Về Dục Thanh, bồi hồi nhớ Bác

Tháng Năm về, nắng vàng dịu nhẹ giòn thơm trải dài trên con đường Trưng Nhị (phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Tại miền đất cực Nam Trung Bộ, bên dòng Cà Ty êm đềm, từng đoàn người từ mọi miền đất nước về đây thăm Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Hơn 1 thế kỷ đã qua, nơi Người từng sống, từng giảng dạy vẫn giữ vẹn nguyên hơi thở của lịch sử và lòng kính yêu của bao lớp người hậu thế...

Phóng viên Báo Phú Yên tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận tìm hiểu về quãng thời gian Bác từng sống, dạy học ở Phan Thiết. Ảnh: THÙY THẢO

Phóng viên Báo Phú Yên tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận tìm hiểu về quãng thời gian Bác từng sống, dạy học ở Phan Thiết. Ảnh: THÙY THẢO

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), dòng người về Khu di tích Dục Thanh càng thêm đông. Trong không gian thiêng liêng ấy, trong lòng mỗi người trào dâng lòng thành kính, nhớ Bác khôn nguôi.

Về nơi lưu dấu chân Người

Tháng 9/1910, trên đường vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc thanh niên) đã dừng chân ở Phan Thiết và dạy học tại Trường Dục Thanh. Khi đó, Người chỉ mới 20 tuổi, là thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây.

Trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ 1907-1912. Đây là ngôi trường tư thục do ông Nguyễn Trọng Lội và ông Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà yêu nước Nguyễn Thông) cùng các nhân sĩ yêu nước ở Phan Thiết sáng lập, hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng. Trường dạy chữ Quốc ngữ, tiếng Hán, tiếng Pháp và môn Thể dục cho học sinh…

Trong thời gian giảng dạy tại đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ truyền đạt tri thức, mà còn thắp lên trong lòng học sinh về tình yêu thương con người, ngọn lửa yêu nước, những trăn trở trước vận mệnh dân tộc, về khát vọng độc lập, tự do… Đây cũng là thời điểm Người âm thầm nghiên cứu, tìm hiểu tình hình trong nước và thế giới, chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, vượt đại dương tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911.

Để tưởng nhớ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích gắn với quãng đời hoạt động của Người, năm 1978 Trường Dục Thanh được con cháu cụ Nguyễn Thông giao lại cho Nhà nước quản lý, phục chế, trùng tu và hoàn thành năm 1980. Ngôi trường lợp mái ngói âm dương đơn sơ, bao quanh là những bức tường gỗ mộc mạc. Trường Dục Thanh ngày nay còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn với thời gian Bác giảng dạy tại đây. Từ bộ bàn ghế nơi Người ngồi dạy học, chiếc án thư Người thường ngồi chấm bài, uống trà, trao đổi với các thầy giáo sau giờ lên lớp; đến nhà Ngư - nơi Người sinh hoạt, đọc sách, tra cứu tài liệu; chiếc tủ đứng cất giữ tư trang và bộ ván gỗ đơn sơ Bác nằm nghỉ mỗi đêm…, tất cả đều được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Không chỉ gợi nhắc những kỷ niệm sâu sắc về quãng đời thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành, không gian ấy còn truyền cảm hứng về một tư tưởng lớn tỏa sáng từ chính lối sống đời thường giản dị, nhân hậu, chan chứa tình yêu thương con người, đặc biệt là với học trò nghèo và người dân lao động xứ biển.

