Thủ tướng nói về việc bố trí cán bộ khi bỏ công an cấp huyện
Theo lãnh đạo Chính phủ, khi bỏ công an cấp huyện, cán bộ sẽ được bố trí về cấp cơ sở, nơi gần dân nhất
Chiều 14-2, thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến nội dung bỏ công an cấp huyện khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại thảo luận tổ chiều 14-2. Ảnh: Phạm Thắng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51478856/46c75ca46eea87b4defb.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại thảo luận tổ chiều 14-2. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Thủ tướng, mục tiêu là đưa đất nước phát triển, muốn như vậy thì cần cải cách tổ chức bộ máy, là nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; giảm thủ tục hành chính; bỏ cơ chế "xin - cho".
Từ tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp nhân sự cho phù hợp, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp, tăng cường hướng dẫn cơ sở.
"Tại sao vừa qua chúng ta quyết định bỏ công an cấp huyện?"- Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết khi triển khai bỏ cấp huyện để tổ chức lại, một số cán bộ đưa lên tỉnh nhưng đa số chuyển xuống cấp cơ sở, đây là cấp gần dân nhất.
Theo lãnh đạo Chính phủ, mọi việc đều xảy ra ở cơ sở. Nhấn mạnh mục tiêu vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, mà nhân dân thì ở cơ sở, phường, xã, Thủ tướng rằng để chăm lo cho nhân dân thì cần tăng cường lực lượng cho cơ sở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ vừa qua chúng ta làm đồng bộ và từ giờ đến cuối năm còn nhiều việc làm. "Việc này đòi hỏi sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Khi chúng ta đã xác định phải làm thì chúng ta phải quyết tâm, đoàn kết, thống nhất, đã nói là làm, đã làm phải ra của cải vật chất, sản phẩm cụ thể thì mới mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân"- Thủ tướng nói.
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Trung ương 10 xác định mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% là khó khăn. Nhấn mạnh càng khó khăn, càng áp lực càng phải nỗ lực, theo Thủ tướng, đây là truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay, cũng là văn hóa cốt lõi của đất nước, càng khó khăn càng đoàn kết, thống nhất, và chúng ta đã vượt qua.
Đó cũng là lý do Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về việc có thể 2025 có thể phấn đấu mục tiêu cao hơn, cụ thể nâng lên trên 8% thay vì 6,5 - 7%. Theo lãnh đạo Chính phủ, nếu ta không đặt ra như thế, tốc độ bình bình 6 - 7% năm sẽ khó đạt 2 mục tiêu 100 năm, nên phải thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.
Bên cạnh các giải pháp được nêu trong đề án trình Quốc hội, Thủ tướng lưu ý cần tạo không gian sáng tạo cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên (trước đó mục tiêu Quốc hội quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chính phủ cho rằng cần có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.