Cô giáo Văn khởi nghiệp với sản vật của vùng đất Măng Đen

Chị Trần Thị Kim Huệ, SN 1985, chủ cơ sở 'Huệ Tâm Măng Đen' (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum) vừa làm giáo viên ở một trường THCS, vừa khởi nghiệp sản xuất. Chị đã không ngừng cố gắng mỗi ngày để có thể làm tròn cả hai vai.

 Chị Kim Huệ (bìa phải) giới thiệu sản phẩm của mình tại một hội chợ

Chị Kim Huệ (bìa phải) giới thiệu sản phẩm của mình tại một hội chợ

Làm mới món ăn quen thuộc

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Trần Thị Kim Huệ trở thành cô giáo dạy Văn ở một trường THCS tại thị trấn Măng Đen. Hài lòng với công việc giảng dạy của mình nhưng Kim Huệ vẫn muốn thử sức mình ở một lĩnh vực khác để phát triển bản thân và tăng thu nhập cho gia đình. Khi chia sẻ với chồng ý định này, cô được anh ủng hộ. Hai người cùng suy nghĩ, cân nhắc chọn mặt hàng gì để khởi nghiệp.

Nhận thấy vùng đất Măng Đen có đặc sản thịt hun khói với hương vị đặc biệt của hạt dổi, hạt mắc khén và các loại gia vị đặc trưng, Kim Huệ đã ấp ủ ý định khởi nghiệp với món đặc sản này. Bản thân cô cũng thường chọn món thịt hun khói để đãi khách và làm quà cho người từ nơi xa đến. Tuy nhiên, nếu cứ đi theo lối mòn thì sẽ giống như những cơ sở sản xuất khác, khó cạnh tranh nên Kim Huệ đã cố gắng tìm tòi một công thức chế biến riêng để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Vậy là sau giờ lên lớp, cô tranh thủ những ngày cuối tuần xuống các bản, làng, gặp gỡ những bậc cao niên để học hỏi kinh nghiệm, cố gắng làm mới món ăn quen thuộc này.

Vợ chồng chị Kim Huệ

Vợ chồng chị Kim Huệ

Năm 2022, chị Kim Huệ đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Sở Khoa học- Công nghệ phối hợp với Hội LHPN tỉnh Kon Tum tổ chức.

Việc chọn nguyên liệu là một khâu quan trọng trong chế biến thịt hun khói. Để có được độ mềm và ngọt vị thì thịt phải tươi; trước khi được giết mổ, con vật phải được nuôi theo phương pháp tự nhiên để cho ra thịt chắc. Khâu này đòi hỏi người mua phải có kinh nghiệm và chấp nhận bỏ vốn cao để có được hàng ngon. Một đòi hỏi khác trong quy trình chế biến là kỹ thuật hun khói làm sao để đạt được hương vị như mong muốn, không quá mặn cũng không quá khô.

Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, Kim Huệ đã gặp không ít thất bại, có mẻ thì chín không đều, mẻ lại xém đen... Có lần vào dịp cận Tết, vừa nhận được tháng lương, cô đã háo hức dồn tiền để làm mẻ thịt hun khói nhưng thành phẩm không như ý. Tiếc công sức và cả số tiền đã bỏ ra, hai vợ chồng lại động viên nhau "thôi, để nhà dùng, không phí". Thịt đã làm ra có thể ăn dần cho hết nhưng bao lo toan chi tiêu trong nhà thì không thể đợi. Sau mỗi lần thất bại, Kim Huệ lại tự nhủ mình cần cố gắng nhiều hơn.

Và sau 3 tháng, cô đã làm được sản phẩm ưng ý. Hai vợ chồng tự mình mang tới các điểm du lịch ở Măng Đen để giới thiệu với du khách. Thật bất ngờ, mẻ sản phẩm đó nhận được đánh giá tích cực từ người mua. Kim Huệ nhớ mãi, mẻ thịt hôm đó khoảng 8 kg được bán sạch. Cầm số tiền bán được trên tay, hai vợ chồng cô mừng rơi nước mắt. Sau đó, thay vì phải mang đến điểm du lịch để bán, những đoàn thực khách đã tìm đến nhà của Kim Huệ để mua.

