Mở rộng phạm vi hỗ trợ khoa học công nghệ chiến lược

Bổ sung và hoàn thiện các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực khoa học công nghệ, xây dựng các quy định cụ thể hơn về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đảm bảo tính tự chủ thực sự, thiết lập cơ chế kiểm soát và hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Đây là đề xuất của đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) trong phiên thảo luận hôm nay (15-2) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 2 mảng lớn là khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Dự thảo đã quy định cho phép nhà khoa học sử dụng kết quả nghiên cứu của mình và thương mại hóa kết quả nghiên cứu này để có thể đưa vào cuộc sống.

Về phạm vi điều chỉnh và chính sách, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cần bổ sung các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực làm khoa học công nghệ, như chính sách thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, bao gồm cả nguồn nhân lực từ nước ngoài. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ tập trung vào doanh nghiệp viễn thông mà còn cả cơ sở nghiên cứu và các trường đại học.

Liên quan đến cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, theo đại biểu Phan Viết Lượng, mặc dù dự thảo luật đã có quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở này, nhưng việc áp dụng vẫn gặp khó khăn. Vì vậy, nghị quyết cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi tự chủ, trách nhiệm và cơ chế thực hiện.

Đối với Quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự thảo nghị quyết có quy định rất mạnh mẽ về chấp nhận rủi ro, nhưng lại chưa có cơ chế kiểm soát và hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro về kinh phí, ngân sách. Về áp dụng khoán chi trong triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cần rà soát và thiết kế lại cách thức áp dụng khoán chi để đồng bộ và rõ ràng hơn, đồng thời cần có định nghĩa rõ ràng về công nghệ chiến lược và mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ giới hạn ở phát triển kinh tế mà còn cả quốc phòng, an ninh và các vấn đề xã hội.

Cũng theo đại biểu Phan Viết Lượng, mặc dù đã có quy định về thành lập quỹ hỗ trợ khoa học và công nghệ nhưng việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cần có sự gia công thêm để quỹ có thể hoạt động hiệu quả, khắc phục được những tồn tại lâu nay.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/169186/mo-rong-pham-vi-ho-tro-khoa-hoc-cong-nghe-chien-luoc
Zalo