Thiết kế chính sách theo quy mô doanh nghiệp

Theo TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay từ 8% trở lên và hai con số từ những năm tiếp theo, cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; trong đó, nên phân chia theo quy mô doanh nghiệp để ban hành chính sách tương ứng.

Động lực quan trọng cho tăng trưởng

- Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được định vị như thế nào trong mục tiêu đó?

- Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đến đầu năm nay cho thấy, sau gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Trong số này, có khoảng 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Như vậy, đây sẽ là một động lực mới, góp phần không nhỏ cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và tăng trưởng hai con số ở những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc có phát huy được động lực tăng trưởng mới này hay không là cả một vấn đề, đòi hỏi phải có quyết tâm, nỗ lực cũng như những chính sách thiết thực, phù hợp hơn với cộng đồng DNNVV.

- Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của DNNVV hiện còn rất hạn chế, ông lý giải thế nào?

- Thực tế thời gian qua, Đảng, Nhà nước đều rất quan tâm đến thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển, với việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV; thành lập Quỹ phát triển DNNVV… Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp này rất hạn chế, chưa đạt mong muốn cũng như mục tiêu đề ra khi xây dựng Luật.

Lý do bởi chính sách còn dàn trải, bộ ngành nào cũng có trách nhiệm ở trong đó nhưng mối liên thông giữa các bộ, ngành đối với hoạt động hỗ trợ DNNVV lại chưa chặt chẽ, không phát huy được cơ chế phối hợp với nhau dẫn đến hiệu quả không cao. Chẳng hạn như đào tạo về chuyển đổi số, có đơn vị đào tạo rất nhanh nhưng đào tạo xong thì bộ phận hỗ trợ về tài chính lại chưa có, mà doanh nghiệp muốn đổi mới phải tiếp cận được với nguồn vốn. Hay bên ngân hàng có những gói hỗ trợ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, song bộ phận phụ trách của các bộ, ngành chịu trách nhiệm chuyên môn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh lại chưa kịp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tức là rơi vào tình trạng có tiền nhưng không có nguồn nhân lực để làm.

Không những thế, dù môi trường kinh doanh đã liên tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm cải thiện, thông qua việc ban hành thể chế, pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, song thủ tục hành chính vẫn là rào cản với cộng đồng doanh nghiệp. Chưa kể, DNNVV bị hạn chế bởi quy mô, tài sản, năng lực quản trị nên cũng khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn tín dụng.

Chính sách hỗ trợ cần đồng bộ

- Đâu sẽ là những giải pháp để thúc đẩy động lực tăng trưởng từ DNNVV, thưa ông?

- Chúng ta đang quyết liệt thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy đầu mối sẽ ít đi, nguồn lực sẽ ít bị dàn trải hơn, chắc chắn sẽ khắc phục tình trạng thiếu sự liên kết giữa các đầu mối trong hỗ trợ DNNVV cũng như giảm bớt thủ tục hành chính. Bởi lẽ đó, chúng tôi tin và mong rằng việc hỗ trợ DNNVV tới đây sẽ hiệu quả hơn.

Điều đáng mừng là để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bao gồm DNNVV… Điều quan trọng là việc hỗ trợ DNNVV cần phải bảo đảm tính đồng bộ. Trong đó, có mấy vấn đề cơ bản sau.

Đầu tiên là phải cải thiện thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh thật bài bản, công bằng, có khả năng thực thi cao. Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, vì nếu không thì doanh nghiệp sẽ không thể tăng trưởng. Muốn vậy, phải có nguồn lực để DNNVV chuyển đổi, đồng nghĩa phải hỗ trợ tài chính với lãi suất và các gói vay phù hợp; hỗ trợ nền tảng khoa học công nghệ để doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý, bán hàng… Cùng với đó, cần có chính sách về tài khóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này trong tiếp cận nguồn lực đất đai mở nhà xưởng, vùng sản xuất… Khi môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, và sẽ đóng góp đắc lực cho tăng trưởng.

- Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, có ĐBQH cho rằng, nên phân loại DNNVV theo từng quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa để có chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này. Bởi thực tế cho thấy, hiện có tới 98% doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, trong đó có trên 60% là quy mô siêu nhỏ dưới 5 lao động; doanh nghiệp vừa chỉ khoảng 4%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ. Quy mô doanh nghiệp, địa bàn hoạt động cũng như tính chất hoạt động khác nhau, nên việc phân loại doanh nghiệp để có chính sách tương ứng là rất cần thiết.

Song, khi thiết kế chính sách hỗ trợ theo hướng phân loại doanh nghiệp cần bảo đảm mối liên kết với nhau chứ không phải là những chính sách độc lập, tách rời nhau. Trong đó, doanh nghiệp vừa phải là đầu mối để liên kết doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, từ khâu sản xuất đến bán hàng, vươn ra thị trường quốc tế. Chẳng hạn, khi có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ về đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp thì phải gắn với doanh nghiệp quy mô vừa để hai bên kết nối với nhau.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thiet-ke-chinh-sach-theo-quy-mo-doanh-nghiep-post404736.html
Zalo