vị cập nhật đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, đồng bộ dữ liệu về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLCH về TTXH, Bộ Công an, thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Đối với 9 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang trong quá trình xây dựng, 14 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có kế hoạch xây dựng và 4 cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa có kế hoạch xây dựng, đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng lộ trình số hóa dữ liệu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khẩn trương hoàn thành.
Hiện nay, qua rà soát, Bộ Công an xác định dự kiến có 6.496 trường thông tin cần thu thập phục vụ các mục tiêu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết số 175. Trong đó có 2.311 trường thông tin đã số hóa, 2.385 trường thông tin đã số hóa một phần và 1.801 trường thông tin chưa được số hóa, thuộc trách nhiệm của 27 đơn vị bộ, ngành, cơ quan tổ chức. Do vậy, đề nghị các đơn vị khẩn trương số hóa, tạo lập dữ liệu, duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ đồng bộ về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đảm bảo các điều kiện để Đề án 06 “vươn mình”
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, một số địa phương cũng được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng lộ trình đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, rà soát TTHC, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa, trước mắt ưu tiên đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm các TTHC về cư trú như giải pháp tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đã triển khai trong thời gian vừa qua, trên tinh thần quận, huyện, xã, phường nào đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngay.
Bên cạnh pháp lý, dữ liệu, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành cần sớm đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ. Cụ thể, các bộ, ngành nằm trong định hướng cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy chủ động nghiên cứu phương án hợp nhất và nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, ngành mình, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm kế thừa các kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm duy trì hoạt động ổn định, liên tục, không để gián đoạn Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo việc thiết kế, đầu tư hiệu quả nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các cơ quan, đơn vị.
Để đảm bảo các yếu tố phục vụ cho hoạt động và triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả cao, Bộ Tài chính khẩn trương có lộ trình, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương để giải ngân nguồn vốn ngân sách trong năm 2024 và phương án triển khai trong năm 2025 theo quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất dự toán kinh phí triển khai Đề án 06 năm 2025 gửi về Bộ Tài chính tập hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền để đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải phải xác định mục tiêu và thực hiện đánh giá hiệu quả đo lường, định lượng được cụ thể, không định tính, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Yếu tố nhân lực nhất là nguồn nhân lực cao trong năm 2025 và giai đoạn mới phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh. Các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, trong đó có đào tạo chuyển đổi số cho các đồng chí lãnh đạo các cấp và đào tạo cho chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ tích hợp nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng vào Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Các bộ, ngành, địa phương hằng năm rà soát, đánh giá việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin kỹ năng số, an ninh an toàn trên môi trường điện tử trên nền tảng MOOC, đề xuất cắt giảm chi phí đào tạo truyền thống, tránh lãng phí, tốn kém.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng đề án chuyển đổi số có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo thực hiện xong và thành công trong thời gian từ nay đến hết năm 2025; huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực hợp pháp khác bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp vào nội dung đề án chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình.
Đối với các địa phương tập trung triển khai mô hình điểm tại các tỉnh, thành phố có đảo nghiên cứu triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phát triển du lịch… trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử. Nghiên cứu mô hình “ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính” của TP Hà Nội với hơn 600 thủ tục được thực hiện ủy quyền từ thành phố về tới cấp xã, từ đó rà soát, phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC đảm bảo người dân thuận lợi trong việc tiếp cận, thực hiện các TTHC.