Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương
Những năm qua, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến nay, cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể; nhất là ngành Nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế của thị trấn Phong Thổ được đánh giá có nhiều khởi sắc hơn so với những năm trước, đặc biệt, các ngành kinh tế dần phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Hết năm 2024, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 60 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực có hạt trên 902 tấn; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 6%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 118 tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên, UBND thị trấn Phong Thổ bám sát vào Nghị quyết HĐND huyện, thị trấn giao; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao chỉ tiêu cho từng thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ công chức phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đội ngũ cán bộ thôn, bản, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa thị trường; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vào đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp với bà con; từng bước hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, địa phương tận dụng kịp thời, hiệu quả các chính sách của tỉnh như Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ các hộ dân nguồn vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, cây con giống để triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Điển hình như gia đình anh Lê Quang Hải ở tổ dân phố Hữu Nghị, năm 2022 được hỗ trợ 60 thùng ong từ Nghị quyết 07. Nhờ đó, gia đình có động lực để nhân rộng đàn nuôi. Đến nay, phát triển hơn 200 thùng ong. Bên cạnh nuôi ong, khai thác lợi thế có khu vườn rộng vài hécta, vợ chồng anh Hải tập trung cải tạo, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng. Trong đó, trồng hơn 200 gốc thanh long, hơn 50 cây mít, bưởi và một số loại cây ăn quả khác như: chanh, ổi, dâu; nuôi 2 ao cá rộng hơn 2.000m2; làm chuồng trại nuôi lợn. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh lãi trên 120 triệu đồng.
Được biết, thời điểm này, thị trấn Phong Thổ đang đôn đốc nhân dân chăm sóc 120ha lúa đông xuân, ngô xuân hè; gần 200ha cây ăn quả; phát triển đàn gia súc hơn 12.900 con, đàn gia cầm 11.000 con; duy trì 5,1ha thủy sản. Khoanh nuôi, bảo vệ trên 2.212ha rừng để hưởng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trên địa bàn có mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhà màng với diện tích hơn 1ha trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn, măng tây…
Song song với phát triển nông nghiệp, tận dụng tiềm năng sẵn có ở địa phương, thị trấn quan tâm thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực. Khuyến khích nhân dân mang các sản phẩm nông sản ra chợ trung tâm, phố đi bộ bán; nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Phong Thổ có 32 doanh nghiệp, HTX hoạt động chủ yếu ở ngành thế mạnh như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung), khai thác khoáng sản: đá, cát; 253 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán hàng tạp hóa, thuốc, dịch vụ sửa chữa các loại xe, dịch vụ làm đẹp…
Thời gian tới, thị trấn Phong Thổ tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết của HĐND, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tăng cường công tác phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng; kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất gắn với công tác quản lý tài nguyên môi trường, khoáng sản. Phấn đấu, đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân của thị trấn Phong Thổ đạt 63 triệu đồng/người/năm.