Đưa sản vật của Măng Đen vươn xa

Từ sản phẩm chủ lực là thịt hun khói, sau 5 năm khởi nghiệp, giờ đây cơ sở "Huệ Tâm Măng Đen" của cô giáo Kim Huệ đã phát triển được nhiều dòng sản phẩm khác, như: thịt bò một nắng, bò khô que, bò khô miếng được tẩm ướp gia vị đặc trưng của Măng Đen... Thương hiệu thịt hun khói "Huệ Tâm Măng Đen" đã đạt OCOP 3 sao và được chọn trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại chợ phiên Măng Đen và nhiều sự kiện quảng bá văn hóa-du lịch trong, ngoài tỉnh.

Sản phẩm của cơ sở “Huệ Tâm Măng Đen” được nhiều thực khách đón nhận và yêu thích

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, Kim Huệ cho biết, với xuất phát điểm là một "tay ngang", nếu không có nỗ lực bản thân và sự hỗ trợ từ gia đình, tổ chức đoàn thể địa phương thì cô khó có thể đạt được thành công như hôm nay. Trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh với nhiều bỡ ngỡ, sự động viên, hỗ trợ từ cán bộ Hội các cấp đã giúp cô vững vàng hơn. "Tôi được Hội tạo điều kiện cho đi tập huấn về quản trị kinh doanh, được hỗ trợ kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác. Nhờ vậy, tôi đã vượt qua những khó khăn ban đầu và dần phát triển sản xuất. Không còn bó hẹp ở vùng đất Măng Đen, sản phẩm của tôi giờ có mặt tại hơn 15 tỉnh, thành", chị Huệ phấn khởi cho biết.

Và cũng từ những buổi tập huấn đó, Kim Huệ đã có thêm kiến thức về quản lý tài chính, xây dựng chiến lược marketing và phát triển thương hiệu của mình. Cô đã biết cách lập kế hoạch tài chính hợp lý, làm sao để tối ưu hóa chi phí sản xuất và phân phối sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, tăng doanh thu. Cô đã tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến và liên kết với các cửa hàng tại địa phương, đồng thời tham gia các sự kiện ẩm thực để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình tới nhiều người hơn.

Cùng lúc làm 2 công việc, ngoài sự nỗ lực, chăm chỉ, Trần Thị Kim Huệ có những cách riêng của mình để cân bằng giữa công việc giảng dạy và kinh doanh.

1. Lập kế hoạch công việc hàng tuần: Kim Huệ tạo danh sách các nhiệm vụ cần hoàn thành trong tuần và đánh dấu sau khi hoàn thành, giúp tránh nhầm lẫn và đảm bảo tiến độ công việc.

2. Lựa chọn công việc ưu tiên: Chị Huệ luôn đặt công việc giảng dạy lên hàng đầu, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trước khi tập trung vào kinh doanh.

3. Quản lý tài chính hiệu quả: Chị Huệ theo dõi các chi phí liên quan đến kinh doanh như nguyên liệu, vận chuyển và nhân công, sau đó trừ khỏi thu nhập để xác định lợi nhuận thực tế, giúp kiểm soát tài chính và tái đầu tư hợp lý.

4. Tổ chức cuộc sống gia đình hợp lý: Việc phân chia công việc trong gia đình được hai vợ chồng thống nhất, con cái tự lập trong học tập. Khi có thời gian, chồng của Kim Huệ có thể hỗ trợ vợ trong khâu vận chuyển, chế biến.

5. Lựa chọn mô hình kinh doanh linh hoạt về thời gian: Để có thể làm 2 công việc cùng lúc thì việc chọn mô hình làm việc linh hoạt về thời gian là yếu tố rất quan trọng để người trong cuộc có thể chủ động sắp xếp công việc mà không bị xung đột về lịch trình.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-giao-van-khoi-nghiep-voi-san-vat-cua-vung-dat-mang-den-20250415153747413.htm
Zalo