Văn hóa Phật giáo hòa nhịp đời sống trong dịp Đại lễ Phật đản Vesak 2025 tại chùa Tam Chúc
Trong không gian linh thiêng của chùa Tam Chúc, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025 không chỉ là sự kiện tâm linh trọng đại, mà còn là dịp để các giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn liền với Phật giáo được giới thiệu sâu rộng tới cộng đồng. Những ngày này, hàng loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc diễn ra bên lề Đại lễ đã, đang và hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật.

Lễ ra mắt sách “Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt”.
Bên cạnh các nghi lễ chính thức, Đại lễ năm nay ghi nhận nhiều điểm nhấn đặc biệt. Lần đầu tiên, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Quốc bảo của Ấn Độ được cung rước về Việt Nam và tôn trí tại chùa Tam Chúc với các nghi lễ đón rước, chiêm bái, cầu nguyện diễn ra trong không khí trang nghiêm. Đại lễ chính thức kính mừng Phật Đản Vesak được tổ chức trọng thể, là dịp để cộng đồng Phật giáo và nhân dân cùng suy ngẫm về thông điệp hòa bình, từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Đêm hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, tri ân, tưởng niệm bên hồ Tam Chúc tạo nên khung cảnh tĩnh tại, linh thiêng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người. Bên cạnh đó, lễ trồng “Cây Từ Tâm – Ươm mầm trí tuệ” truyền tải thông điệp về sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, hướng tới lối sống nhân ái, bền vững. Kết thúc chuỗi nghi lễ, Lễ cung tiễn xá lợi trở về Ấn Độ tiếp tục được tổ chức với nghi thức trọng thể, khép lại một hành trình giao lưu tâm linh đầy ý nghĩa.
Góp phần làm nên chiều sâu cho sự kiện năm nay là chuỗi hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức công phu và bài bản. Nổi bật là Lễ ra mắt sách “Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt”, diễn ra ngày 18/5 tại không gian văn hóa Tam Chúc. Cuốn sách giới thiệu những giá trị lịch sử, kiến trúc và tâm linh của chùa Thầy – một trong những ngôi chùa cổ tiêu biểu gắn liền với Thiền sư Từ Đạo Hạnh, qua đó góp phần tôn vinh di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Nhiều độc giả trẻ quan tâm, đặt câu hỏi tại Lễ ra mắt sách “Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt”.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất, sự kiện chuyên đề về sách Phật giáo và văn hóa đọc. Với sự tham gia của hàng loạt nhà xuất bản, đơn vị phát hành và cơ sở Phật học, hội sách giới thiệu hàng nghìn đầu sách về Phật pháp, thiền học, lịch sử và văn hóa dân tộc. Không gian hội sách đã trở thành nơi kết nối giữa tri thức, đạo lý và đời sống, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả thuộc nhiều lứa tuổi.
Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa bên lề Đại lễ Phật đản Vesak 2025 tại chùa Tam Chúc còn có sự góp mặt của nhiều CLB văn hóa, văn nghệ của các địa phương. Một trong số đó, CLB văn hóa, văn nghệ xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình góp mặt với những tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường. Gần 30 thành viên của CLB đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, giới thiệu đến người xem những làn điệu dân ca ru con ngọt ngào, những tiếng cồng chiêng vang vọng và điệu nhảy sạp truyền thống sinh động. Chia sẻ về hoạt động của CLB, cô Bùi Thị Chiều, thành viên tham gia trình diễn cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được đem những nét văn hóa dân tộc Mường của quê hương đến đây. Dù còn đơn giản, nhưng mỗi tiết mục đều được tập luyện cẩn thận, mong muốn gửi gắm một phần hồn quê, tình cảm đến mọi người tham dự Đại lễ”.

Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất giới thiệu hàng nghìn đầu sách về Phật pháp, thiền học, lịch sử và văn hóa dân tộc.
Sự góp mặt của các CLB văn hóa văn nghệ tới từ nhiều địa phương không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại Đại lễ Phật đản Vesak 2025 mà còn giúp bảo tồn và lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc đến với đông đảo công chúng.
Nhiều phật tử, du khách đến với Đại lễ Phật đản Vesak 2025 tại chùa Tam Chúc không chỉ tham dự một lễ hội tôn giáo, mà còn được sống trong không khí văn hóa đặc trưng, nơi tinh thần Phật giáo hòa quyện với đời sống thường nhật qua các hoạt động ý nghĩa, gần gũi và giàu bản sắc. Anh Nguyễn Mạnh Đông, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên: Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Tam Chúc với mong muốn được chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng rất bất ngờ khi tới đây lại có nhiều không gian văn hóa như đọc sách, nghe nhạc, tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa... Không khí ở đây rất bình yên, mọi người thân thiện, thấy rõ tinh thần đạo Phật lan tỏa ra đời sống. Tôi cảm thấy rất ấm lòng.

CLB văn hóa, văn nghệ xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã góp mặt với những tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường.
Với sự kết hợp hài hòa giữa tâm linh và văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại, Đại lễ Vesak 2025 tại chùa Tam Chúc đã trở thành điểm hội tụ của những giá trị bền vững, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khẳng định vai trò tích cực của Phật giáo trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần và gắn kết cộng đồng trong kỷ nguyên hội nhập.