Thiếu nhi với Bác Hồ: Những bài ca sống mãi cùng năm tháng

Những ca khúc viết về tình cảm thiếu nhi dành cho Bác Hồ Chí Minh vừa da diết vừa gần gũi, giản dị đã trở thành một phần quan trọng của kho tàng âm nhạc, văn hóa và lịch sử dân tộc Việt Nam.

“Cho tới giờ khi nghe những ca khúc viết về Bác tôi vẫn thấy bồi hồi, rạo rực trong tim. Thế hệ chúng tôi, tuổi thơ gắn bó với các bài hát cách mạng, đặc biệt thuộc nằm lòng những ca từ giản dị, gần gũi mà vẫn đầy tinh thần tự hào trong các ca khúc viết về tình cảm thiếu nhi dành cho vị cha già dân tộc.”

Đó là chia sẻ đầy xúc động của chị Phương Lan, ở phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Với người phụ nữ thuộc thế hệ 7X ấy, những ca khúc như Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, hay Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… không chỉ là âm nhạc.

Mỗi khi nghe những giai điệu ấy là ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về, gợi cho tôi nhớ về những năm tháng học ở trường làng, chơi trốn tìm trên những cây nấm rơm khổng lồ, đánh khăng đánh đáo… Tuy ham chơi nhưng vẫn cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi để được nhà trường thưởng cho tấm giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ,” chị Phương Lan nói.

Ca khúc kinh điển từ bối cảnh lịch sử 1945

Quả thực, nghe những ca khúc thiếu nhi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến các thế hệ đi trước trào dâng niềm xúc động và hoài niệm. Bởi những ca khúc đó chính là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử hào hùng. Và âm nhạc cũng là cách để giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu nước, lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Những ca khúc viết về Bác, đặc biệt trong các chương trình thiếu nhi thường gợi những cảm xúc sâu sắc và tích cực, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc; mang đến cảm giác ấm áp, thân mật và gần gũi; cảm nhận được lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Hồ.

 Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. (Ảnh: TTTXVN)

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. (Ảnh: TTTXVN)

Đặc biệt, những bài hát đó còn mang đến bài học về đạo đức, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và gợi nhắc những kỷ niệm đẹp. Tùy thuộc vào từng ca khúc và trải nghiệm riêng mà mỗi người nghe có cảm xúc khác nhau.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã được sáng tác năm 1945 đã trở thành một trong những ca khúc kinh điển về Bác Hồ. Hình ảnh vị Chủ tịch vĩ đại hiện lên như một người ông, người cha già thân thương qua ca từ giản dị, trong sáng mà gần gũi: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài.”

Suốt 80 năm qua, giai điệu và lời ca ấy mỗi khi cất lên vẫn khiến trái tim của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam rung lên những nhịp xúc động sâu lắng.

Nhạc sỹ Phong Nhã đương thời từng chia sẻ về cảm hứng sáng tác bài hát này xuất phát từ bối cảnh tại Quảng trường Ba Đình, được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ông thấy đàn cháu đứng reo lên Hồ Chí Minh muôn năm, Bác nhoài người ra vẫy bằng cả hai tay, thân thiết như người ông thân yêu của đàn cháu.

Giây phút đó khiến cố nhạc sỹ vô cùng cảm động vì Bác là một Chủ tịch nước nhưng đối với các cháu thiếu nhi lại như người ông hiền từ. Người nhạc sỹ khi ấy thấy cần phải có một bài hát về Bác với tinh thần thật gần gũi và thân thương, thể hiện bằng giai điệu đầy thiết tha, thành kính và tin tưởng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc, ngày 19/5/1950. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc, ngày 19/5/1950. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau đó, trong một buổi sinh hoạt đội, nghe anh phụ trách đố các em nhỏ “Ai yêu Bác Hồ nhất?” Các em nói rằng nhi đồng yêu Bác Hồ nhất rồi cùng nhau hô “Bác Hồ yêu thiếu nhi nhất và thiếu nhi yêu Bác Hồ nhất…,” người nhạc sỹ tài hoa đã nảy ra ý tứ và phát triển thành ca khúc kinh điển “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.”

Đi cùng năm tháng

Trong lịch sử các sáng tác âm nhạc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ những ca khúc thể hiện tình cảm của thiếu nhi dành cho Bác đã trở thành một kho tàng vô giá. Hòa chung với tinh thần của thời đại, giữa bối cảnh đặc biệt của lịch sử nước nhà mà nhiều nhạc sỹ đã có những tác phẩm để đời.

Và các thế hệ trẻ hậu bối sau này, vào mỗi tháng Năm có ngày sinh nhật Bác lại được dịp nhắc nhớ những câu chuyện về Người, nghe những bài hát về Bác trong các buổi sinh hoạt đội, sinh hoạt trường…

Tố Linh, học sinh lớp 2H Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học Giáo dục kể, trong tháng Năm, mỗi giờ sinh hoạt sao các em sẽ được “anh chị sao” cho ôn lại 5 điều Bác Hồ dạy và hướng dẫn hát những ca khúc về Bác.

“Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má bác/ Vui bên bác là em múa hát…,” Tố Linh nhẩm hát và nói đã thuộc bài này từ thời học mẫu giáo.

 Học sinh Trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1956. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Học sinh Trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1956. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cố nhạc sỹ Xuân Giao đã viết nên ca khúc bất hủ “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” vào năm 1969, ngay sau thời điểm Hồ Chủ tịch qua đời ít ngày. Khi đó, nhạc sỹ Xuân Giao nhớ lại kỷ niệm năm 15 tuổi được gặp Bác (năm 1946) tại Hải Phòng, và cứ thế, những lời ca bình dị tuôn trào như một giấc mơ được gặp lại Người.