Đi trong khuôn viên Khu di tích Trường Dục Thanh, chúng tôi có cảm giác thấp thoáng hình bóng Người vẫn đâu đó quanh đây. Hòa vào dòng người về thăm Trường Dục Thanh hôm ấy, nhìn giếng nước Bác từng dùng, ngắm cây khế Bác từng vun trồng chăm sóc vẫn xanh tươi, trĩu quả như thuở nào, người CCB Nguyễn Văn Hùng, 70 tuổi, đến từ huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) bồi hồi, xúc động: “Tôi đã từng có mặt tại chiến trường miền Nam những năm kháng chiến ác liệt, trong tim luôn khắc ghi hình ảnh Bác Hồ giản dị mà vĩ đại. Hôm nay, lần đầu tiên đặt chân đến Trường Dục Thanh, nơi Bác từng dạy học thuở thanh niên, lòng tôi nghẹn ngào như gặp lại Người. Với tôi, nơi đây không chỉ là điểm đến văn hóa, mà là nơi để nhắc nhở con cháu mai sau phải sống xứng đáng với những gì Bác đã hy sinh, vun đắp”.

Còn em Trần Ngọc Tâm Như, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trước đây, em chỉ biết qua sách báo là Bác từng dừng chân dạy học ở Phan Thiết trước khi bôn ba tìm đường cứu nước. Nay được tận mắt nhìn thấy những hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Người, em càng thêm biết ơn, kính trọng và yêu quý Bác”.

Không gian Trường Dục Thanh. Ảnh: THANH HỘI

Không gian Trường Dục Thanh. Ảnh: THANH HỘI

Gìn giữ địa chỉ đỏ giữa lòng Phan Thiết

Từ năm 1978, Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận bắt đầu trùng tu Khu di tích Dục Thanh. Đến năm 1983, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận được khởi công xây dựng bên cạnh khu di tích này. Ngày 12/12/1986, di tích Trường Dục Thanh được Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận từ lâu đã trở thành một địa chỉ đỏ của Bình Thuận trong hành trình tri ân, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Thuận mà còn là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng, cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nơi để người dân Việt Nam, du khách trong và ngoài nước tham quan, tưởng nhớ về Người.

Dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh và tư tưởng của Bác đã khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam không chỉ ở tầm vóc vĩ đại của một lãnh tụ cách mạng, mà còn ở sự ấm áp, gần gũi, giản dị và chân thành trong từng cử chỉ, lời nói và lối sống hằng ngày. Chính vì vậy, các di tích gắn liền với Bác, trong đó có Khu di tích Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận luôn là điểm đến thiêng liêng, gợi nhắc truyền thống và lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, nơi đây đã thu hút gần 53.000 lượt người, trong đó có gần 300 lượt khách nước ngoài. Con số này không chỉ nói lên sức hút của địa chỉ đỏ này, mà còn thể hiện niềm tự hào, tình cảm của người dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, giảng dạy và để lại những dấu ấn đầu tiên trong hành trình cứu nước vẫn giữ được gần như nguyên vẹn không gian xưa, thấm đượm hơi thở của lịch sử và lắng đọng trong lòng bao lớp hậu thế sự kính yêu, trân trọng đối với Người.

Với nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản Hồ Chí Minh, các cán bộ, đảng viên và người lao động ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận hằng ngày tận tụy với công việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo khu di tích. Không chỉ hiện vật, tư liệu mà cả cây khế, gốc cau, khóm trầu… nơi đây đều được chăm chút, tạo nên không gian xanh mát, mộc mạc mà thấm đượm tinh thần, phong cách sống của Người, giản dị mà sâu sắc, gần gũi mà thiêng liêng.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Thuyết minh Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận chia sẻ: Với tôi và đồng nghiệp, được làm việc tại đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Hằng ngày chúng tôi được gặp gỡ, hướng dẫn, giới thiệu với công chúng, du khách những tư liệu, giá trị di sản văn hóa quý báu về Bác Hồ, để bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cũng như biết ơn công lao vĩ đại của Người đối với dân tộc. Và để từ đó, mỗi người con đất Việt tự soi mình, tiếp bước con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở lối, sống có lý tưởng và không ngừng cống hiến cho Tổ quốc.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/van-nghe/202505/ve-duc-thanh-boi-hoi-nho-bac-ed81930/
Zalo