Thúc đẩy nông nghiệp xanh ở Đông Nam Á
Triển lãm AGRITECHNICA ASIA sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào giữa tháng 3/2025, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, bao gồm lúa gạo, mía, ngô, cây lương thực, cà phê và trái cây. Sự kiện sẽ thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị từ 25 quốc gia và hàng nghìn chuyên gia trên thế giới…
![Họp báo Triển lãm AGRITECHNICA ASIA tại Hà Nội, chiều 14/2/2025..](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_3_51479045/2a7ba212905c7902204d.jpg)
Họp báo Triển lãm AGRITECHNICA ASIA tại Hà Nội, chiều 14/2/2025..
Chiều 14/2/2025 tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Triển lãm AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025, với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”.
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP XANH
AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 là hội chợ thương mại nông nghiệp hàng đầu thế giới do Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức, dựa trên di sản của AGRITECHNICA tại Hannover (Đức) - nơi đã giới thiệu công nghệ nông nghiệp từ năm 1985.
AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, bao gồm lúa gạo, mía, ngô, cây lương thực, cà phê và trái cây. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị từ 25 quốc gia và hàng nghìn chuyên gia trên thế giới, từ khắp chuỗi giá trị nông nghiệp. Ngoài sự kiện chính, AGRITECHNICA ASIA 2025 còn tổ chức nhiều chương trình bên lề, như hội nghị, hội thảo, triển lãm. Với các chủ đề hấp dẫn như đổi mới xanh, ứng dụng AI, flycam trong canh tác nông nghiệp…
Ông Peter Grothues, Thành viên Hội đồng Thị trường, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), cho biết AGRITECHNICA được khởi nguồn từ Đức vào năm 1985. Đây là triển lãm lớn nhất thế giới về máy móc nông nghiệp. DLG là tổ chức mạng lưới độc lập hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Tổ chức DLG có hơn 31.000 thành viên trên toàn thế giới, cam kết thúc đẩy những tiến bộ công nghệ và chuyển giao kiến thức trong nông nghiệp.
![Ông Peter Grothues: "Mở ra một sân chơi, tạo ra những cơ hội để đóng góp những công nghệ lõi cho các nền nông nghiệp châu Á".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_3_51479045/38f4b69d84d36d8d34c2.jpg)
Ông Peter Grothues: "Mở ra một sân chơi, tạo ra những cơ hội để đóng góp những công nghệ lõi cho các nền nông nghiệp châu Á".
Theo ông Peter Grothues, AGRITECHNICA ASIA được ra mắt với tư cách là đối tác khu vực châu Á, cung cấp nền tảng chuyên dụng để giới thiệu các giải pháp phù hợp với nhu cầu nông nghiệp của Đông Nam Á, thúc đẩy đổi mới và hợp tác quốc tế.
Vào tháng 5/2024, AGRITECHNICA ASIA đã được tổ chức tại Thái Lan. Khi sự kiện được mở ra tới châu Á, người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức đã đón nhận nồng nhiệt. Do đó, DLG hy vọng AGRITECHNICA sẽ vừa mở ra một sân chơi, vừa tạo ra những cơ hội để đóng góp những công nghệ lõi cho các nền nông nghiệp châu Á hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhu cầu áp dụng công nghệ nông nghiệp ngày càng tăng nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các mô hình nông nghiệp bền vững, công nghệ nông nghiệp còn tăng năng suất và giảm thiểu lãng phí, từ đó đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định và bền vững.
“Ba trụ cột của hội chợ thương mại nông nghiệp là: thúc đẩy tri thức, trao đổi giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng và hướng tới đổi mới sáng tạo theo hướng thân thiện môi trường, người sử dụng. Chuỗi sự kiện này được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều giải pháp cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp và người nông dân khám phá, áp dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng”, ông Peter Grothues chia sẻ.
TRAO ĐỔI CÔNG NGHỆ, PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Bà Sonja Esche - Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), cho rằng: Trong việc chuyển đổi công nghệ, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của việc chuyển đổi.
Theo bà Sonja Esche, GIZ là tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp, GIZ hỗ trợ các quốc gia áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Đức và GIZ đã có nhiều năm hợp tác kỹ thuật với Việt Nam.
![Bà Sonja Esche: doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của việc chuyển đổi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_3_51479045/95841aed28a3c1fd98b2.jpg)
Bà Sonja Esche: doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của việc chuyển đổi.
"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn lực, nước... Chúng ta cũng muốn hướng tới nền nông nghiệp sản xuất phát thải thấp. Do đó, tại AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025, GIZ sẽ tập trung kết nối các chuyên gia quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam, thông qua các giải pháp thông minh về khí hậu, xây dựng năng lực và tăng cường quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy nông nghiệp bền vững”, bà Sonja Esche nói.
Chia sẻ tại họp báo, TS. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng nhóm Công nghệ Sau Thu hoạch và Cơ giới hóa của Viện lúa gạo quốc tế (IRRI), giới thiệu những đóng góp của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế vào Đề án Một triệu ha lúa, đặc biệt là những giống lúa chịu được biến đổi khí hậu, cùng với các công cụ canh tác kỹ thuật số và chiến lược cơ giới hóa.