Chính cảm xúc đau đớn, hụt hẫng đầy tiếc nuối hòa cùng nỗi đau của dân tộc khi hay tin Hồ Chủ tịch mất đã thôi thúc ông viết lên những nốt nhạc bình dị thể hiện nỗi nhớ và lòng biết ơn của thiếu nhi đối với Bác. Trải qua 56 mùa Xuân, sức sống của ca khúc vẫn vẹn nguyên như thuở đầu.

Và rồi sáu năm sau ngày Bác mất, trong niềm vui hân hoan đại thắng của dân tộc, ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” để thể hiện niềm hạnh phúc của toàn dân.

Được sáng tác chỉ trong 2 giờ đồng hồ đêm ngày 28/4/1975 và thu âm trong chiều 30/4 để kịp phát sóng mừng ngày non sông thống nhất trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ca khúc này sau đó đã trở thành một biểu tượng cho niềm vui toàn thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung Thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung Thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam Hồ Chí Minh/ Việt Nam Hồ Chí Minh/ Việt Nam Hồ Chí Minh/ Việt Nam Hồ Chí Minh.”

Giai điệu hào hùng nhưng gần gũi, lời ca súc tích, ngắn gọn, cả nhan đề và nội dung bài hát chưa tới 60 từ nên ca khúc được nhiều thế hệ người con Việt Nam “nằm lòng” và cất cao lời hát trong nhiều dịp kỷ niệm. Có thể nói, dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ca từ hào sảng và bình dị ấy vẫn như tiếng reo vui trường tồn.

Mạch nối dòng cảm xúc về Bác tiếp tục tuôn trào tới năm 1978 với ca khúc “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác,” do hai anh em nhạc sỹ Hoàng Long-Hoàng Lân sáng tác, một lần nữa đã gửi gắm tình yêu của các em nhỏ khi được tới viếng thăm lăng Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình.

“Đi từ bản làng xa xôi/ Chân em bước qua bao núi/ Núi nhìn theo lá rừng reo/ Chân em bước qua bao đèo…/ Núi muốn hỏi, suối nhắn hỏi, sao bạn nhỏ vui thế?/ Xin nói cùng nghe!/ Náo nức nhiều, em vui nhiều/ Hôm nay được về Thủ đô thân yêu/ Đến thăm lăng Bác Hồ.”

 Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Giai điệu tươi tắn, ca từ nhẹ nhàng, trong sáng của ca khúc đã thay lời các em nhỏ nói lên niềm vui sướng, khi một lần được về Thủ đô thăm Bác. Mỗi lời ca như mỗi nhịp chân nhỏ xinh, hân hoan bước dưới nắng Ba Đình.

Với nhạc sỹ Trần Viết Bính (sinh năm 1934) kể rằng chính nhờ ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” mà ông có kỷ niệm đẹp với Bác Hồ.

Vào tháng 9/1946, cậu bé Trần Viết Bính mới 12 tuổi, là quản ca, Trung đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong của Đội thiếu nhi Thái Bình được vinh dự hát tặng Bác Hồ bài hát này. Ông Bính còn nhớ, khi hát đến câu “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài” thì Bác lấy khăn chấm nước mắt.

“Sau khi tiết mục kết thúc, Bác xoa đầu tôi rồi căn dặn: ‘Các cháu hát hay lắm. Về nhà phải học giỏi, chăm ngoan, nghe lời ông bà, cha mẹ’,” ông Bính kể.

Năm 1963, nhạc sỹ Trần Viết Bính đã 29 tuổi, đang phụ trách đội Vàng Anh (của Đài Tiếng nói Việt Nam) thì được huy động biểu diễn chào mừng Bác Hồ về thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Ông đệm đàn accordeon bài tổ khúc “Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu” do chính ông viết năm 1961.

Ông Bính bảo rằng hai lần được gặp Bác Hồ là nguồn động lực, sức mạnh tinh thần lớn lao để ông nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc. Sau này, ông cũng viết thêm nhiều ca khúc thiếu nhi, trong đó có bài “Cháu ngoan Bác Hồ” giành giải thưởng cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” năm 2021 do Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn tổ chức.

“Sinh thời Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho thiếu nhi, bởi vậy mảng ca khúc về Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng rất phong phú, có nhiều bài hay và đóng vai trò quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam,” ông Bính nói.

 Nhạc sỹ Trần Viết Bính hiện đang sinh sống tại Đồng Nai. (Ảnh: FBNV)

Nhạc sỹ Trần Viết Bính hiện đang sinh sống tại Đồng Nai. (Ảnh: FBNV)

Nhạc sỹ Trần Viết Bính luôn tâm niệm rằng sáng tác cho trẻ em có cái khó riêng, đặc biệt phải làm sao để trẻ không chán. Muốn vậy, người viết phải nhìn, ngắm, suy nghĩ, cảm nhận thế giới qua lăng kính vừa đơn giản lại vừa tinh khôi của trẻ.

“Cái khó nhất trong việc viết bài hát cho thiếu nhi là hiểu cảm quan của trẻ con với thế giới xung quanh. Các ca khúc có thể ngắn nhưng được lồng một cách khéo léo, nhẹ nhàng những bài học dạy kỹ năng sống, dạy phép ứng xử cho thiếu nhi,” nhạc sỹ chia sẻ.

Những ca khúc viết về tình cảm thiếu nhi dành cho Bác Hồ Chí Minh đã trở thành một phần quan trọng của kho tàng âm nhạc, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Những lời ca tiếng hát da diết mà đầy tươi sáng ấy vẫn được yêu thích và hát vang cho đến ngày nay, đặc biệt trong những ngày tháng Năm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thieu-nhi-voi-bac-ho-nhung-bai-ca-song-mai-cung-nam-thang-post1039153.vnp
Zalo