Người đã hóa thân vào dáng hình đất nước

Tháng Năm lại về, mang theo hương sen dịu ngọt và những xúc cảm thiêng liêng trong trái tim hàng triệu người dân Việt.

Bác Hồ với thiếu nhi trong Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 13/2/1969. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Bác Hồ với thiếu nhi trong Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 13/2/1969. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Giữa đất trời mùa Hạ trong trẻo, chúng ta lặng lòng tưởng nhớ đến một con người đã hóa thân vào dáng hình dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của đất nước.

Đã 135 năm kể từ ngày Người cất tiếng khóc chào đời nơi làng Sen thân thương, bóng hình Bác vẫn vẹn nguyên, sống động trong từng trang sử, từng nhịp đập của Tổ quốc hôm nay. Tên Người không chỉ là biểu tượng của một thời đại, mà còn là ánh sáng dẫn đường cho hiện tại và tương lai - ánh sáng của nhân cách lớn, trí tuệ lớn, lòng yêu nước vô bờ và khát vọng tự do cháy bỏng. Viết về Người, là viết về chính hồn cốt Việt Nam - hiền hòa, kiên cường, nhân hậu và bất khuất…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất của phẩm chất, cốt cách và khát vọng Việt Nam trong thế kỷ XX đầy biến động. Từ một thanh niên mang hoài bão lớn rời Tổ quốc tìm đường cứu nước, đến một nhà lãnh đạo kiệt xuất dẫn dắt dân tộc giành độc lập, Người không chỉ làm nên lịch sử, mà còn để lại một di sản tư tưởng, đạo đức và phong cách vô giá.

Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa trí tuệ phương Đông và tinh thần tiến bộ của nhân loại. Người không tách rời dân tộc, mà chính là dân tộc - trong khát vọng sống tự do, trong lòng yêu thương nhân ái và trong sự kiên cường không khuất phục trước mọi thế lực.

Dáng hình của Người qua năm tháng đã trở thành hình tượng bất tử - như một thân cây vững chãi giữa bão giông, như một ngọn đuốc không bao giờ tắt trên hành trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam.

Có lẽ, trong mỗi chúng ta từng được nghe đến mẩu chuyện xúc động và giàu ý nghĩa về Bác Hồ với thiếu nhi mang tên “Chiếc khăn quàng đỏ thắm”. Một ngày năm 1958, khi đến thăm trại hè của thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc tại Hải Phòng, Bác Hồ ân cần hỏi han, trò chuyện với các em.

Bác rất quan tâm đến đời sống, học tập và tinh thần của các em nhỏ phải xa quê hương, xa cha mẹ để ra miền Bắc học tập, chuẩn bị cho tương lai đất nước. Trong buổi gặp mặt, một em nhỏ kính cẩn tặng Bác chiếc khăn quàng đỏ - biểu tượng thiêng liêng của Đội Thiếu niên Tiền phong.

Em nói: “Thưa Bác, đây là chiếc khăn quàng đỏ của cháu, cháu xin tặng Bác”. Bác Hồ cảm động đón lấy, nhẹ nhàng buộc lên cổ và nói: “Bác rất cảm ơn cháu. Bác nhận chiếc khăn này là nhận tấm lòng của các cháu thiếu nhi miền Nam. Bác sẽ luôn nhớ tới các cháu”.

Cả trại hè xúc động. Một người già tóc bạc, giản dị, hiền từ như ông nội, đã nâng niu chiếc khăn nhỏ bé của một đứa cháu xa quê, với tình yêu thương bao la. Bác còn dặn dò các cán bộ đi cùng: “Các cháu thiếu nhi miền Nam rất thiệt thòi. Chúng ta phải chăm lo cho các cháu như chăm lo cho con em mình”.

Câu chuyện thể hiện tình yêu thương sâu sắc của Bác với thiếu nhi, nhất là với những em nhỏ xa quê, thiếu thốn tình cảm gia đình. Qua đó, Bác cũng gửi gắm thông điệp về trách nhiệm chăm lo, bảo vệ và giáo dục thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Không chỉ là lãnh tụ, Hồ Chí Minh còn là một người thầy vĩ đại - bằng chính cuộc đời, bằng lối sống mẫu mực và bằng những bài học thấm đẫm đạo lý làm người. Người dạy chúng ta rằng, yêu nước không phải là lời nói cao xa mà là hành động cụ thể, thiết thực trong từng công việc hằng ngày.

Từ cách Người đối xử với đồng chí, đồng bào, đến sự giản dị trong ăn mặc, sinh hoạt, tất cả đều là những bài học sâu sắc về đạo đức, về lẽ sống cao đẹp. Với Người, làm cách mạng không chỉ để giành độc lập, mà còn để con người sống xứng đáng hơn, nhân văn hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thế hệ trẻ đang đối mặt với nhiều ngã rẽ giá trị và áp lực hội nhập, thì tư tưởng giáo dục của Bác vẫn còn nguyên giá trị định hướng. Đó là bài học về lòng kiên định, về tự học, về cống hiến - để mỗi người đều có thể trở thành một “người có ích”, như lời Bác từng căn dặn.

Câu chuyện chiếc bát sứt - lại lần nữa minh chứng cho tất cả chúng ta thấy rõ, Hồ Chí Minh là một người thầy giáo dục mọi người không chỉ bằng lời nói mà bằng chính lối sống và hành động cụ thể của mình. Một lần, Bác Hồ cùng các cán bộ dùng bữa trưa tại chiến khu Việt Bắc.

Trong mâm cơm đơn sơ, mọi người đều được dùng bát lành lặn, riêng Bác dùng một chiếc bát đã sứt miệng. Một đồng chí phục vụ thấy vậy, liền xin đổi cho Bác chiếc bát lành. Bác nhẹ nhàng từ chối và nói: “Bát tuy sứt nhưng vẫn dùng được. Các chú cứ để dành bát lành cho khách hoặc người khác, đừng lãng phí”.

Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn: Bác dạy bằng chính hành động giản dị - tôn trọng giá trị của vật dụng, biết tiết kiệm, không phô trương. Đó chính là bài học sâu sắc về đạo đức, về lối sống thanh bạch, khiêm nhường và nêu gương của một người thầy lớn.

Đã 135 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Người - với tâm hồn thanh cao, nhân cách lớn và tình yêu vô bờ với con người - vẫn mãi in đậm trong trái tim dân tộc và bè bạn năm châu. Bác không chỉ là lãnh tụ của một dân tộc anh hùng, mà còn là biểu tượng sống động của lẽ sống vì người khác, của trí tuệ điềm đạm và trái tim nhân hậu.

Ở nơi nào có khát vọng độc lập, công lý và hòa bình, ở đó ánh sáng Hồ Chí Minh vẫn còn lan tỏa. Và mỗi người Việt hôm nay, dù ở bất cứ đâu, vẫn có thể tìm thấy trong tâm hồn mình một phần dáng hình của Người.

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-da-hoa-than-vao-dang-hinh-dat-nuoc-post731215.html
Zalo